Niềm tự hào về những người hùng trên mặt trận chống “giặc lửa”

Đạt Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC & CNCH) thường được ví như là những chiến sỹ trên mặt trận không tiếng súng, đầy vinh quang. Khi xảy ra cháy mọi người chỉ nghĩ làm thế nào để thoát khỏi đám cháy thì chiến sỹ lại lao vào đám cháy chiến đấu với “giặc lửa”, quyết tâm nhanh chóng dập tắt đám cháy để cứu người, cứu tài sản…

Ngày 4/10/1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh công bố ban hành “Pháp lệnh quy định về quản lý Nhà nước đối với công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC)”.  Ngày 02/6/1996, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 369/QĐ-TTg xác định hàng năm lấy Ngày 4/10 là “Ngày Phòng cháy chữa cháy toàn dân”. Ngày 04/10/2001, Luật Phòng cháy và Chữa cháy được Quốc hội khóa X, kỳ họp thứ 9 thông qua và có hiệu lực thi hành. Đây là những dấu mốc khẳng định sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đến công tác PCCC. Đồng thời cũng kêu gọi sự vào cuộc toàn xã hội và mỗi người dân trong trận chiến chống “giặc lửa”.
Lực lượng Cảnh sát PCCC & CNCH làm nhiệm vụ trong vụ cháy lớn ở Công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông.
Trải qua quá trình hình thành và phát triển, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH đã lớn mạnh không ngừng cả về lực lượng và phương tiện, góp phần không nhỏ trong sự nghiệp đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên toàn quốc. Tuy nhiên, trước sự phát triển của xã hội, thực trạng cháy, nổ ngày càng diễn biến, phức tạp khó lường thì công tác PCCC & CNCH không chỉ là trách nhiệm của lực lượng Cảnh sát PCCC mà còn là trách nhiệm của toàn xã hội. Việc vận động quần chúng nhân dân tham gia PCCC và nguyên tắc “lấy phòng ngừa là chính” luôn trở thành nhiệm vụ then chốt trong công tác PCCC.
Trong những năm qua, đặc biệt là ngay từ khi sáp nhập lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH vào Công an TP Hà Nội theo Đề án số 106 về kiện toàn tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Quyết định số 4082 của Bộ Công an về việc sáp nhập Cảnh sát PC&CC TP Hà Nội vào Công an TP Hà Nội và tổ chức thành Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH (PC07) thuộc Công an TP Hà Nội và 30 Đội Cảnh sát PCCC&CNCH thuộc Công an 30 quận, huyện, thị xã.
Cùng với đó, công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật và kiến thức về PCCC&CNCH được Công an TP Hà Nội đặt lên hàng đầu, là công tác mũi nhọn trong lĩnh vực PCCC&CNCH. Do vậy công tác tuyên truyền về PCCC&CNCH trên địa bàn thành phố đã có nhiều chuyển biến rõ rệt với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, thiết thực.
 Hình ảnh xúc động về chiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng lao vào đám cháy, cùng các chiến sỹ cứu sống nam thanh niên 17 tuổi bị mắc kẹt.
Chỉ tính riêng từ tháng 9/2018 - 9/2019, Công an TP đã tham mưu cho Thành ủy, UBND TP Hà Nội ban hành 2 Chỉ thị, 3 Quyết định, 8 Kế hoạch chuyên đề, chuyên sâu về tăng cường công tác PCCC, CNCH. Tiếp tục thực hiện tốt vai trò là đơn vị thường trực, tham mưu UBND Thành phố theo dõi, đôn đốc các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã đẩy mạnh thực hiện các Kế hoạch, chuyên đề trọng tâm trong công tác PCCC&CNCH của UBND TP Hà Nội.
Đặc biệt, xác định công tác tuyên truyền, xây dựng phong trào toàn dân PCCC&CNCN luôn đóng vai trò cốt lõi, Phòng Cảnh sát  PCCC&CNCH đã tham mưu cho Công an TP Hà Nội triển khai nhiều hoạt động: Tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân tự trang bị phương tiện PCCC&CNCH trên địa bàn; đăng ký mô hình, điển hình “tiến tiến về PCCC” năm 2019; tổ chức tuyên truyền tập huấn nghiệp vụ PCCC&CNCH cho lực lượng dân phòng và bảo vệ dân phố; tổ chức 41 lớp tập huấn công tác PCCC&CNCH cho cộng đồng trên địa bàn TP Hà Nội với 4.100 người tham dự, phát 4.100 cuốn tài liệu về PCCC&CNCH cho 4 nhóm đối tượng: Đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, lãnh đạo UBND và công an cấp huyện; Cán bộ đội viên đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở tại các khu chung cư, nhà cao tầng, các cơ sở sản xuất trong Khu công nghiệp; Cán bộ đội viên đội phòng cháy và chữa cháy chuyên ngành;
Đại diện lãnh đạo UBND, Công an cấp xã; Trưởng thôn, ấp, bản, tổ dân phố; cán bộ đội dân phòng; chủ hộ kinh doanh nhỏ, lẻ; phối hợp với Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức tập huấn nghiệp vụ PCCC cho gần 3.000 giáo viên các trường Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông và khoảng 2.000 Chủ đầu tư, Ban quản trị, Ban quản lý của 939 tòa chung cư trên địa bàn Thành phố; Tổ chức 40 lớp tuyên truyền, tập huấn nghiệp vụ PCCC&CNCH chuyên sâu cho 3 diện đối tượng trên địa bàn thành phố: chủ các xưởng sản xuất tư nhân; người lao động làm việc, buôn bán tại chợ, siêu thị, trung tâm thương mại; các hộ gia đình có nhà ở kết hợp kinh doanh với gần 12.000 người tham gia, phát 12.000 cuốn tài liệu an toàn PCCC;
Đặc biệt Hà Nội là địa phương đầu tiên trên toàn quốc tổ chức tuyên truyền tập huấn nghiệp vụ PCCC&CNCH  cho 2.340 đồng chí thuộc lực lượng Cảnh sát khu vực và Cảnh sát phụ trách xã (Công an cấp xã), gần 6.000 công an xã bán chuyên trách thuộc Công an quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thành phố. Để lực lượng này thực hiện nhiệm vụ nắm tình hình về PCCC&CNCH tại các cơ sở, khu dân cư trong phạm vi địa bàn được phân công phụ trách, đặc biệt là các cơ sở có nguy hiểm cháy, nổ đan xen trong khu dân cư, hộ gia đình kết hợp sản xuất kinh doanh kịp thời; phối hợp chặt chẽ trong công tác trao đổi thông tin giữa lực lượng Công an cấp xã với lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an cấp huyện (Công an cấp xã là cánh tay nối dài trong công tác PCCC của lực lượng CS PCCC&CNCH)…
Công an TP Hà Nội tập huấn nghiệp vụ về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho đối tượng là chủ đầu tư, ban quản lý, ban quản trị tại các tòa chung cư trên địa bàn thành phố.
Công an Thành phố  phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, các báo, đài của Trung ương và Hà Nội, Truyền hình Công an nhân dân, các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật về PCCC, tăng cường phối hợp, thường xuyên xây dựng các chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền liên tục về công tác PCCC trên các phương tiện thông tin đại chúng đến mọi tầng lớp nhân dân Thủ đô; đấu tranh, phê phán các tổ chức, cá nhân vi phạm, công khai danh tính các cơ sở không đảm bảo an toàn về PCCC.
Biên soạn trên 1.000 tài liệu tuyên truyền về PCCC&CNCH phát thanh trên hệ thống loa truyền thanh của quận, huyện, thị xã; in ấn hơn 200.000 tờ rơi, tài liệu phục vụ công tác tuyên truyền; đăng tải 106 tin, bài tuyên truyền khuyến cáo, cảnh báo an toàn PCCC trên Trang thông tin điện tử Công an TP và 110 tin, bài tuyên truyền trên trang thông tin điện tử của UBND các quận, huyện, thị xã; Hướng dẫn các quận, huyện, thị xã xây dựng, củng cố, duy trì hoạt động của 2.711 đội dân phòng với 19.555 người và 713 đội PCCC cơ sở với 103.913 người; tổ chức 1.648 lớp huấn luyện nghiệp vụ PCCC&CNCH cho 3.973 Đội PCCC cơ sở, cấp 51.319 giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ về PCCC; huấn luyện 253 Đội dân phòng, cấp 2.429 giấy chứng nhận huấn nghiệp vụ PCCC. Đến nay, các phần việc này đã được triển khai toàn diện, sâu, rộng đến từng địa bàn và đạt được một số kết quả đáng khích lệ, góp phần làm giảm các vụ cháy, nổ xảy ra.
Qua các hình thức tuyên truyền về PCCC&CNCH đã tạo sự chuyển biến trong nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân; đưa kiến thức pháp luật phòng cháy chữa cháy và kỹ năng PCCC, kỹ năng thoát hiểm, thoát nạn đến với mọi người; là cầu nối giữa lực lượng Cảnh sát PCCC với nhân dân. Để từ đó kịp thời phát hiện những sai phạm mất an toàn PCCC, đưa ra các kiến nghị đề xuất đến các cấp có thẩm quyền khắc phục những tồn tại thiếu sót về PCCC; Giám sát việc thực hiện, chấp hành các quy định của pháp luật về PCCC đối với người đứng đầu cơ quan tổ chức, chủ đầu tư các công trình.
Nhiều hộ gia đình đã tự trang bị phương tiện chữa cháy (bình chữa cháy, mặt nạ phòng độc, hệ thống cảnh báo cháy nhanh…), biết các kỹ năng thoát nạn cần thiết khi xảy ra cháy nổ. Các hoạt động tuyên truyền của thành phố đều chú trọng đến việc tuyên truyền kỹ năng phòng, chống cháy nổ và thoát nạn trong từng tình huống cụ thể để người dân biết cách xử lý khi gặp phải tình huống tương tự trong thực tế. Từ đó chủ động đảm bảo tính mạng cho mình và những người xung quanh, giảm thiểu thiệt hại về vật chất do cháy, nổ gây ra”.
Từ đó đã nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước về PCCC, tạo được nhiều chuyển biến tích cực trong nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị cơ sở và người dân. Tình hình cháy, nổ đã từng bước được kiểm soát, các lực lượng PCCC đã kịp thời dập tắt nhiều đám cháy, góp phần đảm bảo ANCT, TTATXH trên địa bàn.
Hưởng ứng “Ngày toàn dân PCCC” năm 2019, Công an TP Hà Nội đã và đang tiếp tục tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, cụ thể:  Tổ chức Hội thi thể thao nghiệp vụ chữa cháy và CNCH năm 2019; Tham mưu UBND TP Hà Nội tổ chức diễn tập Phương án phòng thủ dân sự ứng phó sự cố cháy, nổ, hóa chất, độc hại trung tâm thương mại cao tầng năm 2019…
Từ khi sáp nhập tới nay, trên địa bàn Thành phố xảy ra 638 vụ cháy (9 vụ cháy lớn, 14 vụ cháy nghiêm trọng, 5 vụ cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng, 146 vụ cháy trung bình, 462 vụ cháy nhỏ, 2 vụ cháy rừng), 742 vụ chập điện trên cột, 733 sự cố khác. Khiến 22 người chết, 39 người bị thương, thiệt hại về tài sản ước tính trên 250 tỷ đồng. Lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH tiếp nhận 253 tin báo yêu cầu CNCH. Kịp thời điều động gần 6.000 lượt phương tiện cùng hơn 38.500 lượt CBCS đến hiện trường, trong đó trực tiếp tham gia chữa cháy 525 vụ cháy, xử lý hàng trăm vụ chập điện trên cột và sự cố; tham gia CNCH 183, cứu được 225 người, tìm được 47 thi thể.