Niềm tin từ sự kiên quyết

Vũ Duy Thông
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lâu nay, cứ bàn đến tăng lương hàng năm là bế tắc. Người ta nêu ra và bàn đủ lý do, nào là thế nào là mức sống tối thiểu, nào là mối quan hệ giữa tiền lương và năng suất lao động, nào là thời kỳ dân số vàng…

Duy có nguyên nhân chủ yếu nhất là tiền ở đâu để tăng lương, thì không bàn đến hoặc chỉ bàn qua loa. Mà tiền thì quyết định ở số chi ngân sách thường xuyên. Số chi ngân sách thường xuyên lại quyết định ở biên chế.
 Người lao động làm việc tại Công ty TNHH Canon Việt Nam. Ảnh: Thanh Hải
Đến nay, chưa kể tổ chức, biên chế trong công an, quân đội, DN Nhà nước, cả nước có khoảng 58.000 đơn vị sự nghiệp công lập với khoảng 2,5 triệu biên chế rồi khoảng ngần ấy lao động hợp đồng, lương và bổng vẫn lĩnh nhưng “sáng cắp ô đi tối cắp về” thì “miệng ăn núi lở”, tiền đâu cho đủ? Thực tế đó đã được biết đến bởi những lần thực hiện giảm biên chế, sắp xếp và tinh gọn bộ máy. Về phía Nhà nước, 3 bộ thành một bộ. Về phía cơ quan Đảng, từ 3 ban thành 1 ban hoặc trước từ 2 ban thành 1 ban, giờ lại 2 ban thành 1. Bộ trưởng, thứ trưởng, đến vụ trưởng, vụ phó thừa… tùm lum. Nhưng rồi chỉ ít lâu, sóng lại lặng, chuyện lại đâu vào đó. Nhân viên thì khỏi bàn, chỉ tính lãnh đạo. Trước là bộ thì nay là tổng cục. Vẫn vụ nọ cục kia, nếu cần thì thêm ra, không biên chế thì hợp đồng dài hạn. Vẫn sắp sếp xong số lãnh đạo cũ, vẫn đưa được thêm con em, người thân, họ hàng vào. Chỉ riêng ở xã, cán bộ cấp cơ sở trong 14 năm (2002 - 2016) đã tăng 105.200 lượt người. Còn đến năm 2016, lại có 286.000 cán bộ chuyên trách và 950.000 cán bộ không chuyên trách. Số biên chế ngày càng phình to, người đông dần, nhưng công việc vẫn không chạy, nhà cửa, trang thiết bị, xe cộ vẫn phải mua cho đủ, cán bộ vẫn phải hy sinh tiêu chuẩn,… tại đâu? Thì ra, tại công tác tổ chức, tại cải cách hành chính. Nếu chỉ giảm biên chế mà công việc vẫn thế, phòng ban vẫn thế, thì coi như bằng không. Tinh giản biên chế phải gắn với đổi mới tư duy lãnh đạo, phải gắn với cải cách hành chính, phải minh bạch, bớt cửa, bớt thủ tục đã thừa và đã cũ, nhanh hơn, quyết liệt và thực chất hơn. Tóm lại là cần kiên quyết tinh gọn bộ máy, tinh gọn công việc đồng bộ theo hướng thiết thực, hiệu quả. Vừa qua, chỉ cần sáp nhập 2 cơ quan tại một địa phương phía Nam đã có thể rút đi 50 biên chế, nhiều bất động sản và ô tô, xe máy, 2 cơ quan nay còn 1, mà công việc không vì thế bị ảnh hưởng. Một ví dụ khác, ngay ở Hà Nội, năm 2016, nhờ rà soát, căn chỉnh, sắp xếp lại công việc, đã giảm được 59 phòng, ban; giảm 39 trưởng, 134 phó phòng, ban; 130 đơn vị sự nghiệp trực thuộc sở, giảm 27 ban quản lý dự án, 2 quĩ… Các phòng, ban được sắp xếp, bố trí lại đều hoạt động êm thuận, hiệu quả hơn. Ý thức của cán bộ, công nhân viên tích cực, hiệu quả hơn.

Nhưng tinh giản biên chế, sắp xếp lại tổ chức của toàn bộ hệ thống chính trị là công việc nhạy cảm, phức tạp, gắn liền mật thiết con người với tâm lý, tư tưởng, nhận thức, năng lực, nguyện vọng cụ thể. Sau nhiều năm, với nhiều thử nghiệm, hội nghị T.Ư 6 Khóa XII mới đề ra vấn đề này. Thực hiện việc đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng dịch vụ và hiệu quả của các đơn vị sự nghiệp công lập phải gắn liền với ổn định chính trị, xã hội nói chung và từng ngành, từng lĩnh vực nói riêng. Nó vừa có tính cơ bản, vừa cấp bách, tác động trực tiếp tới đời sống của cán bộ, công nhân viên và Nhân dân. Bằng những kinh nghiệm của hơn 30 năm đổi mới; bằng kinh nghiệm thực tế của nhiều nước trên thế giới, chúng ta dứt khoát không bước vào vết xe đổ, tin tưởng vào sự sáng suốt của T.Ư sẽ đưa ra những quyết sách đúng đắn, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần