Niềm vui khi hòa giải thành

Thanh Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hơn 20 năm làm “nghề” hòa giải, bằng nhiệt huyết và cái tâm với công việc, ông Trần Hùng - Tổ trưởng tổ hòa giải khu dân cư số 10, phường Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội, đã hòa giải thành hàng trăm vụ việc. Từ đó, ông đem đến niềm vui cho bà con trong khu dân cư, góp phần giữ vững an ninh trật tự ở cơ sở.

Có duyên với “nghề”
Từng là cán bộ của ngành Khí tượng Thủy văn, sau 33 năm cống hiến cho ngành, ông Trần Hùng về hưu năm 1993 và nhiệt tình tham gia các hoạt động ở khu dân cư. Ông được tín nhiệm là Phó Bí thư Chi bộ, rồi Bí thư Chi bộ khu dân cư số 10, phường Láng Thượng từ năm 1995 đến năm 2002.
Ông Trần Hùng và cán bộ Tư pháp phường Láng Thượng, quận Đống Đa cùng tìm hiểu, cập nhật các văn bản luật mới ban hành, phục vụ cho công tác hòa giải.
Trong những năm làm “nghề” Bí thư Chi bộ, ông Hùng đã đưa ra sáng kiến, đề xuất ý tưởng xin xây câu lạc bộ khu dân cư (nay là nhà văn hóa), vừa phục vụ các hoạt động của khu phố: Họp tổ dân phố, sinh hoạt chi bộ, vừa phục vụ cho phong trào thể dục thể thao (bóng bàn). Đây còn là nơi lưu giữ tủ sách cộng đồng, mang tri thức và mang văn hóa đọc tới khu dân cư. Là người được bà con quý mến, tin yêu nên từ năm 1997 đến nay, đôi vai ông “gánh” thêm “nghề” Tổ trưởng tổ hòa giải khu dân cư số 10 - “nghề” đại diện cho tiếng nói chung của cộng đồng dân cư và cũng là đại diện cho cơ quan pháp luật, giải quyết những mâu thuẫn, khúc mắc ở cơ sở.

Hơn 400 hộ dân với gần 2.000 nhân khẩu, khu dân cư số 10 đa số là cán bộ ngành Khí tượng nên công tác hòa giải cũng gặp nhiều thuận lợi, phát sinh tranh chấp đường làng ngõ xóm cũng ít hơn. Nhưng với ông, công việc nào cũng vậy, nếu đã nhận làm là phải hy sinh, hết mình. "Trước khi hòa giải, bản thân tôi cùng với các thành viên trong tổ đến gia đình đó và một số hộ lân cận để tìm hiểu nguyên nhân mâu thuẫn, đồng thời phải đọc và tìm hiểu để nắm được các luật như Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Đất đai, pháp luật về thừa kế…” - ông Hùng chia sẻ.

Liên tục cập nhật kiến thức pháp luật

Từng tham gia hòa giải nhiều vụ việc, ông Hùng nhớ lại trên địa bàn dân cư xảy ra vụ việc 2 vợ chồng trẻ là bác sĩ xin ly hôn. Ông nghĩ, hòa giải những vụ ly hôn không nên đông người chỉ cần 2 - 3 người là đủ. Sau đó, ông và một cán bộ trong khu dân cư có uy tín đến nhà tìm hiểu thì được biết lý do dẫn đến ly hôn là do người chồng tính gia trưởng, hay chửi mắng vợ. "Tôi đã mời 2 vợ chồng ngồi lại với nhau, phân tích về những việc mình đã làm, xem xét vụ việc xảy ra có đáng để dẫn tới ly hôn hay không, phải cùng nhau tìm phương án giải quyết. Cuối cùng, sau 3 ngày, 2 vợ chồng vui vẻ ra tòa án rút đơn ly hôn, tiếp tục sống cuộc sống hạnh phúc” - ông Hùng xúc động kể lại.

Để có những cách giải quyết vụ việc thấu tình đạt lý như vậy, ông Hùng đã phải tham khảo rất nhiều sổ tay hòa giải. Hay trong mỗi cuộc giao ban ở phường, ông thường kể lại những vụ việc hòa giải, cùng trao đổi, học hỏi những kinh nghiệm, tham gia tập huấn với các văn bản mới ban hành để cập nhật kiến thức phục vụ cho công tác hòa giải. Và sau mỗi vụ việc hòa giải dù thành công hay không, ông đều ghi chép tỉ mỉ, cẩn thận trong cuốn sổ tay. Với ông, việc ghi chép như một thói quen hàng ngày nhưng điều quan trọng hơn cả là nhìn vào đó, để thấy những vụ việc, mâu thuẫn đang giảm đi hay tăng lên, từ đó rút ra kinh nghiệm.

21 năm làm Tổ trưởng tổ hòa giải, mọi việc đều được ông Hùng giải quyết một cách thuận lợi ấy là bởi ông luôn ý thức gương mẫu, tạo uy tín với bà con, được bà con tín nhiệm và “Cứ nghĩ chi bộ, mặt trận, bà con cần mình thì mình làm thôi” - ông Hùng bộc bạch. Ông coi đây như niềm vui khi về già và luôn tâm huyết với công việc mình đang làm. Nhưng ông lại “mong sao với công tác hòa giải, mình luôn thất nghiệp, không phải hòa giải, để mang lại cuộc sống bình yên cho người dân”.q

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần