Niềm tin vào Đảng sẽ tạo sức bật cho đất nước

Trần Hà thực hiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong suốt chặng đường 89 năm xây dựng và phát triển, Đảng luôn tự kiểm điểm nghiêm túc, nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, đánh giá đúng sự thật, chỉ ra những sai lầm, khuyết điểm của mình chứ không phải chỉ nói về thành tựu. Nhờ sự nghiêm túc thẳng thắn tự phê ấy, Đảng đã lãnh đạo thành công nhiều cuộc cách mạng vĩ đại của dân tộc, củng cố niềm tin trong Nhân dân. Đó là quan điểm được PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc – nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng nhấn mạnh trong cuộc trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị.

Năm 2019, Đảng ta kỷ niệm tròn 89 năm thành lập. Là nhà nghiên cứu về lịch sử Đảng, trên chặng đường vẻ vang ấy, với ông, điều gì để lại ấn tượng sâu sắc nhất?
- Tính đến nay, Đảng ta đã trải qua chặng đường dài 89 năm, đó là quá trình phát triển không ngừng và cho đến thời điểm này, đúng như Nghị quyết T.Ư 4, Khóa XII đánh giá, chưa bao giờ chúng ta có cơ đồ như hiện nay.
 PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc
Là người nghiên cứu về lịch sử Đảng, tôi vô cùng tự hào về vai trò lãnh đạo của Đảng. Đảng ta đã lãnh đạo, đưa dân tộc thực hiện thành công Cách mạng tháng Tám, mở ra một thời kỳ mới cho dân tộc. Tiếp đó là chiến thắng oanh liệt trong các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, để giành lại độc lập đất nước vào năm 1975, và tiếp tục sau đó là thắng lợi trong chiến tranh biên giới phía Tây, biên giới phía Bắc để giữ vững chủ quyền đất nước. Rồi thắng lợi của hơn 30 năm đổi mới, với nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, và làm biến đổi sâu sắc đất nước, đưa đất nước tiến lên, phát triển và hội nhập quốc tế. Những thắng lợi mang tính chất thời đại ấy chính là thước đo cho sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân.

Tất nhiên, trong chặng đường ấy, cũng có những sai lầm, khuyết điểm nhưng trên hết, Đảng ta luôn nhìn thẳng vào sai lầm, khuyết điểm, nghiêm túc xây dựng, chỉnh đốn để sửa chữa, củng cố niềm tin của Nhân dân vào vai trò lãnh đạo của Đảng.

Trong chỉnh đốn Đảng, việc xử lý cán bộ, đảng viên sai phạm của Đảng thời gian qua đã không còn “vùng cấm”. Ông đánh giá thế nào về quyết tâm “sàng lọc” những đảng viên thoái hóa biến chất này của Đảng?

- Trước hết phải nói, nhìn suốt chặng đường lịch sử 89 năm qua, nhìn vào số lượng đảng viên hiện nay có thể thấy sự tăng nhanh về lượng. Đây là một điều đáng mừng cho thấy niềm tin của Nhân dân với Đảng. Nhưng cũng cần nhìn thẳng vào sự thật xem chất lượng đội ngũ thế nào. Như Hội nghị T.Ư 4 Khóa XI, XII đã chỉ rõ, có một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất. Vậy bộ phận không nhỏ ấy là bao nhiêu, cần thẳng thắn nhìn nhận để định lượng và sàng lọc.

Rất mừng là công tác xử lý cán bộ vi phạm, siết chặt kỷ luật của Đảng đang được làm rất quyết tâm. Trước kia, ta hay nói chung chung là tăng cường kỷ luật Đảng, nên hiệu quả chưa cao, bây giờ đã đưa ra được các “khung” tương đối chi tiết, từ đó soi chiếu và đưa ra các hình thức phù hợp như Cương lĩnh, Điều lệ Đảng; Quy định về 19 điều đảng viên không được làm; gần đây là Quy định 102 về kỷ luật Đảng. Rồi những quy định về quản lý cán bộ, đảng viên thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý; quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên cũng hết sức cụ thể.

Cũng lại nói chuyện trước kia, cùng một vi phạm, nhưng thường ở cấp dưới lại bị xử lý nặng hơn, gây dư luận không tốt. Bây giờ, T.Ư đã quyết tâm với tinh thần “không được nhẹ trên, nặng dưới", bất kỳ ai nếu có khuyết điểm, sai phạm đều sẽ bị “phạt” như nhau. Bên cạnh đó, vừa qua, việc xử lý các tổ chức Đảng “có vấn đề” cũng được chú trọng hơn. Tổ chức Đảng mà buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, không nêu cao vai trò tự phê bình, phê bình, thấy đúng không bảo vệ, sai không dám đấu tranh sẽ trong diện phải kỷ luật. Những vụ việc gần đây cho thấy, một số cấp ủy yếu kém đã bị xử lý rất nghiêm khắc. Đi kèm theo đó là trách nhiệm người đứng đầu được chỉ rõ, không còn tình trạng chung chung. Tinh thần ấy đã được T.Ư thực hiện với quyết tâm cao, dù là ai, ở cương vị nào, không có bất cứ vùng cấm trong xử lý cán bộ.

Những kết quả đạt được cũng khẳng định Đảng đã nhất quán giữa nói và làm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Đây cũng là minh chứng cho thấy Đảng có đủ khả năng và bản lĩnh để đẩy lùi tiêu cực nếu thực sự tôn trọng sự thật, tôn trọng công lý, biết dựa vào dân.
 Ảnh: Thanh Hải
Nhưng nhìn vào những con số đảng viên bị xử lý kỷ luật, trong đó có nhiều cán bộ thuộc diện T.Ư quản lý, nhiều người vừa vui vì Đảng đã loại trừ được những người “tha hóa”, nhưng cũng rất buồn vì số lượng đảng viên vi phạm quá lớn. Suy nghĩ của ông trước vấn đề này ra sao?

- Tôi đã được nghe thống kê, chỉ riêng năm 2018, cấp ủy các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 17.000 đảng viên, 38 cán bộ diện T.Ư quản lý bị kỷ luật với các hình thức khác nhau, thậm chí vướng vòng lao lý, cho thấy không còn bất cứ vùng cấm nào. Những con số ấy nói lên hai điều: Thứ nhất là Đảng đã rất nghiêm minh trong xử lý đảng viên. Xử lý bằng cả pháp luật chứ không chỉ trong nội bộ Đảng. Nhưng thứ hai, con số ấy cũng là điều đáng buồn. Giá như không phải xử lý nhiều như thế thì tốt hơn. Hơn nữa, xử lý nhiều thế rồi mà số đảng viên vi phạm vẫn tăng lên, vẫn liên tục bị phát hiện. Rõ ràng sự suy thoái, tha hóa chưa bị chặn lại. Đó là điều cần phải trăn trở.

Theo tôi, nhiệm vụ chỉnh đốn Đảng trong những năm tới vẫn là then chốt, cần phải làm liên tục, kiên trì, thường xuyên. Nếu quyết tâm làm sẽ loại ra được khỏi hàng ngũ của Đảng những hàng ngũ không đủ tư cách, cản trở sự phát triển của Đảng. Chúng ta kỷ luật để củng cố, đoàn kết thống nhất trong Đảng. Nói như Tổng Bí thư, “kỷ luật một người để cứu muôn người”, để người ta thấy được sai lầm mà sửa chữa, khắc phục, để Đảng được mạnh hơn.

Vậy với quyết tâm và những cơ sở pháp lý đã và đang được xây dựng, ông có kỳ vọng thời gian tới, công cuộc chỉnh đốn Đảng sẽ tiếp tục tạo bước chuyển mới, mạnh mẽ hơn, hiệu quả cao hơn nữa?

- Tôi hoàn toàn tin tưởng, trong thời gian tới, các giải pháp cả phòng và chống đã được Tổng Bí thư, T.Ư Đảng nêu ra được tiến hành đồng bộ, sẽ tạo ra sức mạnh tổng hợp trong chỉnh đốn Đảng. Tuy nhiên cái gốc vẫn là công tác cán bộ, kiên quyết không để lọt vào đội ngũ người cơ hội, bè phái... Theo đó, công tác lựa chọn, đào tạo, bố trí, sắp xếp cán bộ phải được thực hiện nghiêm; khắc phục triệt để tình trạng chạy chức, chạy quyền. Việc làm trong sạch đội ngũ đảng viên mới thực sự có gốc vững bền, không đơn thuần chỉ đi giải quyết phần ngọn là những việc đã xảy ra. Bản thân mỗi cán bộ, đảng viên phải tự tu dưỡng, rèn luyện, chú ý đến tiêu chuẩn về đạo đức như mong muốn của Bác Hồ, “dĩ công vi thượng”. Bên cạnh đó, tăng cường giáo dục đạo đức trong Đảng, trong Nhà nước và trong hệ thống chính trị. Đồng thời phải kiểm soát quyền lực bằng cơ chế. Các nhiệm vụ này được thực hiện tốt, thì chắc chắn niềm tin của cán bộ, đảng viên, Nhân dân với Đảng sẽ không ngừng được củng cố, tạo sức bật cho quá trình phát triển đất nước.

Xin cảm ơn ông!

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần