Nợ đọng bảo hiểm xã hội tại Hà Nội” Doanh nghiệp quá yếu hay cố tình chây ì?

Nhật Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ đầu năm đến nay, số nợ bảo hiểm xã hội (BHXH) của Hà Nội đã lên đến 3.760 tỷ đồng, chiếm 11% so với số phải thu.

Với con số này, Hà Nội đang dẫn đầu cả nước về tình trạng nợ đọng BHXH. Trong khi đó, quá trình khởi kiện để đòi nợ lại vô cùng gian nan, vất vả.

Xấu hổ vì nợ quá nhiều

Theo ông Nguyễn Đức Hòa - Phó Giám đốc phụ trách BHXH Hà Nội, dù rất nỗ lực triển khai các biện pháp thu hồi nợ đọng như phối hợp liên ngành thanh tra, thanh tra chuyên ngành, kiểm tra; UBND các quận, huyện, thị xã tích cực chỉ đạo, kiểm tra, phối hợp tổ chức công đoàn đẩy mạnh khởi kiện... song nợ đọng bảo hiểm ở Hà Nội vẫn cao nhất cả nước.

Hướng dẫn người dân kê khai hồ sơ hành chính tại BHXH TP Hà Nội. Ảnh: Thùy Linh

Trong số các đơn vị nợ đọng lớn, phải kể đến Công ty CP Lilama 3 với số tiền nợ BHXH lên tới hơn 25,4 tỷ đồng, thời gian nợ tới 50 tháng; Công ty TNHH May Mặc Xuất khẩu VIT Garment có số nợ là hơn 19 tỷ đồng; Công ty cổ phần 116 - Cienco 1 với số tiền nợ hơn 14,5 tỷ đồng, thời gian nợ lên tới 109 tháng; Công ty CP Cầu 12 - Cienco 1 với số tiền nợ là gần 14,5 tỷ đồng...

Theo thống kê của BHXH Hà Nội, toàn TP có gần 56.000 đơn vị đang tham gia BHXH, BHYT, trong đó có hơn 48.000 đơn vị là DN với hơn 1,4 triệu lao động. Đề cập đến tình trạng nợ đọng BHXH hiện nay, ông Hòa buồn bã thốt lên: “DN Hà Nội yếu quá, nợ bảo hiểm quá nhiều. Tôi đi họp toàn phải ngồi dưới vì xấu hổ vô cùng”. Ông Hòa dẫn chứng, có trường hợp về hưu lâu năm, 80 tuổi vẫn chưa lấy được sổ hưu, vì DN không đóng bảo hiểm cho người lao động. Có trường hợp chuyển sang làm ở cơ quan mới nhưng cơ quan cũ vẫn nợ đóng bảo hiểm làm mất quyền lợi cho người lao động. Trước tình trạng DN nợ đọng BHXH quá nhiều, ông Hòa trăn trở: “Làm sao để Hà Nội về nhì thôi, cứ dẫn đầu cả nước về nợ đọng thế này thì buồn quá”.

Khởi kiện không đơn giản

Phân tích về số nợ BHXH hơn 3.760 tỷ đồng, ông Nguyễn Đức Hòa cho rằng số nợ cao chủ yếu do các DN là đơn vị xây dựng, cầu đường, những đơn vị này đang gặp khó khăn trong kinh doanh, sản xuất. Tuy nhiên, cũng có những DN doanh thu tốt, vẫn cố ý chây ì nợ đóng bảo hiểm cho người lao động. Bên cạnh đó, có nhiều DN không có địa chỉ rõ ràng, chỉ có bảo vệ hoặc chỉ có duy nhất một lao động. Ngoài ra, có những DN đã được thanh, kiểm tra nhưng không thực hiện kết luận, không nộp tiền nợ nhưng vẫn chưa bị xử phạt hành chính; nhiều DN không chịu ký vào biên bản đối chiếu thu nợ.

Theo ông Hòa, mới đây Bí thư Thành ủy Hà Nội đã chủ trì buổi làm việc với Liên đoàn Lao động TP Hà Nội về vấn đề khởi kiện đơn vị nợ bảo hiểm. Trong buổi làm việc, đại diện Tòa án Nhân dân Tối cao đã nêu một số khó khăn trong việc khởi kiện như, chưa có quy định rõ đại diện khởi kiện là cá nhân hay tập thể của tổ chức công đoàn. Hiện nay, BHXH Hà Nội đã thực hiện chuyển 144 hồ sơ DN nợ BHXH đề nghị Liên đoàn Lao động khởi kiện với số tiền nợ là 153.313 tỷ đồng trong 5 tháng qua. Dù Liên đoàn Lao động đảm nhiệm việc khởi kiện, được kỳ vọng, mong đợi nhiều nhất để bảo vệ quyền lợi người lao động nhưng công tác giảm nợ hiện vẫn còn vướng mắc và không thực hiện được.

Hiện BHXH Hà Nội đang thực hiện nhiều biện pháp nhằm thu hồi nợ đọng bảo hiểm của các đơn vị, DN trên địa bàn. Bên cạnh đó, phối hợp cùng cơ quan công an kiểm tra việc đóng BHXH tại các DN cố tình chây ỳ, trốn đóng BHXH để có hình thức xử lý.

Tính đến nay, số nợ đã là 3.760 tỷ đồng, chiếm 11% so với số phải thu. BHXH Hà Nội cũng chuyển 144 hồ sơ DN nợ BHXH sang Liên đoàn lao động Hà Nội để làm thủ tục khởi kiện.