Nỗ lực bảo vệ “lá phổi xanh” của Thủ đô

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Diện tích rừng của Hà Nội không lớn nhưng có vai trò quan trọng trong việc điều hòa khí hậu, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng. Do vậy, thời gian qua, lực lượng Kiểm lâm Hà Nội luôn nỗ lực vượt mọi khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR). Đó là chia sẻ của Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Nội Lê Minh Tuyên với báo Kinh tế & Đô thị nhân dịp kỷ niệm 48 năm ngày thành lập lực lượng Kiểm lâm Việt Nam (21/5/1973 - 21/5/2021).

Trước diễn biến thời tiết cực đoan, nắng nóng kéo dài, Chi cục thực hiện giải pháp nào để bảo vệ, PCCCR hiệu quả, thưa ông?

- Hiện nay, toàn TP hơn 27.000ha rừng, tập trung ở 7 huyện, thị xã. Thời gian qua, nguy cơ cháy rừng vẫn phức tạp, đặc biệt là rừng phòng hộ Sóc Sơn do nắng nóng kéo dài, thảm thực vật dày. Để thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ PCCCR, ngay từ đầu năm, Chi cục đã xây dựng phương án PCCCR và tham mưu Sở NN&PTNT đề xuất TP ban hành Kế hoạch bảo vệ rừng và PCCCR năm 2021. Sau khi TP phê duyệt, các huyện, thị xã có rừng căn cứ vào Kế hoạch này để thực hiện, triển khai.

Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Nội Lê Minh Tuyên.

Tuyên truyền có vai trò quan trọng trong việc góp phần quản lý, bảo vệ rừng và PCCCR, phần việc này được Chi cục triển khai như thế nào thưa ông?

- Trong những năm qua, kể cả năm 2021, Chi cục đã đề xuất Sở NN&PTNT đề nghị TP phê duyệt Đề án “Tuyên truyền nâng cao năng lực cho các cấp chính quyền cơ sở và lực lượng kiểm lâm về công tác quản lý, bảo vệ và PCCCR”. Cùng với đó, Chi cục tổ chức các lớp tuyên truyền thừa hành pháp luật trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản, động vật hoang dã.

Về công tác tuyên truyền, Chi cục đã có nhiều đổi mới. Cụ thể, tuyên truyền với nhiều hình thức khác nhau trên các phương tiện thông tin đại chúng, báo, đài, tổ đội quần chúng bảo vệ rừng. Chi cục đã xây dựng nội dung riêng phù hợp với từng nhóm các đối tượng như: Cấp chính quyền cơ sở, chủ rừng và những người dân sống gần rừng. Ngoài ra, hằng năm, lực lượng kiểm lâm còn tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực chuyên môn về công tác quản lý, bảo vệ rừng và PCCCR.

Tình trạng lấn chiếm đất lâm nghiệp và hành vi xây dựng trái phép trên đất lâm nghiệp vẫn xảy ra trong thời gian qua. Theo ông, đâu là nguyên nhân?

- Công tác quản lý, bảo vệ rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn TP hiện nay có những bất cập, khó khăn. Hệ thống bản đồ chuẩn theo Hệ tọa độ VN2000 trong lĩnh vực lâm nghiệp chưa đươc chuẩn hóa. Trong khi đó, trên địa bàn cả 7 huyện, thị xã TP có rừng, ngoài thực địa vẫn chưa thực hiện cắm mốc giới và chưa được phân định rõ 3 loại rừng (rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất). Đáng nói, mốc giới giữa các loại rừng với các loại đất cũng chưa được phân định rõ ràng, vẫn có sự trùng lấn giữa đất lâm nghiệp với đất ở và các loại đất khác.

Đây cũng là khó khăn của các cấp chính quyền cũng trong việc quản lý đất lâm nghiệp. Do quy hoạch các loại đất chồng lấn dẫn đến nảy sinh các hành vi lấn chiếm, xây dựng trái phép trên đất lâm nghiệp. Đối với những vụ việc này, Chi cục chỉ đạo các hạt kiểm lâm địa bàn lập hồ sơ báo cáo cấp thẩm quyền xử lý theo đúng quy định. So với 3 năm trở về trước, tình trạng lấn chiếm đất lâm nghiệp có giảm đi nhưng vẫn còn tái diễn. Qua nắm tình hình và rà soát tại cơ sở cho thấy, Sóc Sơn và Ba Vì là 2 huyện xảy ra nhiều công trình xây dựng trái phép trên đất lâm nghiệp.

Cũng cần phải nói thêm, Nhà nước khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư vào công tác quản lý, bảo vệ rừng, đặc biệt là phát triển du lịch sinh thái ở diện tích từng đặc dụng, rừng phòng hộ không phải là vùng lõi nhưng phải đảm bảo về bảo vệ và phát triển rừng. Tuy nhiên, do nhận thức chưa đầy đủ của một số chính quyền địa phương và tổ chức, cá nhân nên vẫn xảy ra tình trạng xây dựng khu, điểm du lịch sinh thái tự phát không theo quy hoạch của TP.

Lực lượng kiểm lâm tuyên truyền về bảo vệ rừng cho đồng bào dân tộc Dao huyện Ba Vì.

Ông có thể nói rõ hơn về những trở ngại, khó khăn của lực lượng kiểm lâm Hà Nội trong thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng và PCCCR hiện nay?

- Thực hiện nghiêm túc Nghị định số 108/2020/NĐ-CP của Chính phủ và chỉ đạo của TP, của ngành, Chi cục đã tinh giản biên chế theo lộ trình đúng quy định của Nhà nước về công tác quản lý cán bộ công chức và người lao động. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, lực lượng kiểm lâm Hà Nội rất mỏng (121 công chức và 71 lao động hợp đồng theo Nghị định 68/2000/NĐ-CP) đang vừa quản lý hơn 27.000ha rừng, vừa quản lý chế biến, kinh doanh gỗ và lâm sản, động vật hoang dã. Có những hạt kiểm lâm chỉ có 5 - 6 công chức đang quản lý tới 30 xã, phường; có những hạt kiểm lâm liên huyện đang quản lý 6 quận, huyện. Vì vậy, sẽ gây khó khăn trong công tác nắm bắt kịp thời các vi phạm, diễn biến trong lĩnh vực lâm nghiệp.

Theo quy định của Chính phủ mỗi một hạt kiểm lâm cơ động được trang bị 1 xe bán tải nhưng TP đã thu hồi các xe hết thời hạn sử dụng nên Chi cục và các hạt kiểm lâm đang trong tình trạng thiếu xe trầm trọng. Do vậy, công tác tuần tra, kiểm soát, tuần rừng, chở thiết bị chữa cháy đến hiện trường để chữa cháy rừng kịp thời đang gặp không ít khó khăn.

Xin cảm ơn ông!

"Chi cục đã đề nghị Sở NN&PTNT báo cáo, đề xuất UBND TP chỉ đạo các huyện, thị xã có rừng tiến hành rà soát tổng diện tích rừng hiện có, diện tích đất lâm nghiệp trong quy hoạch trong lâm nghiệp và xác định rõ mốc giới ngoài thực địa; lập quy hoạch tổng thể về lâm nghiệp để tích hợp vào quy hoạch chung của TP và quy hoạch lâm nghiệp của cả nước" - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Nội Lê Minh Tuyên

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần