Niềm vui giữa lưng chừng trời và trong lòng đất

Hải Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những ngày giáp Tết, khi người người, nhà nhà hối hả lo sắm Tết, đào quất đã rộn ràng xuống phố, các cán bộ, kỹ sư của dự án tuyến đường sắt đô thị (ĐSĐT) thí điểm số 3, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội vẫn miệt mài, tất bật với công việc.

Trải lòng với phóng viên Kinh tế & Đô thị, kỹ sư Vũ Hoàng Chung - Đội trưởng Đội GS3, Ban Quản lý ĐSĐT Hà Nội chia sẻ: “Bao nhiêu niềm vui, nỗi buồn với dự án đều cất giữ cả giữa lưng chừng trời và trong lòng đất, nơi không chỉ có công việc mà còn có cả niềm tự hào nhỏ bé của chúng tôi”.
 Đoàn tàu đầu tiên được vận chuyển về Việt Nam
Giấc ngủ say là điều xa xỉ

Kỹ sư Vũ Hoàng Chung chuyển đến công tác tại Ban Quản lý ĐSĐT Hà Nội từ năm 2017, được phân công phụ trách Đội giám sát thi công công trình ga S9, tuyến ĐSĐT số 3, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội. “Từ ngày “ôm” công trình, một giấc ngủ say bỗng trở nên quá xa xỉ với chúng tôi” - anh Chung chia sẻ.

Ga S9 (tại nút giao Kim Mã - Nguyễn Chí Thanh) - một trong 4 ga ngầm, mức độ thi công vào loại khó khăn nhất của toàn dự án. Nhà ga nằm sâu dưới lòng đất 19m, nơi địa chất cực kỳ phức tạp, ẩn chứa rủi ro cao, đòi hỏi các công đoạn kỹ thuật từ khảo sát địa chất, khoan thăm dò, xử lý nền đất… phải tuyệt đối chính xác, gọn gàng. Anh Chung cho biết, khi đào sâu xuống tầng đáy, đơn vị thi công phát hiện một dòng sông cổ chảy ngầm với áp lực nước rất lớn, hộp thân ga có thể bị đẩy trôi bất cứ lúc nào nếu không cân bằng được áp suất. Từ chủ đầu tư, tư vấn, giám sát cho đến nhà thầu thi công mất ăn mất ngủ, đào xới mọi dữ liệu kỹ thuật mấy tuần trời, đến lúc tìm ra được phương án xử lý mới biết chưa ai dám ngủ quá 3 tiếng một ngày. “Tìm ra phương án xử lý đề bài hóc búa đó, cảm giác cũng y như vượt qua kỳ thi đại học vậy, nhẹ nhõm, sung sướng và cả hãnh diện nữa. Nhưng niềm vui ấy chỉ có những người “xuống lòng đất sâu” đào bới, xây lắp mới cảm nhận hết được” - anh Chung nói.
 Liên danh nhà thầu Hyundai & Ghella của gói thầu CP03 đổ đốt cuối cùng để hợp long bản trung chuyển ga ngầm S9
Không chỉ những khi gặp vấn đề lớn, công việc hàng ngày thôi cũng đã đủ khiến các kỹ sư, công nhân trên công trường tuyến ĐSĐT số 3 căng thẳng, chật vật. ĐSĐT là một sản phẩm vô cùng đắt đỏ, trị giá hàng tỷ đô la; mỗi một chi tiết nhỏ xíu như con ốc, cây đinh cũng đắt giật mình. Nhưng hầu như tất cả đều phải nhập khẩu từ nước ngoài do những ràng buộc về công nghệ. Mỗi ngày vừa phải giám sát chất lượng thi công, vừa phải thu vén, bảo vệ vật tư, vật liệu, lại không thể quên siết chặt kỷ luật, an toàn trên công trường… Hàng nghìn công việc lớn nhỏ, liên miên nối nhau như một dòng thác bất tận xối lên những người kỹ sư, công nhân ấy, khiến đa phần trong số họ chưa từng được một ngày thảnh thơi, một giấc ngủ tròn, kể cả dịp lễ, Tết mấy năm qua.

Những thời điểm như khi hạ mũi khoan đầu tiên; đổ bê tông bản đỉnh nhà ga S9; đặt máy đào ngầm; chấm mối hàn thứ nhất trong hơn 7.000 mối ghép nối tuyến ray trên cao… đều là ngày lễ với họ - những người “lính” trên mặt trận ĐSĐT. Chúng tôi đã tận mắt chứng kiến người công nhân giữa cái nắng 40 độ chuẩn bị cho máy hàn ray trên cao giữa lưng chừng trời, mồ hôi thấm qua đế giày, ướt cả dấu chân.
Hay những kỹ sư cặm cụi lắp từng con ốc trên máy đào ngầm dưới độ sâu 20m, nâng niu, thận trọng còn hơn cầm một chiếc điện thoại đắt tiền. Đó đâu chỉ là công việc, đâu chỉ là nỗ lực vì áo cơm; nó thực sự là đam mê, là ý chí, quyết tâm vì những điều lớn hơn chính bản thân đội ngũ làm dự án, lớn hơn cả một tuyến ĐSĐT tỷ đô. Anh Chung giải thích: “Tôi là một người dân Hà Nội, được góp phần mang ĐSĐT về cho Thủ đô, dù vất vả hơn nữa tôi cũng muốn tự tay làm càng nhiều việc càng tốt”.

 Đóng điện đường ray số 3
Bền bỉ đường xa
Chúng tôi được gặp đội ngũ thực hiện dự án ĐSĐT Nhổn - Ga Hà Nội nhiều nhất vào buổi đêm. Có đêm lãnh đạo Ban Quản lý ĐSĐT cùng với anh em kỹ sư, công nhân miệt mài dưới hầm sâu, kiểm tra từng mối dây thép, đếm từng khối bê tông. Đổ bê tông xong, người cuối cùng rời khỏi công trường lại là lãnh đạo Ban cùng cán bộ giám sát. Vẻ mệt mỏi không che lấp được ánh mắt nhẹ nhõm của những người đến trước về sau.Đêm đoàn tàu đầu tiên của Dự án cập cảng Đình Vũ (Hải Phòng), không ai ngủ được. Bất chấp giá lạnh, tất cả đội ngũ đều đợi ở cầu cảng trong sự háo hức xen lẫn lo âu. Phó trưởng Ban Quản lý ĐSĐT Hà Nội Lê Trung Hiếu cho biết, do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, không chỉ đoàn tàu mà cả các chuyên gia, kỹ sư nước ngoài cũng không sang được Việt Nam. Lo nhất là yếu tố an toàn, rồi đường biển xa xôi, sóng gió chậm ngày chậm tháng. “Để đoàn tàu đầu tiên từ Pháp về đúng hẹn, Ban đã phải nhờ đến cả sự trợ giúp mạnh mẽ của Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Việt Nam tại nước bạn” - ông Lê Trung Hiếu chia sẻ.

Đêm hôm sau, các toa tàu được đưa lên xe siêu trường vận chuyển về Hà Nội. Mỗi chiếc xe 18 hàng bánh chở một toa tàu chỉ đi được tối đa 30km/giờ; lại chỉ được đi ban đêm để đảm bảo ATGT. Mỗi khi xe đến một giao lộ, cả đội ngũ lại được “rải thảm” như bày trận để hướng dẫn xe vào cua. Hai đêm thức trắng trên hành trình vận chuyển, về đến Thủ đô, lãnh đạo, cán bộ Ban Quản lý ĐSĐT Hà Nội lại thêm một đêm không ngủ chuẩn bị máy móc, cẩu đặt đoàn tàu lên ray.
 Đoàn tàu đầu tiên cập cảng trong niềm vui vỡ òa của tất cả cán bộ, công nhân viên, người lao động MRB
Đêm ấy, bên chén nước chè nhạt, chị Quản Phương Dung - cán bộ Ban Quản lý ĐSĐT Hà Nội kể: “Mấy năm trước, Ban tuyển người còn khó hơn lên trời. Ai cũng chê Ban Quản lý ĐSĐT việc nặng, lương thấp, chẳng có “màu mè” gì. Nửa năm đăng tin không ai đến ứng tuyển”. Khi được hỏi: Vậy vì sao chị lại gắn bó với Ban đến tận hôm nay? Chị Dung thành thật nói: “Sau một thời gian làm việc cho dự án, tôi nhận ra là mình chỉ giỏi mỗi công việc ở đây thôi. Cũng có cơ hội để làm việc ở nơi khác nữa nhưng tôi tiếc, không đi”.

Chị Dung cũng kể cho chúng tôi về cuộc sống, tâm tư của nhiều cán bộ, kỹ sư, công nhân viên dự án, trong đó có cả chuyện về những kỹ sư nước ngoài được cho là “siêu khó tính”. Ví dụ như một kỹ sư an toàn người Pháp được Nhà thầu tư vấn giám sát cử đến làm việc tại ga S12 đã từng yêu cầu dừng thi công toàn bộ công trường chỉ vì một người thợ hàn không mặc đồ bảo hộ, hay một cán bộ giám sát đến muộn vài phút đồng hồ. “Làm việc với mấy ông Tây khó tính, nghiêm khắc nhưng bù lại cán bộ mình như được đào tạo một khóa tác phong, bài bản vậy” - chị Dung nói.

Hít thật sâu một hơi sương lạnh, xua đi cơn buồn ngủ, ông Lê Trung Hiếu cười nói: “Chuyện vất vả khó khăn thì nhiều lắm, kể không hết được đâu. Anh em làm ĐSĐT như bầy ngựa thồ trên đường xa, gập ghềnh. Quan trọng nhất là phải bền bỉ, kiên định trước mọi khó khăn, áp lực mới đi được tới đích”.