Những thầy thuốc trên tuyến đầu chống dịch

Trần Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một năm qua, trong cuộc chiến chạy đua với thời gian để chống lại dịch Covid-19, những y, bác sĩ, những chiến sĩ áo trắng nơi tuyến đầu chống dịch đã ngày đêm gồng mình chiến đấu với “giặc Covid-19” nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe Nhân dân.

Những cống hiến, hy sinh tận tụy không quản hiểm nguy vì cộng đồng của họ đã để lại ấn tượng vô cùng tốt đẹp, làm lay động hàng triệu trái tim Việt Nam.
 Bác sĩ Nguyễn Thị Hải Yến - Khoa phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội
Bác sĩ truyền nhiễm không chùn bước trước cuộc chiến với Covid-19
Đến nay, đã gần 1 năm trôi qua, bác sĩ Nguyễn Thị Hải Yến - Khoa phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội chẳng thể nhớ nổi mình đã đi những đâu để khoanh vùng dập dịch Covid-19.

Với chị, ký ức về những ngày “trực chiến” tại ổ dịch Trúc Bạch, ổ dịch Covid-19 đầu tiên của Hà Nội vẫn còn nguyên vẹn cảm xúc. “Trong những tháng tháng ấy, khó khăn nhất không phải là những ngày vật lộn, căng thẳng ở các ổ dịch, mà là cố gắng vượt qua nỗi nhớ con khi xa nhà đi làm nhiệm vụ, lo lắng cho người thân khi tham gia công tác phòng dịch. Nhưng ở thời điểm cấp bách ấy, chị đã gạt đi mọi lo âu để vững vàng hoàn thành nhiệm vụ với vai trò là Đội phó Đội đáp ứng nhanh của CDC Hà Nội.

Nhớ lại những ngày tháng chống dịch, chị Hải Yến tâm sựu, khi Hà Nội xuất hiện ca bệnh đầu tiên vào tối 6/3 tại phường Trúc Bạch, quận Tây Hồ, chị cùng đội phản ứng nhanh không đắn đo, suy nghĩ, lập tức lên đường nhận nhiệm vụ. Thời điểm ấy, đội phản ứng nhanh luôn trong tinh thần sẵn sàng từ đồ bảo hộ, thiết bị lấy mẫu xét nghiệm đến tất cả các đồ dùng liên quan đến khoanh vùng, điều tra dịch tễ ổ dịch…

“Ngay sau khi đến nhà bệnh nhân 17 vào chiều tối 6/3, chúng tôi đã khẩn trương điều tra, lên danh sách những người tiếp xúc trực tiếp. Vì đây là ổ dịch đầu tiên nên chúng tôi muốn khai thác triệt để, tránh bỏ sót các nguy cơ. Lúc đó, cả đội vừa làm vừa run khi biết mình đang ở nơi nguy hiểm nhất mà sau lưng còn con nhỏ và mẹ già”- bác sĩ Hải Yến xúc nhớ lại.

Sau ổ dịch đầu tiên ở Trúc Bạch, bác sĩ Hải Yến tiếp tục những ngày lăn lộn với nhiệm vụ xử lý, điều tra các ổ dịch phát sinh tiếp theo như ổ dịch tại 200 Nguyễn Sơn (quận Long Biên), ổ dịch tại Hạ Lôi (huyện Mê Linh)... Hay việc lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc ở sân bay, điều tra dịch tễ, truy vết các ca liên quan đến các ca bệnh. “Đến nay, tôi chẳng thể nhớ nổi mình đã đi những đâu để khoanh vùng dập dịch Covid-19. Nhưng những ngày tháng tham gia vào nhiệm vụ đặc biệt ấy đã giúp tôi trưởng thành, mạnh mẽ và vững vàng hơn trước”- bác sĩ Hải Yến chia sẻ.
Bác sĩ Thân Mạnh Hùng - Phó trưởng khoa Cấp cứu, BV Bệnh nhiệt đới T.Ư

Giây phút khó quên của vị bác sĩ xung phong “giải cứu” công dân Việt từ Guinea Xích đạo

Còn với bác sĩ Thân Mạnh Hùng - Phó trưởng khoa Cấp cứu, BV Bệnh nhiệt đới T.Ư, suốt 13 năm làm nghề y, chuyến bay đưa 219 công dân Việt Nam từ Guinea Xích đạo về nước có lẽ là những giây phút, nhiệm vụ chẳng thể nào quên.

Sau Tết Nguyên đán, Việt Nam xuất hiện những ca đầu tiên mắc Covid-19, bác sĩ Thân Mạnh Hùng cùng đồng nghiệp đã "lên dây cót tinh thần", sẵn sàng nhận nhiệm vụ. Nhưng với chuyến bay đến Guinea Xích đạo nhiệm vụ nặng nề hơn rất nhiều, anh vẫn sẵn sàng lên đường. "Nhận nhiệm vụ nhưng bản thân mình rất lo lắng. Chuyến đi này chưa bao giờ có tiền lệ và chắc chắn đã có bệnh nhân dương tính Covid-19. Số bệnh nhân lại rất đông, có người bệnh nặng trong khi quá trình bay rất dài, khoảng 13 -15 giờ đồng hồ. Kèm theo đó là nguy cơ lây nhiễm cho nhân viên y tế cũng như phi hành đoàn rất lớn" - bác sĩ Thân Mạnh Hùng nhớ lại.

Trước chuyến đi, bác sĩ Hùng cùng 3 nhân viên y tế của BV tiếp nhận thông tin trong số 120 bệnh nhân dương tính Covid-19, khoảng 30 người cần nhập viện điều trị, 5 - 6 bệnh nhân cần thở oxy. Và chính điều này làm cả đoàn lo lắng.

Thế nên, ngoài việc khảo sát máy bay sử dụng cho chuyến đi được thiết kế ra sao, bác sĩ Hùng cho biết, BV lên kế hoạch chia máy bay thành 4 khu. Đó là khu dành cho bệnh nhân dương tính Covid-19, khu bệnh nhân có kết quả âm tính, khu dành cho nhân viên y tế và khu dành cho phi hành đoàn. Giữa các khoang, khảo sát lắp đặt rèm nilon dày hạn chế không khí di chuyển từ khoang nọ sang khoang kia. Nhưng trong không gian hẹp, nguy cơ lây nhiễm lớn, đến việc bỏ khẩu trang ra còn khó khăn chứ chưa kể đến việc ăn uống.

Đặc biệt, khi ấy, bác sĩ Hùng nảy ra sáng kiến đặt hàng cùng thầy cô trường Đại học Bách khoa Hà Nội thiết kế buồng áp lực dương. "Không khí từ các buồng sẽ được lọc qua màng lọc, vào trong đó mình có thể bỏ khẩu trang ra ăn uống. Không ai nói chắc được 100% nhưng đây có thể coi là giải pháp tinh thần. Khi máy bay bắt đầu chạy trên đường băng, chúng tôi họp lại phi hành đoàn, cán bộ nhân viên y tế quán triệt những việc trên máy bay, tập huấn tháo lắp thiết bị bảo hộ cho phi hành đoàn… Những giải pháp tính đến thời điểm này là thành công vì chúng tôi đều an toàn, là tiền đề cho sau này nếu "giải cứu" ở những nơi khác thì cũng có được kinh nghiệm quý cho người đi sau" - bác sĩ Hùng chia sẻ.

Nhớ lại giây phút máy bay hạ cánh xuống sân bay Bata của Guinea Xích đạo có lẽ là giây phút chẳng thể nào quên với vị bác sĩ trẻ 38 tuổi. Nhìn từ cửa máy bay, anh thấy công dân nước mình đang đứng rất đông, họ chờ đợi, hò reo trong vui sướng. "Có lẽ họ đang chịu áp lực về sức khỏe, về điều kiện y tế tại nơi đó. Chúng tôi đến mang niềm tin, hy vọng, họ rất hồ hởi" - bác sĩ Hùng bồi hồi nhớ lại.
 Anh Nguyễn Đức Minh - nhân viên khoa Xét nghiệm, CDC Hà Nội 

Cuộc chiến của những "thợ săn" virus

Dù đến thời điểm này, dịch bệnh ở Việt Nam đã tạm lắng nhưng nguy cơ dịch bệnh xâm nhập tại Hà Nội vẫn luôn hiện hữu, nhất là vào thời điểm cuối năm như hiện nay. Vì vậy, TP cũng như nhân viên y tế của CDC Hà Nội luôn sẵn sàng tinh thần trong mọi tình huống, luôn đặt công tác phòng, chống dịch Covid-19 ở mức ưu tiên cao nhất.

Nhớ lại những ngày đầu chống dịch, anh Nguyễn Đức Minh - nhân viên khoa Xét nghiệm, CDC Hà Nội chia sẻ, trước áp lực lớn chưa từng có vì diễn biến nhanh và phức tạp của dịch bệnh, Hà Nội càng quyết liệt thực hiện phương châm rà soát và xét nghiệm "càng nhanh càng tốt” để khoanh vùng kịp thời.Đây cũng là thời điểm nhân viên khoa Xét nghiệm, CDC Hà Nội chịu nhiều áp lực nhất. Từ lúc dịch Covid-19 xuất hiện, những nhân viên y tế nơi đây luôn quay cuồng với công việc, liên tục 24/24 giờ, sức làm việc của họ đều đang vượt quá 200%. Có những hôm làm mệt lả từ sáng, trưa sang chiều, chưa kịp ăn uống, có lịch, họ lại lên đường ngay lập tức.

Bước vào một cuộc chiến chống Covid-19, anh Minh bảo, công việc của các nhân viên khoa Xét nghiệm đều được đào tạo chuyên môn hóa. Một người có thể làm được mọi công việc, đảm nhiệm tất cả các khâu... Mỗi lần vào labor ngồi box cấy, nghĩa là phải sau 4 - 6 tiếng xong hết việc mọi người mới được ra ngoài. Yêu cầu kỹ thuật trong labor là các bác sĩ, kỹ thuật viên không được làm việc liên tục suốt 8 tiếng đồng hồ. Vì vào đó, họ phải mặc trang phục phòng hộ chuyên dụng trông giống như phi hành gia. Bộ đồ đó rất kín, mặc vào phải làm việc liên tục như một cỗ máy. Trong khi cơ thể chỉ chịu đựng được 4 tiếng.

“Thực hiện công việc nhẹ hơn một chút may ra được 6 tiếng. Trong 4 - 6 tiếng đó, khát không được uống nước, vệ sinh không được đi, ngứa không được gãi bởi nếu cởi ra coi như đã hủy bộ quần áo đó. Trong tình hình lúc đó, một bộ đồ bảo hộ đúng quy chuẩn như vậy rất quý hiếm, có tiền cũng không mua được. Kỹ thuật viên một phần vì tiết kiệm, phần quan trọng hơn, trong ca làm nếu hở ra một chút xíu thôi coi như mang luôn nguy cơ lây nhiễm vào người" - anh Minh kể lại.
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp - Phó Giám đốc Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới T.Ư.

Vị bác sĩ có tài chữa những ca bệnh nặng 

Năm 2020, một năm thật đặc biệt, với biết bao kỷ niệm khó quên trong lòng bác sĩ Nguyễn Trung Cấp - Phó Giám đốc Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới T.Ư. Nhiều tháng liền trên tuyến đầu chống Covid-19, vị bác sĩ ở tuổi 50 đã “lập chiến công” khi sàng lọc cho hàng ngàn đối tượng nghi ngờ, trực tiếp điều trị cho hơn 30 bệnh nhân, trong đó có gần 20 ca nặng và nguy kịch.

Chia sẻ với chúng tôi, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp cho hay, 1 năm qua, dù có những lúc dịch nóng lên rồi lại tạm lắng ngoài cộng đồng, nhưng công việc điều trị bệnh nhân Covid-19 tại BV Bệnh nhiệt đới T.Ư thì chưa lúc nào bớt căng thẳng. Ngoài các ca cộng đồng, BV liên tục tiếp nhận điều trị các ca bệnh nhập cảnh, y bác sĩ chưa khi nào được "ngơi tay”.

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp tâm sự: “Trong công tác điều trị người bệnh Covid-19, khó khăn lớn nhất là phải đương đầu với một bệnh lý mới, nhất là giai đoạn đầu khi các bác sĩ mới tiếp nhận những bệnh nhân đầu tiên vào điều trị. Khi ấy, hầu như trên thế giới chưa có nhiều hiểu biết chung về bệnh mới này. Điều đó khiến chúng tôi gặp nhiều khó khăn khi tìm hiểu, nghiên cứu về bệnh”.

Thế nên xuyên suốt cuộc chiến, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp cùng đồng đội đã có nhiều quyết định thay đổi được đưa ra, cả trong phác đồ điều trị hay công tác kiểm soát nhiễm khuẩn. “Dù chưa được thế giới đồng thuận, khi ấy, chúng tôi buộc phải lật ngược quan điểm về đường lây truyền Covid-19. Thực tế đã chứng minh thay đổi đó đã giúp chúng tôi dần chống dịch hiệu quả hơn” - bác sĩ Nguyễn Trung Cấp chia sẻ.

Thời gian sau đó, với số lượng bệnh nhân tăng lên, cùng những ca bệnh điều trị thành công, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp và các đồng nghiệp cũng đã dần có những kinh nghiệm, dần hiểu biết rõ hơn về Covid-19. Các nghiên cứu trên thế giới dần sáng tỏ về bệnh lý này và việc chẩn đoán điều trị cũng ngày một rõ ràng hơn. Nghe tưởng chừng chẳng mấy khó khăn nhưng đã có những lúc các bác sĩ phải “căng mình” với ca bệnh Covid-19 diễn biến nặng, thậm chí, nhiều khi, các bác sĩ buộc phải đưa ra những quyết định dũng cảm để mong hạn chế thấp nhất những rủi ro cho người bệnh.

Đặc biệt, các quan điểm, kiến thức về dự phòng lây nhiễm Covid-19 của bác sĩ Cấp càng được củng cố khi BV nhận nhiệm vụ sang Guinea Xích Đạo đưa hơn 200 công dân về nước, trong đó phẩn lớn họ nhiễm SARS-CoV-2. Và những kinh nghiệm điều trị hiệu quả cũng được đúc rút, khi bác sĩ Nguyễn Trung Cấp cùng đồng đội vào chi viện cho “điểm nóng” BV T.Ư Huế - nơi chia lửa cho Đà Nẵng hồi đầu tháng 8, trong đợt bùng phát Covid-19 lần thứ hai.

Với những nỗ lực và cố gắng không ngừng nghỉ, thành quả lớn nhất với bác sĩ Nguyễn Trung Cấp có lẽ là nhìn số lượng bệnh nhân ngày một ít đi, bệnh nhân ra viện khỏe mạnh và chính điều này đã tạo động lực giúp bác sĩ có thêm sức mạnh để chiến đấu, chiến thắng “giặc” Covid-19. “Những niềm vui nho nhỏ hàng ngày cứ nhân lên như vậy khiến tôi quên đi những áp lực, mệt mỏi. Tôi thấy hài lòng vì điều đó” - bác sĩ Nguyễn Trung Cấp chia sẻ.
Kỹ thuật viên Giang Thị Bình - khoa Xét nghiệm, Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Phúc Thọ, Hà Nội.

Ở đâu có ca Covid-19, ở đó có đội phản ứng nhanh 

Thời gian này, dù công việc chống dịch có vơi đi nỗi vất vả phần nào nhưng với kỹ thuật viên Giang Thị Bình - khoa Xét nghiệm, Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Phúc Thọ, Hà Nội, và đồng nghiệp vẫn luôn chuẩn bị tâm thế sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ chống dịch bất cứ khi nào dù ngày hay đêm.

“Từ đợt dịch Covid-19 mới, chúng tôi luôn phải trực, vất vả nhất là thời điểm Trung tâm Y tế huyện Phúc Thọ rà soát và lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ những người đi từ Đà Nẵng về. Cứ ở đâu có trường hợp cần truy vết, khoanh vùng cách ly là nhân viên xét nghiệm cùng đội phản ứng nhanh lại khẩn trương lên đường, đến tận nơi để tiến hành lấy mẫu bệnh phẩm. Mọi quy trình phải thực hiện nhanh gọn, đảm bảo chính xác, an toàn. trương lên đường không kể ngày đêm” - chị Giang Thị Bình nhớ lại.

Có lần may mắn được theo chân đội phản ứng nhanh phòng dịch Covid-19 của TTYT huyện Phúc Thọ, chúng tôi thấu hiểu phần nào những vất vả, căng thẳng của những người làm công tác chống dịch. Hôm ấy, mới sáng sớm, 7 thành viên trong đội phản ứng nhanh (4 nhân viên điều tra dịch tễ và 3 nhân viên lấy mẫu xét nghiệm) đã vào vị trí làm việc, sẵn sàng tiếp đón, phân luồng, tư vấn và hướng dẫn người dân đi từ vùng dịch Đà Nẵng về đến lấy mẫu xét nghiệm.

Với những người làm công tác xét nghiệm như chị Bình, mỗi đợt dịch với họ là một cuộc chiến mới. Công việc của chị buộc phải trực tiếp tiếp xúc với các ca nghi mắc, thậm chí có thể là ca bệnh dương tính nên nguy cơ có thể gặp hiểm nguy, lây nhiễm bệnh bất cứ lúc nào. “Những ngày qua, ca làm việc của chúng tôi kéo dài hơn những ngày thường. Khối lượng công việc nhiều khiến mọi người trong khoa nhiều lúc căng thẳng, áp lực. Chúng tôi liên tục phải mặc đồ bảo hộ trong gần 10 giờ đồng hồ, mồ hôi chảy ướt sũng lưng áo, mờ cả lớp kính bảo hộ nhưng tất cả chúng tôi đều động viên nhau hoàn thành tốt công việc” - chị Bình trầm ngâm.

Cho đến bây giờ, chị Bình chẳng thể nhớ nổi, trong thời điểm chống dịch, một ngày mình đã phải thay bao nhiêu bộ đồ bảo hộ. Bởi mỗi lần tới từng hộ có liên quan đến yếu tố dịch tễ, chị lại phải thay một bộ đồ bảo hộ khác. “Có những lúc chúng tôi cảm thấy cạn kiệt năng lượng, mệt mỏi, nhưng khi nhìn đồng nghiệp đang cố gắng từng ngày chiến đấu với dịch bệnh, chúng tôi lại gạt những vất vả, mệt nhọc để tiếp tục chiến đấu với dịch Covid-19”- chị Bình tâm sự.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần