Những vi phạm pháp luật dễ mắc phải vào dịp Tết

Chia sẻ Zalo

Tết là dịp để mọi người có cơ hội tụ tập ăn uống, vui chơi nhưng thời gian này chúng ta dễ mắc phải những hành vi vi phạm pháp luật nếu không để ý.

Đánh bài vui chơi ngày Tết

Theo luật sư Giang Văn Quyết – Giám đốc công ty luật TNHH Tôi Yêu Luật – Đoàn luật sư TP.Hà Nội thì ngày Tết mọi người thường hay tụ tập chơi bài, mặc dù với mục đích vui chơi và số tiền không lớn nhưng hành vi đó cũng là hành vi đánh bạc, vi phạm pháp luật. Tùy vào số tiền mà sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo quy định tại Điều 248 BLHS 1999 thì bất kỳ người nào đánh bạc ăn tiền trái phép dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật có giá trị từ 2 triệu đồng trở lên hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng đã bị kết án về tội đánh bạc hoặc tội tổ chức đánh bạc quy định tại Điều 249 của BLHS, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Đánh bài vui chơi ngày Tết có thể bị xử lý hình sự (ảnh minh họa).
Đánh bài vui chơi ngày Tết có thể bị xử lý hình sự (ảnh minh họa).
Mức độ xử lý hình sự cụ thể tùy thuộc vào tính chất, mức độ vi phạm. Nhẹ thì có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đến 50 triệu đồng, nặng thì có thể bị phạt tù đến 7 năm.

Trong trường hợp hành vi đánh bạc trái phép dưới 2 triệu đồng thì người tham gia đánh bạc sẽ bị xử lý hành chính theo quy định tại Điều 26 Nghị Định 167/2013/NĐ-CP như sau:

Đánh bạc trái phép bằng một trong các hình thức như xóc đĩa, tá lả, tổ tôm, tú lơ khơ, tam cúc, 3 cây, tứ sắc, đỏ đen, cờ thế hoặc các hình thức khác mà được, thua bằng tiền, hiện vật thì bị phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng.

Uống rượu, bia rồi lái xe

Người điều khiển xe ôtô không được phép có cồn trong máu khi đang lưu thông. Đối với xe máy hoặc xe môtô, mức độ cồn cho phép là 50mg/100ml máu hoặc 0.25mg/1 lít khí thở.

Điều khiển xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá quy định là vi phạm quy tắc giao thông đường bộ và sẽ bị xử phạt theo Nghị định số 171/2013/NĐ-CP. Đối với trường hợp khi lái ô tô, mức phạt có thể lên đến 15 triệu và có thể bị tước bằng lái đến 2 tháng. Đối với trường hợp lái xe máy uống rượu có thể lên đến 3 triệu và có thể bị tước bằng lái đến 2 tháng.

Nếu uống bia rượu gây tai nạn mang lại hậu quả nghiêm trọng thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ quy định tại Điều 202 BLHS 1999 với mức hình phạt cao nhất lên đến mười lăm năm.

Đưa hối lộ

Đưa hối lộ là hành vi của người đưa tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác để người có chức vụ, quyền hạn (công vụ) làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ.

Hành vi đưa hối lộ chỉ cấu thành tội phạm, nếu của đưa hối lộ có giá trị từ 2 triệu đồng trở lên.Theo Điều 289 BLHS 1999, thì mức phạt cao nhất đối với tội này là chung thân. Nếu của đưa hối lộ có giá trị dưới 2 triệu đồng, thì hành vi đưa hối lộ chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu gây hậu quả nghiêm trọng hoặc vi phạm nhiều lần.

Buôn bán, tàng trữ, sử dụng pháo

Thạc sĩ luật học Nguyễn Thị Hằng – Công ty luật TNHH Tôi Yêu Luật cho biết: Hành vi mua bán và kinh doanh các loại pháo nổ là vi phạm pháp luật, tùy từng trường hợp có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Buôn lậu (Điều 153 BLHS 1999) hoặc tội Buôn bán hàng cấm (Điều 155 BLHS 1999).

Việc đốt pháo trái phép còn được hiểu là sử dụng pháo nổ là một hành vi bị pháp luật cấm. Hành vi này sẽ bị xử phạt hành chính từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP.

 Theo quy định của pháp luật, không chỉ có hành vi buôn bán, vận chuyển, sản xuất, tàng trữ pháo nổ mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự mà hành vi sử dụng trái phép pháo nổ (hay còn gọi là đốt pháo) cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Gây rối trật tự công cộng theo Điều 245 BLHS 1999.

Nếu người đốt pháo gây thiệt hại nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác thì còn có thể vị truy cứu về tội danh khác tương xứng với hậu quả do hành vi đốt pháo gây ra.