Ninh Bình: sản phẩm OCOP phát triển về số lượng và chất lượng
Kinhtedothi - Ninh Bình tiếp tục đặt mục tiêu mở rộng số lượng và nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP; đồng thời, tỉnh sẽ đầu tư hơn nữa vào các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối sản phẩm OCOP với các chuỗi cung ứng toàn cầu để tăng cường giá trị sản phẩm.
Sau gần 6 năm triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), các sản phẩm đặc trưng của tỉnh Ninh Bình đã phát triển cả về số lượng và chất lượng. Đến nay, toàn tỉnh đã có hơn 200 sản phẩm OCOP.
Sản phẩm mật ong Cúc Phương của Hợp tác xã (HTX) sản xuất và tiêu thụ mật ong Cúc Phương (huyện Nho Quan) đã được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao. Từ chỗ sản xuất thủ công, đến nay HTX đã được đầu tư lắp đặt hệ thống máy móc hiện đại với quy trình sản xuất khép kín, giúp nâng cao chất lượng sản phẩm.

Sản phẩm OCOP tỉnh Ninh Bình.
Ông Bùi Đức Thuận, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX cho biết: hiện sản phẩm mật ong Cúc Phương được cung cấp cho các chuỗi cửa hàng nông sản sạch. Ngoài bán hàng truyền thống, HTX còn đẩy mạnh bán hàng qua các sàn thương mại điện tử cũng như tích cực tham gia các hội chợ xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm.
HTX sâm Cúc Phương nằm trên địa bàn xã Yên Quang, huyện Nho Quan chuyên sản xuất các sản phẩm từ cây sâm ở rừng Cúc Phương và xã Yên Quang. HTX hiện có 2 sản phẩm là hoàng trà bảo sâm và bột sâm Tiến Vương được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao.
Cây sâm ở đây đáp ứng được tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe. Từ bón lót, bón thúc đều dùng phân hữu cơ, công tác phòng trừ sâu bệnh hoàn toàn thủ công, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Với quy trình sản xuất hữu cơ, cùng với việc đầu tư máy móc theo dây chuyền khép kín, hiện các sản phẩm của HTX cung cấp ra thị trường ổn định và dần khẳng định thương hiệu trên thị trường.
Thực hiện chương trình OCOP, thời gian qua, xã Yên Quang đã có nhiều chính sách quan tâm hỗ trợ các chủ thể có sản phẩm chủ lực đăng ký xây dựng sản phẩm OCOP 3 sao. Thời gian tới, xã hướng dẫn cho các cá nhân, tổ chức có sản phẩm đặc thù để xây dựng sản phẩm đạt tiêu chí OCOP.
Để triển khai có hiệu quả chương trình OCOP, huyện Nho Quan đã chỉ đạo các ban, ngành, địa phương khảo sát, lựa chọn các sản phẩm có thế mạnh để nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường. Đến nay, huyện có 25 sản phẩm được công nhận OCOP, trong đó có 8 sản phẩm hạng 4 sao, 17 sản phẩm hạng 3 sao và đang chờ tỉnh xét công nhận 2 sản phẩm hạng 4 sao.
Sản phẩm muối ngâm chân, trà An Thái, tranh lá Bồ Đề của HTX Sinh Dược (xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn) đã đạt chứng nhận OCOP 4 sao của tỉnh Ninh Bình. Giám đốc HTX Sinh Dược Vũ Trung Đức chia sẻ: HTX xác định sứ mệnh của mình là bảo tồn, phát triển các tri thức thảo dược, tác động tạo nên thói quen tiêu dùng xanh, bền vững, góp phần giữ vững các giá trị làng nghề truyền thống của địa phương.
Anh Đức từng tốt nghiệp ngành Hóa-dược (Trường Đại học Bách khoa Hà Nội). Nhận thấy người tiêu dùng có nhu cầu lựa chọn các sản phẩm chăm sóc sức khỏe có nguồn gốc thiên nhiên, lành tính, anh Đức đã về quê, đem kiến thức của mình kết hợp với các tri thức dược liệu bản địa, thành lập HTX Sinh Dược để sản xuất các sản phẩm mỹ phẩm, thực phẩm và thủ công mỹ nghệ hoàn toàn từ thiên nhiên.
Chương trình OCOP đã nhận được sự quan tâm của các cấp, ngành, địa phương, đặc biệt là các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh trong tỉnh. Tham gia vào chương trình OCOP, các chủ thể không chỉ được hướng dẫn về quản trị sản xuất, kinh doanh, hoàn thiện mẫu mã, bao bì sản phẩm, bán hàng thương mại điện tử, mà còn có cơ hội tiếp cận với chính sách hỗ trợ của tỉnh trong quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Từ đó có thêm cơ hội tăng sức cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ, thêm động lực hồi sinh những nét độc đáo riêng có của các địa phương.
Qua đó không chỉ giúp người dân tăng thu nhập, thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển mà còn góp phần làm tốt sứ mệnh kết nối và chia sẻ những câu chuyện sinh động về nông nghiệp, nông thôn, những hình ảnh về vùng đất, con người Ninh Bình cùng những giá trị văn hóa truyền thống đến với người tiêu dùng, du khách trong và ngoài nước.
Để quảng bá sản phẩm OCOP của tỉnh, tại các điểm du lịch của tỉnh đều có các khu trưng bày bán sản phẩm OCOP, góp phần làm phong phú cho chương trình du lịch, thu hút du khách và ngược lại, hoạt động du lịch sẽ quảng bá, tiêu thụ và nâng cao giá trị cho sản phẩm OCOP.
Tại các khu du lịch lớn như Tam Cốc - Bích Động, khu bảo tồn thiên nhiên Vân Long hay cố đô Hoa Lư, các sản phẩm OCOP đã được trưng bày và giới thiệu đến du khách thông qua các gian hàng, trung tâm quảng bá. Điều này không chỉ giúp du khách có cơ hội trải nghiệm và mang về những sản phẩm chất lượng mà còn góp phần xây dựng hình ảnh địa phương là một điểm đến đa dạng và giàu bản sắc.
Chương trình OCOP đã mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt cho các chủ thể sản xuất, từ việc mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm đến gia tăng cơ hội tiếp cận thị trường. Đặc biệt, các chính sách hỗ trợ từ Nghị quyết số 32/2022/NQ-HĐND ngày 15/7/2022 về quy định chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2022-2025 đã giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ sản xuất nhỏ lẻ tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, áp dụng khoa học công nghệ, cải tiến mẫu mã sản phẩm và với việc được công nhận sản phẩm OCOP, nhiều chủ thể tạo được uy tín, thương hiệu, mở rộng thị trường sản xuất, kinh doanh, sản phẩm OCOP đảm bảo chất lượng, có xuất xứ hàng hóa rõ ràng nên được khách hàng ưu tiên lựa chọn so với các sản phẩm cùng loại.
Việc triển khai chương trình OCOP đã giúp các địa phương trong tỉnh Ninh Bình hình thành những vùng sản xuất tập trung với đa dạng nông sản, các làng nghề, tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa chất lượng cao, có thương hiệu mang tính đặc trưng của tỉnh, qua đó nâng cao chất lượng đời sống Nhân dân.

Sắp diễn ra Hội chợ OCOP khu vực đồng bằng sông Hồng - Quảng Ninh 2025
Kinhtedothi - Hội chợ OCOP khu vực đồng bằng sông Hồng - Quảng Ninh 2025 sẽ diễn ra từ ngày 29/4 đến 4/5/2025 tại Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm tỉnh.

Từ món ăn quê hương đến sản phẩm OCOP
Kinhtedothi - Hơn 40 năm miệt mài làm đặc sản quê nhà, gia đình chị Lương Thị Kim Châu (Cần Đước, Long An) đã gây dựng thành công thương hiệu Lạp xưởng cô Châu với hương vị khác biệt từ sự kết hợp giữa bí quyết gia truyền và sự tận tâm với nghề.
Năm 2025, Hà Nội phấn đấu có thêm 30 sản phẩm OCOP 5 sao
Kinhtedothi - Ngày 15/4, Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội đã tổ chức Hội nghị công bố quyết định và trao tặng bằng công nhận cho các chủ thể có sản phẩm OCOP được công nhận đạt 4 sao và có tiềm năng 5 sao.