Những ứng phó về y tế khi xảy ra thảm họa tự nhiên

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong trường hợp ở vùng xảy ra thiên tai, các cơ sở y tế ở những khu vực bị cô lập, bị tàn phá không đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh cho người dân, thì cần phải có những cơ sở y tế lưu động để cứu chữa người bị nạn.

Đây là nội dung chính trong chương trình Diễn tập quốc tế ứng phó về y tế trong thảm họa diễn ra tại Đà Nẵng từ ngày 26 - 28/3/2018. Chương trình do Bộ Y tế phối hợp với UBND TP Đà Nẵng chủ trì tổ chức với sự tham gia của 10 đội y tế khẩn cấp (EMTs) từ các quốc gia ASEAN, Nhật Bản và 2 đội của Việt Nam, với sự hỗ trợ của đội ngũ các chuyên gia quốc tế của Nhật Bản và Thái Lan.
Các trạm y tế lưu động sẽ được dựng lên để kịp thời ứng cứu người bị nạn.
Hoạt động này nằm trong khuôn khổ Dự án Tăng cường năng lực các quốc gia ASEAN trong quản lý y học thảm họa, hợp tác kỹ thuật giữa Cơ quan Phát triển Quốc tế Nhật Bản - JICA và Viện quốc gia về Y học khẩn cấp của Thái Lan - NIEM với mục tiêu nâng cao cơ chế hợp tác về y tế để ứng phó thảm họa trong khu vực ASEAN. Việt Nam, cùng với 09 quốc gia thành viên khác của ASEAN, đã tích cực tham gia và đóng góp cho các hoạt động của dự án từ năm 2015 đến nay.

Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cho biết, việc triển khai hoạt động của diễn tập quốc tế lần 2 tại Việt Nam có nhiều lợi ích thiết thực, thể hiện sự cam kết của Việt Nam sẵn sàng phối hợp với các quốc gia thành viên ASEAN trong công tác hỗ trợ, ứng phó y tế trong tình huống xảy ra thảm họa tự nhiên ở quy mô khu vực.

“Thông qua việc tham gia hoạt động diễn tập quốc tế, đơn vị y tế các tuyến tại Việt Nam sẽ được tiếp cận, nâng cao năng lực chuyên môn theo tiêu chuẩn khu vực. Các cơ quan quản lý y tế trung ương và địa phương cũng được tăng cường năng lực quản lý điều hành hoạt động y tế trong tình huống có thảm họa tự nhiên, bổ sung kỹ năng chuyên môn về lập kế hoạch ứng phó trong tương lai”, Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn nói.

Cuộc diễn tập sẽ thực hiện theo tình huống giả định là một cơn bão cường độ mạnh đổ bộ vào khu vực duyên hải miền Trung gây thiệt hại nặng về người và tài sản tại TP Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam và các tỉnh lân cận. Các cơ sở y tế bị tàn phá nên không đáp ứng được yêu cầu cứu chữa cho nạn nhân, nhất là những khu vực bị cô lập.

10 đội y tế khẩn cấp (EMTs) của 9 nước thành viên ASEAN và Nhật Bản đến Đà Nẵng và Quảng Nam thông qua cảng hàng không Đà Nẵng và cùng phối hợp với các đội y tế của Đà Nẵng và Quảng Nam thiết lập các cơ sở y tế lưu động, phối hợp cứu chữa những người bị nạn.

Nội dung diễn tập gồm: Thực hành tình huống các đội EMTs quốc tế đến Đà Nẵng (đăng ký, nhập cảnh, phân tích tình hình, phân công nhiệm vụ…); vận hành 3 trung tâm điều phối y tế bao gồm 1 Trung tâm vùng, và 2 Trung tâm tuyến tỉnh (Đà Nẵng và Quảng Nam), tiếp nhận sơ cứu các nạn nhân, đánh giá nhu cầu chăm sóc y tế tại các làng bị thiệt hại do thiên tai; các đội EMTs hoàn thành nhiệm vụ và báo cáo công việc cứu nạn, đăng ký rời khỏi quốc gia.

Từ kết quả thực hiện cuộc diễn tập, dự án ARCH phát hiện và giải quyết các vấn đề tồn tại trong lĩnh vực ứng phó y tế trong thảm họa, đề xuất và triển khai các phương thức hợp tác giữa các quốc gia ASEAN trong ứng phó thảm họa quy mô lớn của từng quốc gia và khu vực.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần