Những vụ việc tiêu tiền ngân sách lãng phí, dư luận bất bình

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tặng ấm chén ở Vĩnh Phúc, in kỷ niệm chương của TKV hay công trình nhạc nước ở Hải Phòng ... là những ví dụ điển hình về tình trạng lãng phí ngân sách tại các địa phương và doanh nghiệp Nhà nước.

Vĩnh Phúc: Chi 65 tỷ đồng mua ấm chén
Tuần qua, trả lời báo chí, ông Bùi Minh Hồng - Chánh văn phòng UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, Kiểm toán Nhà nước đang kiểm tra, làm rõ thông tin báo chí phản ánh thời gian qua liên quan đến việc tỉnh này chi 65 tỷ đồng mua ấm chén nhân dịp kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh. Ước tính, số tiền mà Vĩnh Phúc chi cho những bộ ấm chén này lên tới 60 tỷ đồng.
 
Trước đó, vào năm 2016, nhân dịp 20 năm tái lập tỉnh, bên cạnh các hoạt đông chào mừng, Vĩnh Phúc đã tặng mỗi hộ gia đình trong tỉnh một phần quà là một bộ ấm chén men màu trắng có in dòng chữ "Kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh Vĩnh Phúc". Riêng trong lễ kỷ niệm được tổ chức vào 28/12/2016, Vĩnh Phúc đã đón tiếp khoảng 4.000 đại biểu và mỗi khách mời đều được được Ban Tổ chức tặng một bộ ấm chén tương tự. Tuy nhiên bộ ấm chén tặng quan khách, đại biểu có giá trị cao hơn bộ ấm chén tặng người dân.
Theo tìm hiểu, tổng giá trị các gói thầu mua sắm quà tặng tại các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh Vĩnh Phúc lên tới gần 65 tỷ đồng. Số tiền này được lấy từ ngân sách nhà nước và vốn xã hội hóa.
Điểm đáng lưu ý nằm ở chỗ các nhà thầu trúng các gói thầu nói trên. Cụ thể là Công ty TNHH Bảo Quang và Công ty TNHH Sản xuất và Dịch vụ thương mại Bảo Long - Bát Tràng đều có trụ sở ở Hà Nội là đều trúng thầu với mức giá dưới 0,5% giá mời thầu.
Ngoài ra, đến nay vẫn còn 2 gói thầu khác do Văn phòng HĐND - UBND huyện Tam Đảo và Văn phòng HĐND - UBND huyện Sông Lô làm bên mời thầu, chưa công bố kết quả lựa chọn nhà thầu.
Sau khi các cơ quan báo chí phản ảnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc đã quyết định thanh tra việc đấu thầu các gói thầu mua sắm quà tặng nêu trên tại 9 đơn vị huyện lỵ, thành phố.
TKV: Bỏ ra hàng chục tỉ đồng làm... kỉ niệm chương
2016 tiếp tục là năm ngành than phải đối mặt với với thực trạng giảm sản lượng, việc làm và thu nhập bị sụt giảm nhưng cũng trong quãng thời gian này Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã có hành động "vứt tiền qua cửa sổ" với giá trị lên tới hàng chục tỷ đồng. Theo đó để đánh dấu sự kiện tròn 80 năm ngày truyền thống công nhân vùng mỏ, TKV đã cho in hàng vạn chiếc logo kỉ niệm chương bằng bạc để tặng người lao động.
 
Kỳ niệm chương trên có tên “Logo thợ mỏ Việt Nam” được đúc giống như tấm huy chương, một mặt là hình tượng đài vinh quang thợ mỏ Việt Nam, một mặt là biểu tượng “Kỷ luật và Đồng tâm”. Đơn vị thiết kế và sản xuất là chi nhánh đá quý Việt Nhật - Vimico thuộc Tổng công ty Khoáng sản – TKV khai thác tại tổ hợp Đồng Sin Quyền Lào Cai.
Theo TKV, đơn giá của kỷ niệm chương là 640.000 đồng/sản phẩm. Như vậy, với gần 12 vạn lao động và với phần lớn các đơn vị đều làm kỉ niệm chương, số tiền TKV phải chi ra sẽ là một con số rất lớn, ước tính lên tới khoảng 70 tỷ đồng. Tuy nhiên khi đem những chiếc kỷ niệm chương này ra khảo giá tại các cửa hàng vàng bạc tại TP Hạ Long, TP Cẩm Phả (Quảng Ninh) chỉ có thể bán được với mức 150.000 đến 200.000/chiếc.
Được biết, sau khi nhận phản ánh về sự "phóng tay" của TKV, Thủ tướng Chính đã yêu cầu TKV kiểm tra việc này, báo cáo trung thực, chính xác chi phí cho việc làm quà tặng nêu trên và xử lý nghiêm đối với tập thể, cá nhân có sai phạm.
Hải Phòng: Xây công trình nhạc nước 200 tỷ rồi bỏ không
Cuối tháng 10/2014, Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng khi đó là ông Dương Anh Điền phê duyệt dự án điện chiếu sáng Nhà hát Lớn TP Hải Phòng, đèn trang trí một số tuyến phố và hệ thống nhạc nước kết hợp âm thanh, ánh sáng tại hồ Tam Bạc. Hải Phòng giao công ty Sơn Lâm thực hiện với tổng mức đầu tư riêng công trình nhạc nước là gần 200 tỷ đồng bằng nguồn tiền ngân sách và xã hội hóa.
 
Công trình gồm các vòi phun nước đặt trên bể thép nổi dài 112 m, rộng 14 m, kết hợp ánh sáng từ hệ thống đèn LED và hệ thống âm thanh hai bên bờ hồ, mỗi bên gồm 6 loa trầm, 14 loa trung. Công trình nằm trong khu vực đông dân cư với kỳ vọng là điểm nhấn cảnh quan trên mặt hồ nổi tiếng nhất Hải Phòng.
Tuy nhiên, khi công trình được đưa vào sử dụng dịp kỷ niệm 60 ngày giải phóng thành phố (13/5/2015), dự án này đã khiến người dân thất vọng vì sự nhếch nhác, thô sơ. Được biết, mỗi năm chi phí cho hoạt động và bảo dưỡng công trình nhạc nước cũng mất khoảng 200 -300 triệu đồng.
Hoài nghi về giá trị thực và chất lượng của dự án, tại các cuộc tiếp xúc cử tri thành phố Hải Phòng, nhiều cử tri đã đề nghị các lãnh đạo thành phố phải làm rõ có hay không dấu hiệu "vụ lợi", "lợi ích nhóm", gây lãng phí ngân sách, phá vỡ quy hoạch hồ Tam Bạc.
Liên quan dự án, ngày 11/7, Ủy ban Kiểm tra trung ương đã đề nghị xem xét kỷ luật các ông Dương Anh Điền, nguyên Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch UBND thành phố; ông Lê Khắc Nam, Phó chủ tịch thường trực UBND thành phố; ông Đoàn Duy Linh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hải Phòng vì "có nhiều khuyết điểm, vi phạm dẫn đến công trình dở dang, gây lãng phí ngân sách nhà nước và tạo dư luận xấu".
Tới cuối năm 2016, Hải Phòng đã triển khai phá dỡ công trình nhạc nước đầy tai tiếng này sau vỏn vẹn 2 năm tồn tại. Lý do được đưa ra là do công trình đặt ở vị trí chưa phù hợp, không đảm bảo mỹ quan đô thị, hiệu quả khai thác thấp, chưa thu hút được đông đảo người dân.
Gia Lai: Văn phòng HĐND một năm tiếp khách hơn 3 tỉ đồng
Vào cuối năm 2016, qua kiểm tra chứng từ, sổ sách, Sở Tài chính Gia Lai đã phát hiện năm 2015, Văn phòng HĐND tỉnh Gia Lai dùng 3,2 tỉ đồng ngân sách tiếp khách trái quy định.
 
Trong bảng kê chi tiết các lần tổ chức tiếp khách thể hiện Văn phòng HĐND tỉnh Gia Lai chi cho việc tiếp khách tại nhiều địa phương khác nhau trong cả nước. Trong phiếu chi ngày 9-4-2015, chi "tiếp khách các tỉnh miền Tây" hết 26,6 triệu đồng; Ngày 25-11-2015, chi tiếp khách Cà Mau 17,8 triệu đồng không hóa đơn… Bên cạnh đó, đơn vị này còn thanh toán khống tiền ăn phục vụ đoàn công tác như ăn cơm dọc đường ở Sóc Trăng ngày 5-8-2015 hết 26,5 triệu đồng…
Được biết, phần lớn các lần chi tiếp khách này do ông Nguyễn Thế Quang, nguyên Chánh Văn phòng HĐND tỉnh Gia Lai ký duyệt.
Sau đó Văn phòng HĐND tỉnh Gia Lai đã có văn bản giải trình liên quan đến việc tiếp khách 3,2 tỷ đồng nhưng Sở Tài chính Gia Lai không chấp nhận vì cho rằng quá chung chung, không cụ thể. Được biết, Sở Tài chính cũng đang yêu cầu Văn phòng HĐND giải trình về nhiều khoản kinh phí khác như tiền nhiên liệu, mua vật tư, văn phòng phẩm… Cũng theo Sở này, việc chi tiếp khách năm 2016 vẫn chưa có yêu cầu báo cáo vì chưa kiểm tra hết sai phạm của năm 2015.