Những sự kiện giáo dục nên “đọc lại” trong năm 2019

Bảo Thắng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Loạt cán bộ quản lý giáo dục vào vòng lao lý, hay việc Quốc hội thông qua Luật Giáo dục với nhiều điểm sáng hoặc công bố 5 bộ sách giáo khoa mới là những nội dung nổi bật trong năm 2019.

1. Gian lận thi cử THPT quốc gia
Theo đó, năm 2018 đã xảy ra loạt gian lận thi THPT quốc gia với những sai phạm nghiêm trọng từ công tác tổ chức, chấm thi, xảy ra ở nhiều địa phương, như Hà Giang, Hoà Bình, Sơn La. Theo kết quả điều tra, có 347 bài thi của 222 thí sinh bị sửa điểm. Ngay sau đó, Thủ tướng đã yêu cầu xử lý nghiêm minh sự việc và nhiều cán bộ ngành giáo dục đã phải hầu toà.
2. Bắt hiệu trưởng, phó hiệu trưởng trường đại học
Tại trường đại học Đông Đô đã xảy ra sai phạm nghiêm trọng liên quan hành vi giả mạo cấp văn bằng, chứng chỉ, thu lời bất chính hàng tỉ đồng. Trong vụ việc, cơ quan chức năng đã bắt giữ ông Dương Văn Hoà, Hiệu trưởng nhà trường. Cấp phó – bà Nguyễn Thị Minh Châu cũng bị cơ quan điều tra bắt giữ liên quan hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong công tác tuyển sinh, đào tạo, cấp bằng tốt nghiệp đại học ngành ngôn ngữ Anh hệ văn bằng 2 chính quy sai quy định.
3. Công bố 5 bộ sách giáo khoa lớp 1 mới
Hồi cuối tháng 11, Bộ GD&ĐT đã công bố 5 bộ sách giáo khoa lớp 1 mới, với nhiều điểm đáng chú ý. Theo đó, 32 cuốn sách của 8 môn học đã được Bộ GD&ĐT lựa chọn để cho các cơ sở giáo dục phục vụ công tác giảng dạy. Trong đó, với 24/32 cuốn sách được lựa chọn, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam chiếm ưu thế trong công tác thẩm định sách giáo khoa mới. Ở lần công bố này, do phía Bộ GD&ĐT chưa công bố sách giáo khoa môn tiếng Anh đã dấy lên nhiều nghi vấn, trong đó có yếu tố pháp lý với nhóm tác giả người nước ngoài.
4. Siết chất lượng đạt chuẩn phó giáo sư, giáo sư
Năm 2019 là năm đầu thực hiện Quyết định 37/2018 của Thủ tướng về tiêu chuẩn, thủ tục xét công nhận đạt tiêu chuẩn và bổ nhiệm chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư. Điều đặc biệt, với việc công khai thông tin các ứng viên đạt chuẩn trên trang thông tin điện tử của các cơ sở giáo dục đại học và trang thông tin điện tử của Hội đồng Giáo sư đã thể hiện sự minh bạch, công khai trong quá trình xét tuyển. Theo đó, có 424 ứng viên Giáo sư, phó giáo sư đủ phiếu tín nhiệm của Hội đồng giáo sư Nhànuowcs, trong đó có 75 ứng viên Giáo sư, 349 ứng viên Phó Giáo sư.
5. Luật Giáo dục có hiệu lực từ 1/7/2020
Năm 2019, Quốc hội đã thông qua Luật Giáo dục (sửa đổi) với 9 chương, 115 điều, có hiệu lực từ 1/7/2020, với nhiều nội dung đáng chú ý, như việc miễn giảm học phí cho học sinh THCS theo lộ trình; trượt tốt nghiệp THPT được xác nhận hoàn thành chương trình; tốt nghiệp sư phạm làm trái ngành phải hoàn học phí; mỗi môn học được biên soạn nhiều sách giáo khoa; nâng cao trình độ giáo viên...