Nợ đọng thuế tăng cao

Nha Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Số thu nội địa qua cơ quan thuế trong 6 tháng đầu năm tăng so với cùng kỳ, tuy nhiên, một số khu vực thu như khối DN Nhà nước, DN FDI… vẫn đạt thấp, nhiều địa phương có tỷ lệ thu dưới dự toán.

Đó là các hạn chế đã được nêu ra tại Hội nghị sơ kết công tác thuế 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm ngày 20/7.
7 khoản thu không đạt dự toán
Theo báo cáo của Tổng cục Thuế, 6 tháng đầu năm nay, số thu do Tổng cục Thuế quản lý đạt 49,7% so với dự toán, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm trước. Có 44/63 địa phương tiến độ thu nội địa đạt trên 50% so với dự toán. Nhiều địa phương đã có số thu khá cao. Điểm hạn chế là cơ cấu các khoản thu, còn 7 khoản thu đạt dưới 50% dự toán. Một số khoản thu như: Thu từ khu vực DNNN, thu từ khu vực DN có vốn đầu tư nước ngoài tỷ lệ chưa cao. Còn 19 tỉnh, TP có tỷ lệ thu dưới 50% dự toán; trong đó có 12 địa phương đạt dưới 48% dự toán.
 Làm thủ tục hoàn thuế tại Cục Thuế Hà Nội. Ảnh: Thanh Hải.
Thời gian qua, cơ quan thuế các cấp cũng tăng cường công tác quản lý kê khai, kế toán thuế, hoàn thuế VAT; tăng thanh - kiểm tra, chống thất thu ngân sách Nhà nước; chú trọng công tác quản lý nợ thuế, tập trung thu hồi nợ đọng. Theo đó, tỷ lệ hồ sơ khai thuế đã nộp đạt 95% trên số phải nộp; trong đó tỷ lệ nộp đúng hạn cũng đạt 95%. Kết quả thanh tra, kiểm tra tăng thu hơn 5.700 tỷ đồng; đôn đốc thu nợ được gần 18.000 tỷ đồng. Mở rộng hệ thống khai thuế qua mạng điện tử đối với 99,96% số DN đang hoạt động; phối hợp với các ngân hàng cung cấp dịch vụ nộp thuế điện tử.
Tuy nhiên, đại diện Tổng cục Thuế cũng thừa nhận, đến nay, việc triển khai kế hoạch thanh tra, kiểm tra còn chậm (mới chỉ đạt 33% kế hoạch, một số địa phương có tỷ lệ thực hiện thanh tra, kiểm tra còn thấp). Tổng số nợ thuế đến thời điểm 30/6/2018 tăng 9,6% so với thời điểm 31/12/2017, trong đó, có 56/63 địa phương có tỷ lệ nợ đọng cao hơn so với thời điểm 31/12/2017, đặc biệt có 20 địa phương có tỷ lệ nợ cao trên 20%.
Chống trốn thuế, gian lận thuế
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho biết, nhiệm vụ thu 6 tháng cuối năm còn hết sức nặng nề. Vì vậy, cơ quan thuế các cấp cần quan tâm chỉ đạo đôn đốc thu nộp ngay từ bây giờ, nhất là các khoản thu có tỷ lệ đạt còn thấp và các địa phương có số thu thấp. Thứ trưởng Trần Xuân Hà cũng nhắc cơ quan thuế có bước chuyển trong việc giải quyết nợ đọng. Tổng cục Thuế, Cục Thuế các tỉnh, TP tập trung đẩy mạnh việc thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2018, đạt tối thiểu 18,5% số DN đang hoạt động, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng như: Kiểm toán Nhà nước, thanh tra, công an, quản lý thị trường… để chống trốn thuế, gian lận thuế. “Để thực hiện tốt các nhiệm vụ trên cần triển khai nhiều giải pháp đồng bộ khác nhau cả về tổ chức bộ máy, cán bộ, quản trị điều hành, ứng dụng công nghệ thông tin. Trước mắt, Tổng cục Thuế và các đơn vị trong hệ thống thuế cần thực hiện việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế theo quy định” - ông Hà nhấn mạnh.
Phía Tổng cục Thuế cho hay, nửa cuối năm 2018, ngành thuế sẽ tập trung các giải pháp như: Mở rộng cơ sở thuế, tạo chuyển biến rõ nét trong công tác quản lý thu, nhất là khu vực kinh tế phi chính thức; tăng cường thanh tra, kiểm tra, chống thất thu, buôn lậu, gian lận thương mại, quản lý chặt chẽ giá tính thuế, chống chuyển giá nhằm phấn đấu tăng thu ngân sách 5% so với dự toán Quốc hội giao. Về công tác quản lý nợ, từ nay đến cuối năm, Tổng cục Thuế sẽ tập trung triển khai đầy đủ các biện pháp quản lý nợ, phấn đấu tổng số tiền thuế nợ tại thời điểm 31/12/2018 không vượt quá 5% so với số thực hiện thu trong năm 2018.