Những thách thức đối với việc bảo vệ di sản Vịnh Hạ Long

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long đang trở thành một điểm đến của khách du lịch trong và ngoài nước đã mở ra những triển vọng to lớn trong phát triển kinh tế, xã hội đối với tỉnh Quảng Ninh.

Tuy nhiên, vinh dự này cũng đặt ra trách nhiệm nặng nề đối với việc quản lý, bảo tồn và phát huy một cách hài hòa, có hiệu quả những giá trị đặc biệt của vịnh Hạ Long.
Phong cảnh Vịnh Hạ Long. (Ảnh: Nguyễn Đán/TTXVN)
Phong cảnh Vịnh Hạ Long.
Những thách thức

Di sản vịnh Hạ Long không chỉ là một vùng biển có nhiều nguồn lợi thủy sản, thuận tiện cho tàu thuyền qua lại, neo đậu, mà còn nằm trong một vùng kinh tế trọng điểm ở phía Đông Bắc của đất nước. Hơn một thế kỷ qua, nơi đây đã có nhiều ngành kinh tế quan trọng như khai thác than, sản xuất ximăng... 

Những năm gần đây, khi Nhà nước thực hiện chính sách đổi mới, mở cửa, hội nhập quốc tế, Quảng Ninh được quy hoạch thành một trong những trọng điểm kinh tế ở khu vực phía Bắc của Tổ quốc, nhiều ngành kinh tế mũi nhọn đã được phát triển mạnh mẽ. Trong đó, các ngành khai thác than, đá vôi, du lịch, giao thông, cảng biển, đánh bắt và nuôi trồng hải sản và du lịch đang là trọng tâm của sự đầu tư.

Theo ông Nguyễn Thế Hùng, Cục trưởng Cục di sản Văn hóa, ở các nước đang phát triển khác, sự phát triển mạnh mẽ của các ngành kinh tế trong khi chưa có đầy đủ cơ sở pháp lý, năng lực để kiểm soát, điều chỉnh những tác động tiêu cực đối với môi trường tự nhiên và xã hội, chưa đủ tiềm năng kinh tế để làm bệ đỡ cho các chính sách bảo vệ môi trường, nhận thức của cộng đồng về một sự phát triển bền vững chưa đầy đủ, thì nguy cơ về sự mất cân đối giữa phát triển và bảo vệ môi trường có thể xảy ra bất cứ lúc nào và ở đâu. 

Theo ông Hùng, vịnh Hạ Long không nằm ngoài thông lệ đó. Các ngành kinh tế nói trên phát triển trong và quanh vùng vịnh dễ gây ảnh hưởng trực tiếp đối với giá trị nổi bật toàn cầu, tính toàn vẹn của vịnh. 

Thêm vào đó, vịnh Hạ Long lại nằm bên cạnh thành phố Hạ Long, một thành phố đang trong quá trình đô thị hóa rất nhanh, trong khi cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được những tiêu chuẩn cần thiết về bảo vệ môi trường, nước thải sinh hoạt của thành phố chảy trực tiếp xuống biển mà chưa được xử lý theo một quy trình công nghệ bắt buộc.

Bảo tồn đi đôi với phát triển

Bà Phạm Thùy Dương, Trưởng ban Quản lý vịnh Hạ Long, cho biết dù vịnh Hạ Long đang được đưa vào khai thác phục vụ phát triển du lịch, song theo quan điểm của tỉnh Quảng Ninh, phát triển du lịch trên vịnh Hạ Long là để làm công tác bảo tồn; phát triển nhưng không phá vỡ bảo tồn, phát triển lấy nguồn lực để bảo tồn. Quảng Ninh đã tiến hành một loạt các hoạt động như chuyển tải clinker, ximăng và các loại hàng hoá rời (dăm gỗ, đá các loại…) trên vịnh bị nghiêm cấm; đồng thời tỉnh cho di chuyển các hoạt động khai thác, sàng tuyển, bóc rót than ra vùng lõi vịnh; hạn chế tối đa việc phát triển quỹ đất đô thị bằng hình thức lấn biển...

Quảng Ninh cũng vừa hoàn thành việc di dời hàng trăm hộ dân cư đang sinh sống dưới vịnh lên bờ định cư, kết hợp với tổ chức, sắp xếp lại các làng chài truyền thống ở trên Vịnh Hạ Long vừa đảm bảo mỹ quan, vệ sinh, an toàn góp phần phục vụ du lịch tích cực.
Phong cảnh đảo Titov trên Vịnh Hạ Long. (Ảnh: Nguyễn Đán/TTXVN)
Phong cảnh đảo Titov trên Vịnh Hạ Long.
Tỉnh thường xuyên phối hợp với Trung tâm Quan trắc và phân tích môi trường quan trắc, đánh giá chất lượng nước biển ven bờ vịnh Hạ Long; khảo sát, đánh giá hiện trạng hệ sinh thái rừng ngập mặn và bãi triều không có rừng ngập mặn khu vực vịnh; thiết lập hệ thống thu gom, vận chuyển rác thải trên vịnh Hạ Long về bờ xử lý sử dụng nhiên liệu sinh học và xây dựng mô hình giáo dục môi trường, nâng cao nhận thức cộng đồng bảo vệ di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long.

Bên cạnh đó, tỉnh chủ động phối hợp, liên kết với các cơ quan bảo tồn thiên nhiên thế giới, các viện nghiên cứu đầu ngành, trường đại học, các nhà khoa học trong và ngoài nước nhằm triển khai nghiên cứu khoa học, từng bước làm rõ và bổ sung đầy đủ những giá trị di sản về đa dạng sinh học, về văn hóa-lịch sử và địa chất - địa mạo. 

Đến nay, nhiều đề tài, chuyên đề nghiên cứu khoa học về vịnh Hạ Long như: “Khảo sát, điều tra đánh giá thực vật tự nhiên ở vịnh Hạ Long”; “Nghiên cứu các giá trị đa dạng sinh học vịnh Hạ Long phục vụ cho việc quản lý, phát huy giá trị đa dạng sinh học của di sản”... 

Cùng với đó, nhiều ứng dụng khoa học công nghệ được áp dụng vào công tác quản lý, bảo vệ di sản như công nghệ định vị toàn cầu; hệ thống wimax, camera giám sát; hệ thống thông tin địa lý, thử nghiệm thiết bị lọc tách dầu thải tại các tàu du lịch nhằm bảo vệ môi trường sinh thái trong khu vực di sản...

Phát triển theo hướng bền vững

Mới đây, giữa tháng 8/2014, UBND tỉnh Quảng Ninh đã phê duyệt “Quy hoạch môi trường vịnh Hạ Long đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” trong đó chú trọng công tác bảo vệ môi trường vịnh Hạ Long gắn với nâng cao, chuyển biến nhận thức của cộng đồng dân cư có tác động đến khu vực vịnh Hạ Long; đồng thời áp dụng các quy chuẩn về môi trường của Việt Nam và các nước phát triển trên thế giới nhằm bảo tồn, phát huy, nâng cao giá trị của vịnh Hạ Long đảm bảo phát triển bền vững. 

Quảng Ninh đang hướng tới mục tiêu đến năm 2020 vịnh Hạ Long và thành phố Hạ Long sẽ là một khu vực trung tâm, không chỉ về phát triển kinh tế mà còn là một đơn vị dẫn đầu về bảo vệ môi trường và thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh của tỉnh. Tầm nhìn đến năm 2030 vịnh Hạ Long cùng với thành phố Hạ Long sẽ trở thành biểu tượng về một trung tâm “Tăng trưởng xanh” cấp ASEAN; vịnh Hạ Long phấn đấu đi đầu về công tác quản lý tài nguyên và môi trường bền vững. 

Gần đây, một loạt các dự án đầu tư bên bờ Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long, chủ yếu là các dự án đầu tư du lịch dịch vụ của các Tập đoàn lớn như VinGroup, SunGroup hay Tuần Châu... đang được triển khai theo định hướng này.

Đại diện nhà đầu tư Vingroup chia sẻ, Quảng Ninh là tỉnh có tiềm năng phát triển mạnh về nhiều mặt, đặc biển là kinh tế biển đảo. Cùng chính sách hỗ trợ đầu tư ưu việt và sự năng động của lãnh đạo tỉnh, thời gian gần đây, Quảng Ninh ngày càng thu hút nhiều hơn các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước. 

Đối với Tập đoàn Vingroup, Quảng Ninh là một trong những địa bàn chiến lược với nhiều dự án đầu tư quan trọng với mục tiêu xây dựng thêm những công trình đẹp, hiện đại bên bờ di sản Vịnh Hạ Long, cũng như góp phần xây dựng thương hiệu du lịch Quảng Ninh nói riêng, du lịch Việt Nam nói chung trở nên hấp dẫn hơn với du khách.

Bà Muller Marin - Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam đánh giá cao việc tạo việc làm và thu nhập trong các cộng đồng địa phương ở vịnh Hạ Long, góp phần phát triển kinh tế bền vững trong sự hài hòa với cư dân bảo tồn di sản; đồng tình với việc phát triển và mở rộng các điểm thu hút khách tham quan trong vùng đệm, giảm các tác động tiêu cực của áp lực du lịch đối với vùng lõi của khu di sản trong khi khuyến khích những dự án kinh tế xã hội đáng giá và bền vững trong khu vực này.

Theo bà Katherine Muller Marin: "Làn nước trong suốt như pha lê, môi trường trong lành, dịch vụ an toàn và hiệu quả, hòa hợp với thiên nhiên, sự tôn trọng người dân địa phương, tôn trọng cây cối và và động vật, tất cả đều được ghi trên các danh mục yêu thích của khách du lịch và sẽ trở thành những lý do để họ trở lại thêm một, hai hay nhiều lần nữa. Đầu tư vào việc thu hút một khách du lịch ở lại lâu hơn và trở lại cùng với gia đình và bạn bè là một sự đầu tư đáng giá."

Trưởng ban Quản lý vịnh Hạ Long Phạm Thùy Dương nhấn mạnh, thiên nhiên ban tặng cho Hạ Long những giá trị vô cùng quý giá, việc bảo vệ các giá trị của di sản sẽ góp phần quan trọng làm nền tảng cho việc khai thác và phát huy bền vững các giá trị đặc biệt, nổi bật toàn cầu của di sản - kỳ quan thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần