Sôi nổi trong 3 ngày chất vấn tại nghị trường Quốc hội
Từ ngày 29/10 - 3/11, tuần làm việc thứ 2 của kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV đã kết thúc. Trong đó, hoạt động nổi bật nhất là Quốc hội tiến hành chất vấn các thành viên Chính phủ. Đây là 1 hoạt động rất quan trọng trong mỗi kỳ họp. Phiên chất vấn lần này đã để lại ấn tượng về tinh thần dân chủ, trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội, các thành viên Chính phủ, trưởng ngành trước những vấn đề trọng đại cũng như cụ thể mà cử tri, nhân dân cả nước quan tâm.
Điểm mới nổi bật của phiên chất vấn tại kỳ họp Quốc hội lần này là không chất vấn theo nhóm vấn đề, không lựa chọn danh sách "cứng" người trả lời chất vấn mà tất cả các thành viên Chính phủ, trưởng ngành có nội dung liên quan đều phải trả lời.
Với thời gian hỏi tối đa 1 phút, trả lời 3 phút nên các Bộ trưởng, trưởng ngành đề cập thẳng vào vấn đề, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội khẳng định việc thay đổi cách thức giúp nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động chất vấn, giải quyết đến cùng những vấn đề cử tri, đại biểu Quốc hội quan tâm, có ý kiến. Trong 3 ngày chất vấn, 82 lượt đại biểu đã tranh luận, trong đó có nhiều lần các đại biểu Quốc hội tranh luận với nhau.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá: Phiên chất vấn cho thấy, việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội đã được Chính phủ, Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao nghiêm túc, chủ động triển khai thực hiện với nhiều giải pháp, biện pháp đồng bộ, quyết liệt; đã kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thực hiện có hiệu quả các yêu cầu của Quốc hội, tạo sự chuyển biến góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội, quốc phòng được giữ vững. Nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Quốc hội giao, Chính phủ, Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đã thực hiện đạt hoặc vượt yêu cầu. Kết quả đó được đại biểu Quốc hội, cử tri và dư luận xã hội ghi nhận, đánh giá cao.
Những quy định chưa hợp lý thì phải sửa cho dân nhờ
Trong kỳ chất vấn Quốc hội, nghị trường liên tục "nóng" bởi câu chuyện mua bán 100 USD bị xử phạt 90 triệu đồng và chuyện dự thảo quy định học sinh, sinh viên bán dâm 4 lần mới bị đuổi học.
Đây không phải là lần đầu các đại biểu Quốc hội có ý kiến về những quy định "trời ơi". Trước đó, những quy định như "ngực lép không được lái xe", "xử phạt nếu đi xe không chính chủ", "nhà hàng chỉ được tổ chức tiệc cưới khi có giấy kết hôn"... từng gây xôn xao dư luận.
Tại phần tranh luận của các đại biểu về chuyện mua bán 100 USD bị xử phạt 90 triệu đồng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phải chỉ đạo các cơ quan chức năng thực hiện đúng theo quy định của pháp luật, nếu quy định chưa hợp lý thì “phải sửa cho dân nhờ”.
Trình Quốc hội phê chuẩn Hiệp định CPTPP
Cũng trong tuần làm việc thứ 2, Quốc hội đã dành thời gian nghe Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trình bày tờ trình về việc đề nghị Quốc hội phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, việc tham gia và sớm phê chuẩn Hiệp định CPTPP sẽ giúp Việt Nam thể hiện cam kết mạnh mẽ đối với đổi mới và hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; khẳng định vai trò và vị thế địa - chính trị quan trọng của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á cũng như châu Á - Thái Bình Dương, thực sự nâng cao vị thế của Việt Nam trong khối ASEAN, trong khu vực cũng như trên trường quốc tế.
Hiệp định CPTPP khi đi vào triển khai sẽ góp phần tăng cường sự đan xen lợi ích, làm sâu sắc hơn mối quan hệ giữa Việt Nam với các nước thành viên CPTPP, nhất là các nước thành viên có quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, tham gia CPTPP cũng đặt ra những thách thức về kinh tế - xã hội, thu ngân sách, hoàn thiện khung khổ pháp luật, thể chế. Việc mở cửa các hoạt động kinh tế, đi kèm với các quy định về lao động, minh bạch hóa, chống tham nhũng… đòi hỏi Việt Nam cần chủ động, nỗ lực đổi mới, tiếp tục hoàn thiện các quy định của pháp luật, thiết lập các cơ chế quản lý để vừa phù hợp với điều ước quốc tế nhưng cũng bảo đảm vững chắc sự ổn định về chính trị - xã hội.
Tân Bộ trưởng TT&TT lần đầu trả lời chất vấn
Chiều 31/10, tại phiên chất vấn Quốc hội, lần đầu tiên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng trả lời câu hỏi của các đại biểu.
Trả lời câu hỏi về thực trạng, lâu nay một số cá nhân trên mạng xã hội cho mình cái quyền thích nói gì thì nói, xúc phạm ai thì xúc phạm, theo Bộ trưởng "đây là vấn đề có tính toàn cầu". "Nước lớn như nước Mỹ, nước nhỏ như Timor Leste cũng bị và càng ngày càng nặng. Còn chúng ta thì mới chỉ "sống" trên không gian mạng trên 10 năm", Bộ trưởng nói.
Để giải quyết vấn đề trên, trước hết phải định nghĩa chính xác thế nào là thông tin sai. Thứ hai là phải dùng công nghệ để xử lý.
Bên cạnh đó, cái khó của chúng ta là mạng xã hội xuyên biên giới, họ cung cấp từ nước ngoài vào Việt Nam. Chúng ta phải mạnh tay hơn về việc yêu cầu nhà cung cấp xuyên biên giới tuân thủ luật pháp Việt Nam, đặc biệt là yêu cầu gỡ bỏ thông tin.
Việc này, chúng ta có thể học tập kinh nghiệm quốc tế. EU đã làm rồi, một số nước ASEAN làm rồi. Quan trọng là chúng ta cương quyết thượng tôn pháp luật. Cũng có chế tài xử lý người đưa thông tin sai trên mạng.
"Mạng xã hội không ảo nữa, mà thật rồi, chúng ta không nên bỏ trống trận địa này, đặc biệt là người dân, chính quyền phải sống nhiều hơn trên mạng xã hội. Cái tốt lớn lên thì cái xấu giảm đi", Bộ trưởng Trần Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Về câu hỏi thứ 2 liên quan đến xử lý sim rác, Bộ trưởng cho rằng cách giải quyết phải gắn với việc quản lý công dân.
Theo người đứng đầu Bộ TT&TT, hiện nay một số nước trên thế giới đã quản lý thông qua chứng minh nhân dân, người đi mua sim thì nhà mạng dùng công nghệ quản lý, kiểm chứng thông tin gắn với người sử dụng. Đây là giải pháp gốc để xử lý tình trạng sim rác.
Yêu cầu các Bộ trưởng thực hiện ngay lời hứa trước Quốc hội
Phát biểu khai mạc phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2018, Thủ tướng yêu cầu các Bộ trưởng có kế hoạch triển khai thực hiện ngay những lời hứa trước Quốc hội và cử tri cả nước tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV.
Thủ tướng nhấn mạnh, qua việc lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội, dù mỗi thành viên Chính phủ có số phiếu tín nhiệm cao, thấp khác nhau nhưng đều thôi thúc các Bộ trưởng, trưởng ngành nhanh chóng khắc phục các tồn tại, hạn chế, đề cao trách nhiệm trước Đảng và nhân dân, hoàn thành tốt nhất các nhiệm vụ được giao.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng năm 2018 có nhiều chuyển biến tích cực hơn năm trước, củng cố thêm dự báo cả nước sẽ vượt và đạt toàn bộ các chỉ tiêu kinh tế - xã hội mà Quốc hội giao cho năm 2018. Tuy nhiên, tình hình kinh tế thế giới tiếp tục biến động phức tạp và rất khó lường; đặc biệt là căng thẳng thương mại quốc tế tiếp tục leo thang; giá dầu có xu hướng tăng vào cuối năm sẽ tác động tới điều hành và nền kinh tế.
Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương nhìn nhận trực diện vào các khó khăn, thách thức, không lơ là, chủ quan với thành tích đạt được vừa qua; kiên định với các nhiệm vụ, giải pháp chính đã đề ra, đồng thời có đối sách phù hợp, kịp thời không để bị động, bất ngờ.
Cơ hội thúc đẩy hợp tác thương mại Việt Nam - Trung Quốc
Nhận lời mời của Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã dự Hội chợ nhập khẩu quốc tế Trung Quốc lần thứ nhất tại Thượng Hải, Trung Quốc từ ngày 4 - 5/11/2018.
Hội chợ nhập khẩu quốc tế Trung Quốc 2018 (China International Import Exposition-CIIE 2018) là dịp quảng bá thương hiệu, hình ảnh DN Việt Nam tới Trung Quốc và các nước trên thế giới, nhằm thu hút đầu tư nước ngoài, tạo điều kiện cho các DN Việt Nam tìm kiếm thị trường, mở rộng kinh doanh. Qua đó, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam, giúp nền sản xuất Việt Nam từng bước chiếm lĩnh những khâu có giá trị gia tăng cao trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Chiều 4/11, tại Thượng Hải, hội kiến với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Trung Quốc mở cửa, tạo điều kiện cho hàng hoá Việt Nam vào Trung Quốc, có chính sách và biện pháp thiết thực để giảm mức nhập siêu lớn hiện nay của Việt Nam, hướng tới thương mại song phương tăng trưởng ổn định, bền vững.
Trong khuôn khổ chuyến tham dự Hội chợ CIIE 2018, sau cuộc tọa đàm với các DN hàng đầu Trung Quốc, cũng trong chiều 4/11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc trao đổi với một số tập đoàn lớn của Trung Quốc trong lĩnh vực tài chính, xây dựng, phát triển hạ tầng.
Đại diện các tập đoàn Trung Quốc đánh giá cao những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, đồng thời khẳng định sẽ tiếp tục đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh tại Việt Nam trong các lĩnh vực tài chính, bảo hiểm, ngân hàng, đầu tư, năng lượng, hạ tầng giao thông. Các tập đoàn bày tỏ mong muốn Thủ tướng, Chính phủ và các cơ quan hữu quan của Việt Nam quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để tham gia vào các dự án lớn tại Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Pháp Édouard Philippe duyệt Đội Danh dự QĐND Việt Nam tại lễ đón. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Cũng trong tuần, nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, ngày 2/11, Thủ tướng Cộng hòa Pháp Édouard Philippe bắt đầu thăm chính thức Việt Nam.
Tại cuộc hội đàm, 2 bên nhất trí thúc đẩy hợp tác giữa 2 nước trong phát triển chính phủ điện tử và hiện đại hóa quản trị hành chính nhà nước, một lĩnh vực hợp tác mới và triển vọng.
2 nhà lãnh đạo nhất trí đánh giá quan hệ Việt Nam - Pháp đang phát triển tích cực trên mọi lĩnh vực và khẳng định quyết tâm chung làm sâu sắc các nội hàm của đối tác chiến lược Việt Nam - Pháp, đáp ứng lợi ích và quan tâm chung của 2 nước. 2 bên thống nhất tăng cường trao đổi tiếp xúc ở các cấp, nhất là cấp cao, đồng thời phát huy vai trò của các cơ chế điều phối, chỉ đạo hợp tác song phương trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, quốc phòng, khoa học - công nghệ, văn hóa, giáo dục - đào tạo.
Thủ tướng Pháp Édouard Philippe khẳng định Pháp ủng hộ việc sớm ký và phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) cũng như cam kết duy trì hợp tác phát triển cho Việt Nam trong thời gian tới.
Đình chỉ công tác Giám đốc BQL cao tốc 34.500 tỷ đồng
Ngày 29/10, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cho biết đã tiến hành kiểm điểm, kỷ luật các tập thể, cá nhân liên quan đến hư hỏng tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.
Theo đó, VEC đã tiến hành kiểm điểm, cảnh cáo 4 đơn vị, gồm: Ban điều hành liên danh nhà thầu gói 4; Ban điều hành liên danh nhà thầu gói 6; Ban quản lý dự án Đà Nẵng - Quảng Ngãi; Ban điều hành quản lý khai thác đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (VECS).
5 cá nhân bị kỷ luật cảnh cáo, gồm: Giám đốc điều hành liên danh nhà thầu gói 4; Giám đốc điều hành liên danh nhà thầu gói 6; cán bộ phụ trách thi công nhà thầu gói 4 (đoạn Công ty Tuấn Lộc thi công); cán bộ phụ trách thi công nhà thầu gói 6 (đoạn Tổng công ty Thành An thi công); Phó giám đốc kiêm đội trưởng đội vận hành và bảo trì Ban điều hành đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.
Đồng thời, VEC cũng tạm đình chỉ công tác Giám đốc Ban quản lý dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.
Tiếp đó, vào ngày 31/10, VEC phát đi thông báo cho biết, kiểm toán Nhà nước đánh giá, qua đấu thầu quốc tế đã giúp giảm tổng mức đầu tư tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi từ 34.516 tỷ đồng xuống còn khoảng 28.000 tỷ đồng (giảm hơn 6.000 tỷ đồng so với kế hoạch).
Kiếm toán Nhà nước yêu cầu VEC khắc phục về tài chính hơn 410 tỷ đồng, tới nay VEC đã thực hiện được hơn 378 tỷ đồng (đạt hơn 92%). Trong đó, riêng về xử lý tài chính khác số tiền hơn 21 tỷ đồng, tới nay, VEC mới xử lý được 211 triệu đồng (chỉ đạt chưa tới 1% yêu cầu).
Theo lý giải của VEC, đối với phần chưa làm xong, iệc giảm quyết toán tới nay còn hơn 9,5 tỷ đồng (các gói thầu số: 2, 3A, 3B, 4, 5, 7, 14B1 và 14B2) do chưa có khối lượng thanh toán, nghiệm thu. Còn về kiến nghị xử lý tài chính khác, tới nay còn hơn 22,9 tỷ đồng chưa thực hiện, VEC cho rằng việc giảm trừ giá trị rà phá bom mìn, giải phóng mặt bằng, điều chỉnh dự toán giếng cát các gói thầu 3A, 3B, A3… đang thực hiện. Do phải xin ý kiến các bộ ngành liên quan.
Ngoài ra, về kiến nghị giảm trừ hơn 35,2 tỷ đồng thuế VAT, hiện còn lại hơn 866 triệu đồng, VEC cho biết sẽ giảm trừ khi quyết toán hợp đồng. Bên cạnh đó, VEC khẳng định về việc thực hiện kiểm điểm rút kinh nghiệm với các tập thể, cá nhân liên quan.
Xét xử phúc thẩm vụ lùi xe trên cao tốc
Ngày 1/11, TAND tỉnh Thái Nguyên mở phiên tòa xét xử phúc thẩm, giảm án cho 2 tài xế trong vụ án lùi xe ô tô trên cao tốc gây tai nạn thảm khốc.
Theo đó, HĐXX quyết định sửa một phần bản án sơ thẩm, giảm án cho bị cáo Ngô Văn Sơn (40 tuổi, tài xế xe Innova) từ 10 năm tù xuống còn 9 năm tù; bị cáo Lê Ngọc Hoàng (33 tuổi, tài xế xe container) từ 8 năm tù xuống còn 6 năm tù về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ.
Đây là vụ án rất được dư luận quan tâm theo dõi, đặc biệt là giới tài xế, lái xe, bởi nhiều lẽ. Những tranh cãi trước, trong và sau phiên tòa đã liên tục làm nóng các diễn đàn mạng xã hội trong tuần này.
Theo hồ sơ vụ án, sáng 19/11/2016, Ngô Văn Sơn lái xe Innova 8 chỗ chở 10 hành khách đi ăn cưới ở TP Thái Nguyên, có đi trên tuyến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên. Do vượt quá lối ra khỏi cao tốc tại nút giao Yên Bình (thị xã Phổ Yên), Sơn cho ô tô đi lùi, sát hàng rào bên phải.
Cùng lúc, tài xế Hoàng lái xe đầu kéo, kéo theo rơmoóc đi thuận chiều trên cao tốc, tốc độ 60 - 65 km/giờ. Đến gần nút giao, thấy chiếc Innova phía trước cách khoảng 70m đang bật đèn thắng đỏ, Hoàng không thắng giảm tốc mà quan sát gương chiếu hậu. Do phía sau có ô tô khác đang vượt lên, Hoàng không thể chuyển làn nên đã đâm vào đuôi chiếc Innova đang có 11 người ngồi trên xe.
Do khoảng cách quá gần, xe đầu kéo đã tông và đẩy ô tô chở khách đi gần 40m mới dừng lại. Sự cố khiến 4 người trên xe Innova tử vong tại chỗ, 2 người bị thương. Các phương tiện hư hỏng nặng.
Trong vụ án này, Sơn bị cáo buộc vi phạm 3 lỗi: Không được lùi xe ở khu vực cấm dừng trên cao tốc, điều khiển ô tô trên đường khi có nồng độ cồn, chở khách vượt quá số người quy định. Trong khi đó, Hoàng bị xác định đã không giữ tốc độ và khoảng cách an toàn với xe chạy liền trước.
Liên quan đến vụ việc, dư luận, nhất là cánh lái xe nhận định, bị cáo Sơn lùi xe trên cao tốc lỗi đã rõ mười mươi, nhưng bị cáo Hoàng thì không có lỗi. Nhiều câu hỏi đã được đặt ra. Đại đa số các ý kiến trên mạng xã hội không đồng tình với mức án dành cho bị cáo Hoàng. Đồng thời nhiều tài khoản cá nhân đang vận động 1 thỉnh nguyện thư, tập hợp chữ ký nhằm giảm án cho tài xế này.
Ô tô lao qua thành cầu Chương Dương, 2 người tử vong
Vụ tai nạn xảy ra vào khoảng 19h40 ngày 3/11 trên cầu Chương Dương, TP Hà Nội. Chiếc xe ô tô Mercedes 5 chỗ di chuyển theo hướng từ quận Long Biên về trung tâm Hà Nội bị mất lái, đâm qua lan can cầu và rơi xuống sông Hồng. Ngay sau khi vụ tai nạn xảy ra, lực lượng chức năng đã khẩn trương phong tỏa hiện trường và tiến hành tìm kiếm, cứu nạn.
Đến rạng sáng 4/11, chiếc xe được trục vớt lên bờ 2 nạn nhân nữ. Sau đó, việc đảm bảo an toàn giao thông trên cầu Chương Dương cũng được triển khai nhanh chóng. Khu vực lan can bị xe ô tô húc rơi tối qua đã được lực lượng chức năng gia cố lại bằng lan can mới. Lan can này bằng thép được hàn nối với hệ thống lan can cũ và gia cố với chân cầu bằng bê tông...