Niềm tự hào vùng quê cách mạng Đông Mỹ

Hữu Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đông Mỹ, huyện Thanh Trì vùng quê truyền thống cách mạng là mạch nguồn nuôi giấu cán bộ thời kỳ kháng chiến năm xưa, nay đang trở thành vùng đất lành chim đậu từng ngày đổi thay và phồn thịnh nhờ hàng loạt trang trại kinh tế trong khu chuyển đổi. rn

 
 Quang cảnh một góc xã Đông Mỹ hôm nay
 Như chia sẻ của Chủ tịch UBND xã Đông Mỹ Nguyễn Thị Kim Thư, trước cách mạng tháng Tám, Đông Mỹ là cái nôi của phong trào cách mạng vùng ngoại thành Hà Nội. Nhiều thanh niên của xã sớm giác ngộ lý tưởng cách mạng, tháng 5/1930 Chi bộ Cộng sản đầu tiên của ngoại thành Hà Nội được thành lập tại thôn Đông Phù đã làm tốt nhiệm vụ tuyên truyền cách mạng, xây dựng cơ sở hoạt động của T.Ư Đảng và Xứ ủy Bắc kỳ. 

Thời kỳ này, các đồng chí cán bộ lãnh đạo của T.Ư Đảng, Xứ ủy Bắc kỳ như: Hoàng Quốc Việt, Trần Đăng Ninh, Nguyễn Lương Bằng… đã về đây chỉ đạo phong trào cách mạng. T.Ư đặt ở Đông Mỹ cơ quan giao thông, cơ quan ấn loát; Xứ ủy Bắc kỳ cũng đặt cơ sở chỉ đạo, liên lạc tại đây. Nhiều quần chúng ở Đông Mỹ đã trở thành cán bộ giao liên, phong trào đấu tranh của người dân đã đóng góp không nhỏ cho cách mạng thời kỳ mặt trận dân chủ 1936 - 1939 ở vùng Hà Nội, Hà Đông.

   Một trong những địa chỉ nuôi giấu cán bộ cách mạng thời kỳ kháng chiến đến nay đã trở thành địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cho các tầng lớp Nhân dân của xã là Nhà thờ họ Nguyễn Duy. Năm 1939 - 1941, căn hầm bí mật đặt tại Nhà thờ họ Nguyễn Duy là địa điểm kín, nơi trú ẩn an toàn của cán bộ Xứ ủy Bắc Kỳ, nơi cất giấu vũ khí, tài liệu, tổ chức họp xây dựng phong trào kháng chiến. 

 Trong số cán bộ về địa phương hoạt động thời kỳ này có Tổng Bí thư Đỗ Mười, người con của dòng họ, quê hương Đông Mỹ. Thời kỳ này, nhiều gia đình ở Đông Mỹ không quản gian khó, đóng góp của cải, vật chất, giúp cán bộ mua lương thực, súng đạn, sẵn sàng hy sinh cho độc lập dân tộc. Với những đóng góp lớn lao trong kháng chiến, Đảng bộ và Nhân dân Đông Mỹ hai lần vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng vũ trang thời kỳ chống pháp và Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Từ chi bộ đảng đầu tiên với 3 đảng viên, đến nay Đảng bộ xã Đông Mỹ đã có 12 chi bộ đảng với 462 đảng viên.

Đơn vị lá cờ đầu

Dẫn chúng tôi đi thăm mô hình trang trại trong khu chuyển đổi từ năm 2000 đã đem lại hiệu quả kinh tế giúp hàng chục hộ thoát nghèo, Chủ tịch UBND xã Đông Mỹ Nguyễn Thị Kim Thư phấn khởi cho biết: Bức tranh nông thôn mới Đông Mỹ hôm nay được các thế hệ vẽ thêm nhiều gam màu tươi sáng với những con đường rộng thênh thang rợp bóng cây xanh, những công trình phúc lợi khang trang phóng theo tầm mắt. Khu trang trại chuyển đổi 110ha là vùng đồng trũng với đầm, ao, hồ, lâu nay đã trở thành lợi thế bởi những mô hình nuôi trồng thủy sản cho thu nhập cao. 
 Một góc khu trang trại chuyển đổi mô hình của xã Đông Mỹ
 Một trong những người thành công với cách làm mô hình trang trại là ông Nguyễn Văn Ngâm, với gần 3ha ao, hồ nuôi trồng thủy sản kết hợp trồng cây ăn quả cùng dịch vụ du lịch sinh thái, đã góp phần quan trọng để ổn định kinh tế gia đình. Ông Hoàng Văn Hiến cũng là một điển khác về làm kinh tế giỏi với 3ha làm mô hình trang trại kết hợp trồng cây ăn quả ven bờ. Nhiều hộ gia đình khác như ông Nguyễn Duy Khiêm, bà Phạm Thị Hồng… cũng là những điển hình nhân lên trong phong trào làm kinh tế trang trại cho thu nhập tiền tỷ mỗi năm.

 Đánh giá về Đông Mỹ, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Đặng Đức Quỳnh khẳng định: Đông Mỹ xứng đáng là đơn vị lá cờ đầu của huyện trong các phong trào. Nhờ đó, năm 2014 Đông Mỹ là xã đầu tiên của huyện được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Trong sản xuất, phát triển kinh tế, người dân Đông Mỹ luôn phấn đấu vượt khó vươn lên, xây dựng quê hương văn minh, giàu đẹp, đóng góp cho thu nhập lao động của xã đạt 53 triệu đồng/người/năm, đưa tỷ lệ hộ nghèo toàn xã xuống còn 20 hộ.