Những vụ "ngã ngựa" của quan chức ngành dầu khí thế giới

Cẩm Anh (TH)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tập đoàn dầu khí Venezuela, Brazil hay Trung Quốc... đều từng là "trận địa" của nhiều quan chức cấp cao bị cáo buộc tham nhũng.

Cựu tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva
Luiz Inacio Lula da Silva, 71 tuổi, là tổng thống thuộc tầng lớp lao động đầu tiên ở Brazil, nắm quyền trong giai đoạn 2003 - 2011. Ông được biết đến bởi các chính sách chuyển đổi xã hội làm giảm bất công tại nền kinh tế lớn nhất khu vực châu Mỹ La tinh. Lula là một nhà lãnh đạo được hầu hết người dân Brazil yêu mến bởi tính kỷ luật tự giác và là người chống tham nhũng quyết liệt, ngay cả với người thân.
Cựu Tổng thống Brazil Lula da Silva

Do đó, dư luận Brazil đã cực kì sốc trước việc vị chính trị gia này bị truy tố tội tham nhũng. Theo các công tố viên Brazil, ông Lula bị cáo buộc nhận 3,7 triệu real (1,2 triệu USD) tiền hối lộ từ công ty kỹ thuật OAS SA. Số tiền này được OAS SA dùng để tân trang một căn hộ ở bãi biển cho ông Lula, đổi lại công ty này được hỗ trợ giành các hợp đồng từ tập đoàn dầu khí nhà nước Petrobras. Các công tố viên còn cáo buộc ông Lula đứng sau nạn tham nhũng kéo dài, mà sau đó đã bị phanh phui trong một cuộc điều tra về các khoản lại quả liên quan đến Petrobras.
Petrobras là tâm điểm chiến dịch "Lava Jato" tiến hành từ năm 2014, phanh phui các hoạt động biển thủ và hối lộ liên quan đến một mạng lưới chính trị gia và chủ doanh nghiệp không chỉ ở Brazil mà còn liên quan một số quốc gia khác. Đến nay, hơn 100 cá nhân đã bị kết tội tham nhũng, rửa tiền và thành lập các băng nhóm tội phạm, trong đó có hàng chục lãnh đạo từ các tập đoàn xây dựng và kỹ thuật hàng đầu Brazil. Khoảng 50 chính trị gia, trong đó có các hạ nghị sĩ, thượng nghị sĩ và thống đốc bang, thuộc diện bị điều tra.
"Bà đầm thép" của Brazil

Bị phế truất vào tháng 9/2016 vì một loạt tội danh như lạm quyền, vi phạm luật ngân sách để tranh cử..., cựu Tổng thống Brazil Dilma Rousseff cũng bị quy trách nhiệm cho các thiệt hại bà gây ra hồi còn làm chánh văn phòng của Tập đoàn dầu khí quốc gia Brazil Petrobras.

Bà Dilma Rousseff.

Năm 2006, Petrobas đã quyết định mua nhà máy lọc dầu ở Mỹ với chi phí lên tới 580 triệu USD, được đánh giá là quá cao do dựa trên "tiêu chuẩn phi kinh tế được dùng để định giá nhà máy này".

Ở thời điểm Petrobas nắm 50% quyền kiểm soát nhà máy lọc dầu, bà Rousseff đang giữ cương vị chánh văn phòng của Tổng thống Brazil khi đó, Luiz Inacio Lula da Silva.

Bà cũng là Chủ tịch Ban giám đốc của Petrobas. Năm 2014, khi vụ bê bối liên quan đến nhà máy này nổ ra, bà Rousseff khẳng định mình chỉ phê chuẩn thỏa thuận do nhận được "thông tin không hoàn chỉnh" cho một báo cáo "sai sót về mặt kỹ thuật và pháp lý."

Năm 2016, cựu Tổng thống Rousseff đã bị Quốc hội Brazil phế truất khi do những sai phạm về tài chính và được thay thế bằng Phó Tổng thống Michel Temer.

Ngày 11/10, Tòa án kiểm toán liên bang Brazil (TCU) đã phong tỏa tài sản của cựu Tổng thống nước này Dilma Rousseff với cáo buộc về vai trò của bà trong thỏa thuận hồi năm 2006 khi tập đoàn dầu khí quốc doanh Petrobras mua một nhà máy lọc dầu ở thành phố Pasadena thuộc bang Texas của Mỹ.

"Ông trùm an ninh" Chu Vĩnh Khang
Chu Vĩnh Khang, sinh năm 1942, là 1 lãnh đạo cao cấp về hưu của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Trong vòng mười năm, sự nghiệp của Chu Vĩnh Khang đã thăng tiến nhanh một cách chóng mặt từ ngành dầu khí tới lãnh đạo cả bộ máy an ninh, trước khi bị hạ gục trong chiến dịch chống tham nhũng của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Từ một kỹ thuật viên thăm dò dầu khí, chỉ sau ít năm Chu Vĩnh Khang đã nhanh chóng thăng tiến cho khi trở thành lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí quốc gia CNPC vào năm 1996.
''Hổ lớn'' Chu Vĩnh Khang

Đường quan lộ của Chu Vĩnh Khang tiếp tục rộng mở khi năm 1999 ông được bổ nhiệm lên làm Bí thư Tỉnh ủy Tứ Xuyên. Tại đây, Chu Vĩnh Khang lãnh đạo với một đường lối cứng rắn. Đến lúc này Chu Vĩnh Khang vẫn luôn là nhân vật chủ chốt nắm ngành công nghiệp dầu khí, nguồn vàng đen của quốc gia, nhưng cũng là nơi có thể gây dựng tài sản kếch sù và hình thành các mối quan hệ chính trị bền chắc cho những ai nắm được ngành này.
Vào năm 2002, Chu Vĩnh Khang trở thành một trong số 25 Ủy viên Bộ Chính trị và giữ chức Bộ trưởng Công An, và Chu Vĩnh Khang bước lên đỉnh cao quyền lực, trở thành thành viên của Ban Thường vụ Bộ Chính trị, cơ quan quyền lực chính trị cao nhất trong Đảng Cộng sản Trung Quốc vào năm 2007. 
Với cương vị và quyền lực trong tay, Chu và gia đình đã tham nhũng rất “ác liệt”. Cụ thể, Reuters từng có báo cáo cho rằng tổng tài sản nhà họ Chu nắm giữ có giá trị khoảng 90 tỷ Nhân dân tệ, tương đương 14,5 tỷ USD. Tài liệu của New York Times cho thấy con trai ông, chị em dâu và thông gia nắm giữ khoảng 1 tỷ Nhân dân tệ, tương đương 160 triệu USD, phần lớn là từ ngành dầu khí Trung Quốc.
Cựu Bộ trưởng Năng lượng và Dầu khí Venezuela
Venezuela là một trong những quốc gia xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới và ngành “vàng đen” cũng không tránh khỏi nhũng “ung nhọt”. Nước này vừa triển khai một đợt truy quét tham nhũng lớn với 65 quan chức cấp cao bị bắt giữ. Trong số những người bị bắt có cựu Bộ trưởng Năng lượng và Dầu khí Eulogio del Pino. Đây là một những quan chức cao cấp nhất bị bắt cho tới nay liên quan tới vụ bê bối của Tập đoàn Dầu khí Venezuela (PDVSA).
Ông del Pino ''ngã  ngựa'' trong cuộc truy quét ngành dầu khí của Venezuela cuối năm nay.

Hình ảnh trên truyền hình quốc gia Venezuela cho thấy lực lượng an ninh mặc đồ đen, bịt mặt và có vũ trang, gõ cửa căn hộ của del Pino. Khi del Pino, mặc quần đùi và áo bóng đá xuất hiện, ông lập tức bị còng tay và lấy dấu vân tay sau đó.
Cụ thể, ông Pino bị cáo buộc "cố tình thay đổi số liệu sản xuất dầu mỏ". Các cuộc bắt giữ nằm trong chiến dịch nhằm "triệt phá nhóm đang tàn phá ngành công nghiệp dầu mỏ của Venezuela". Trong video đăng trên Twitter trước khi bị bắt, del Pino gọi cáo buộc nhằm vào ông là "một vụ tấn công phi lý".
Cựu Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Venezuela Nelson Martinez
Trong khi đó, Martinez bị tố cáo liên quan đến nghi án gian lận tại Citgo, chi nhánh của Tập đoàn Dầu khí Venezuela ở Mỹ. Tổng Công tố Brazil nêu rõ ông Martínez bị bắt bởi cáo buộc đã ký một hợp đồng tái cơ cấu nợ của Citgo mà không thông báo cho Chính phủ.
Cựu Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí quốc gia Venezuela.

Trước đó, các nhà chức trách Venezuela cũng đã bắt giam Chủ tịch và 5 Phó Chủ tịch Citgo, bởi trong hợp đồng nói trên toàn bộ tài sản của chi nhánh này đã được sử dụng làm thế chấp. Ông Saab cũng cho biết các quan chức cấp cao Citgo khai rằng chính ông Martínez là người đã đàm phán hợp đồng và việc làm này “tổn hại nghiêm trọng tới nguồn tài sản quốc gia”.
Ngoài ra, nhiều người khác trong số những người bị bắt là thành viên ban giám đốc Công ty Citgo, chi nhánh lớn nhất của PDVSA tại Mỹ. Phần lớn những quan chức bị bắt này được cho là dính líu tới việc chỉnh sửa số liệu khiến nhà nước thất thoát hàng trăm triệu USD.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần