Nỗ lực cởi trói cho doanh nghiệp tư nhân

Vân Thiêng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cuộc tọa đàm do Thủ tướng chủ trì cuối tuần qua là dịp để người đứng đầu Chính phủ lắng nghe tiếng nói của khối DN tư nhân.

Nếu nói từ Nghị quyết của Đảng đến thực tế cuộc sống luôn là một “khoảng cách” thì những cuộc gặp gỡ như thế này là để “khoảng cách” ấy ngắn lại, để kinh tế tư nhân phát triển đúng nghĩa là động lực của nền kinh tế.
  May hàng xuất khẩu tại Công ty May Đức Giang, Hà Nội. Ảnh: Trần Việt
Vẫn với phong cách gần gũi, thân thiện, khuyến khích nói đến tận cùng những tâm tư, trăn trở của DN, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã mang đến cuộc tọa đàm này một thông điệp của sự cầu thị, lắng nghe từ Chính phủ với một thành phần kinh tế được Nghị quyết T.Ư 5 (Khóa XII) của Đảng xác định là “động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta”.

Lãnh đạo 14 tập đoàn tư nhân lớn dự tọa đàm với Thủ tướng là những gương mặt tiêu biểu, góp phần làm nên vị thế của thành phần kinh tế này, không chỉ ở quy mô, hiệu quả sản xuất, đóng góp ngân sách, mà cao hơn là sự đi đầu về ứng dụng KHCN, trình độ quản trị DN, triết lý kinh doanh và trách nhiệm xã hội. Họ xứng đáng đại diện cho một thành phần kinh tế đang chiếm đến 96,7% số DN, đóng góp khoảng 43% GDP và 30% giá trị tổng sản lượng công nghiệp, gần 80% tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ. Đặc biệt là thu hút khoảng 51% lực lượng lao động cả nước, tạo ra khoảng 1,2 triệu việc làm mỗi năm.

Cho nên, xác định chính xác những vướng mắc để tháo gỡ, tạo môi trường thuận lợi để khối DN tư nhân phát triển là điều mà Chính phủ luôn trăn trở và tìm câu trả lời. Muốn vậy, điều mà các tập đoàn kinh tế tư nhân (KTTN) mong muốn không gì khác là những lời nói thẳng, nói thật trách nhiệm vì lợi ích chung của đất nước sẽ được Chính phủ tiếp thu và phản hồi. Bởi nếu không nâng được tỷ lệ DN vừa và lớn trong cơ cấu DN, thì thật khó để kỳ vọng vào tỷ lệ đóng góp 50% GDP như mục tiêu đề ra.

Những ý kiến đề xuất của lãnh đạo 14 tập đoàn tại cuộc tọa đàm cũng chính là phương châm, là mục tiêu xuyên suốt của Chính phủ kiến tạo - hành động vì dân và DN được Thủ tướng đề ra ngay từ khi nhậm chức. Nhưng muốn hành động, cần phải có niềm tin. Niềm tin ấy không phải tự nhiên mà có, lại càng không chỉ nhờ hô hào suông. Niềm tin ấy phải được thể hiện bằng những chủ trương, hành động cụ thể. Nhìn lại một năm qua, không khó để nhận ra tinh thần ấy khi Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ luôn chủ động tìm cách tháo gỡ khó khăn, giúp khối DN tư nhân phát triển đúng với vai trò là “động lực quan trọng của nền kinh tế”. Bởi là người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng luôn biết cách để đồng vốn của quốc gia sinh lãi, khi phát biểu tại một diễn đàn mới đây, ông cho rằng: “Cứ mỗi đơn vị vốn bổ sung vào đầu tư kinh doanh thì lợi nhuận của DN tư nhân lớn gấp 3 lần so với DN nhà nước”.

KTTN là động lực để kinh tế đất nước phát triển khi tỷ lệ đóng góp cho GDP được kỳ vọng sẽ nâng từ 43% hiện nay lên khoảng 50% - 60% trong thời gian tới. Đó không phải là ước muốn chủ quan của Đảng và Chính phủ, mà là thực tế đang diễn ra. Cuộc đối thoại với 14 tập đoàn KTTN lớn cuối tuần vừa rồi và Diễn đàn KTTN 2017 cách nay vài tháng là dịp để Chính phủ thể hiện nỗ lực “Kiến tạo và Hành động”, cũng là dịp để DN tư nhân nhìn lại mình, bỏ cách thức làm ăn cũ, phát huy sáng tạo, không ngừng thay đổi, nâng cao năng lực cạnh tranh, nhìn xa trông rộng, tự tin nhổ neo căng buồm để con tàu DN no gió, cưỡi sóng vươn khơi.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần