Niềm vui mới cho bệnh nhân xóm chạy thận

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Xóm chạy thận Ngọc Hồi (Thanh Trì, Hà Nội) sâu trong con ngõ dài và nhỏ, chỉ đủ cho một người đi qua, là nơi ở của 11 bệnh nhận đang mắc bệnh suy thận giai đoạn cuối.

Mỗi người đến từ một vùng quê khác nhau nhưng tất cả đều có chung một số phận, một mong ước làm sao để có được công việc ổn định, phù hợp với sức khoẻ và có thêm thu nhập để trang trải cho cuộc sống hàng ngày. 

Bươn trải đủ nghề

Anh Phạm Văn Hồng, quê ở Hưng Yên, đã có 9 năm sống chung với bệnh thận. Từng  làm nghề buôn bán với bao lần ra Bắc, vào Nam, anh Hồng bảo không thể ngờ mình lại có ngày mắc phải căn bệnh này.

“Năm 2003 tôi mới biết mình bị bệnh, lên bệnh viện Bạch Mai cấp cứu được tầm nửa tháng sau đó bệnh viện trả về, tôi cứ nghĩ mình sẽ chết,” anh Hồng chia sẻ.

Gia nhập đội quân của xóm chạy thận Ngọc Hồi, anh Hồng cho biết, trừ những khi ốm nặng, tất cả mọi người trong xóm cũng phải đi làm để kiếm thêm tiền trang trải chi phí cho cuộc sống ở Thủ đô và lo điều trị bệnh.
Anh Hồng và chị Hương gấp giấy để kiếm thêm thu nhập. (Ảnh: Nguyễn Hằng/Vietnam+)
Anh Hồng và chị Hương gấp giấy để kiếm thêm thu nhập. (Ảnh: Nguyễn Hằng/Vietnam+)
Mỗi lần chạy thận, nếu chạy dịch vụ thì mất hơn 1 triệu đồng, nếu có bảo hiểm y tế sẽ đỡ hơn. Những người giai đoạn cuối như anh Hồng phải chạy tuần 3 lần. Cả xóm toàn người ở các tỉnh lẻ, hoàn cảnh rất khó khăn, phải lo tiền thuê nhà, tiền ăn, tiền thuốc thang hàng tháng rồi chi phí cho những sinh hoạt hằng ngày.

“Tháng nào không bị ốm nặng thì phải tiêu tốn mất chừng 2,5 triệu đồng. Nếu không may, phải đi cấp cứu thì tốn hàng chục triệu đồng. Vậy nên chúng tôi cứ có người thuê là làm, dù vất vả vẫn phải cố. Nhiều lúc tưởng chừng như ngã ngục trước số phận, nhưng mỗi lần như thế tôi lại tự nhủ bản thân mình cần phải cố gắng hơn nữa,” anh Hồng nói.

Giống như anh Hồng, chị Bùi Thị Hương, quê Hà Nam, gần 40 tuổi, mắc căn bệnh này hơn sáu năm nay. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, vợ chồng chia tay nhau, chị mang con lên Hà Nội. Hai mẹ con thuê một quán nhỏ bán tạp hoá cách xóm chạy thận không xa để kiểm sống. Việc nào chị cũng đã từng làm qua, ai thuê gì chị cũng làm miễn có thêm đồng tiền để trang trải cho sinh hoạt của hai mẹ con hằng ngày, nhưng việc nhẹ thì không đủ tiền để sống, việc nặng thì những người bệnh như chị không đủ sức.

Vì thế, khi được sư cụ ở chùa Ninh Phổ hướng dẫn cách trồng rau mầm để có thêm thu nhập từ 200.000 đến 300.000 đồng mỗi tháng, cả xóm ai cũng vui mừng lắm. Nhưng những ngày này, do thời tiết nắng nóng, rau mầm cũng hư hỏng nhiều, khoản tiền ít ỏi ấy cũng không đạt được.

Mong một công việc ổn định

Chị Hương bảo, mong ước lớn nhất của chị cũng như mọi người trong xóm là tìm được một công việc nhẹ nhàng, vừa với sức mình và đem lại thu nhập ổn định.

Mong ước ấy của chị phần nào đã được thỏa nguyện khi anh Nguyễn Việt Phú cùng các thành viên trong Công ty Lý Tưởng Việt đã quyết định tìm đến xóm chạy thận tại Ngọc Hồi để thuê những bệnh nhân trong xóm gia công nguyên liệu cho bộ xếp hình sắp ra mắt của anh.

Công việc đơn giản là xếp các mẩu giấy gấp thành hình con vật, đồ dùng. Mỗi cân giấy được trả công 100.000 đồng. Anh Phú chia sẻ: “Đây là công việc không mất quá nhiều sức lực, có thể làm bất cứ lúc nào rảnh rỗi. Chính vì thế tôi đã tìm tới xóm chạy thận nhờ mọi người gia công. Việc này vừa giúp công ty có được sản phẩm đảm bảo độ tỷ mỷ, vừa góp phần tạo thêm thu nhập cho những bệnh nhân chạy thận.”

Anh Phạm Văn Hồng, bệnh nhân xóm thận cho biết: “Từ hồi anh Phú mang cho chúng tôi gia công sản phẩm này, chúng tôi mừng lắm, mỗi tháng có thêm khoảng dăm trăm để trả tiền nhà rồi có tiền mua thêm thuốc men. Hơn nữa công việc này rất nhẹ nhàng, cả xóm 11 người ai cũng ngồi gấp, vừa làm vừa chuyện trò vui vẻ. Việc này cũng dễ hơn so với trồng rau mầm, thu nhập của chúng tôi cũng ổn định hơn.”

Đôi bàn tay thoăn thoắt xếp giấy thành các hình con vật ngộ nghĩnh, chị Bùi Thị Hương cũng vui vẻ góp lời: “Công việc đơn giản, lại không mất vốn, không sợ ế hàng. Trung bình mỗi người làm được 500.000 đến 600.000 đồng một tháng. Tôi mong sao công việc luôn được ổn định để cho cuộc sống của chúng tôi đỡ vất vả hơn.”.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần