Nỗ lực đưa Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà ghi danh di sản thiên nhiên thế giới

Vĩnh Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đoàn đánh giá của Liên minh quốc tế Bảo tồn thiên nhiên và Tài nguyên thiên nhiên (IUCN) vừa có chuyến làm việc tại Hải Phòng trong 5 ngày (29/10 - 2/11/2021), nhằm đánh giá hồ sơ đề cử Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà.

Chuyến khảo sát quan trọng

Tại buổi làm việc giữa UBND TP Hải Phòng và IUCN, 2 bên đã cùng trao đổi về những điều kiện, quy trình đánh giá di sản Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà không chỉ nằm ở các giá trị nổi bật toàn cầu mà còn ở tính toàn vẹn và các biện pháp bảo vệ di sản.

Kết quả của chuyến thực địa sẽ là yếu tố quan trọng giúp Liên minh quốc tế Bảo tồn thiên nhiên và Tài nguyên thiên nhiên có cơ sở khoa học và thực tiễn để đưa ra các khuyến nghị trình Ủy ban Di sản thế giới (UNESCO) trước khi thông qua việc ghi danh đề cử di sản tại kỳ họp thường niên vào năm 2022.

 Hoàng hôn trên đảo Ngọc Cát bà. Ảnh Xuân Thủy

Bà Aberg Ellen Ulrika - Chuyên gia của Liên minh quốc tế Bảo tồn thiên nhiên và Tài nguyên thiên nhiên cho biết: Theo hướng dẫn của Công ước Di sản, các giá trị toàn cầu ở đây không gói gọn trong các tiêu chí mà hồ sơ đã nêu ra mà phải có tổng thể các giá trị nổi bật toàn cầu và giá trị toàn vẹn của di sản, cùng với các biện pháp, cơ chế bảo tồn di sản. Thông qua cuộc đánh giá thực địa sẽ đưa ra ý kiến đối với Ủy ban Di sản thế giới về tính toàn vẹn của di sản, cùng các biện pháp quản lý, bảo vệ di sản.

Chia sẻ với Kinh tế & Đô thị, ông Bùi Tuấn Mạnh - Chủ tịch UBND huyện Cát Hải (TP Hải Phòng) cho biết, ngay sau khi nhận được thông tin có đoàn đánh giá, địa phương đã chuẩn bị chu đáo các nội dung để cùng phối hợp làm việc. Đến chiều nay Đoàn (IUCN - PV) sẽ kết thúc chuyến làm việc với huyện Cát Hải. Chủ tịch UBND huyện Cát Hải cho biết thêm, chương trình làm việc diễn ra tốt đẹp và kết thúc theo đúng dự kiến.

 Hòn Bụt Đầy trên vịnh Lan Hạ. Ảnh Xuân Thủy

"Hy vọng hồ sơ đề cử di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà được UNESCO ghi nhận và vinh danh. Đây sẽ là những sự kiện trọng đại và có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với Hải Phòng", ông Bùi Tuấn Mạnh thông tin.

Luôn đề cao tính toàn vẹn của di sản

Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà nằm ở phía Đông Bắc Việt Nam, cách Thủ đô Hà Nội 165km, có tổng diện tích khu vực đề cử di sản thế giới là 65.650 ha với 1.133 hòn đảo, được bao quanh bởi vùng đệm 34.140ha.

 Hòn Bút trên vịnh Lan Hạ. Ảnh Xuân Thủy

Quần đảo Cát Bà được công nhận là Vườn quốc gia năm 1986, Khu bảo tồn biển năm 2003 và được xếp hạng Danh lam thắng cảnh cấp quốc gia đặc biệt năm 2013. Theo đó, Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà được bảo vệ hiệu quả thông qua các luật có liên quan của Nhà nước và các nghị định của Chính phủ như: Luật Di sản văn hóa, Luật Đa dạng sinh học…

Dựa trên thế mạnh của mình, Cát Bà chú trọng phát triển du lịch sinh thái, du lịch tắm biển nghỉ dưỡng; Du lịch tham quan đảo, hang động, di tích; Thể thao nước, câu cá, câu mực; Du lịch sinh thái kết hợp với tham quan mô hình làng truyền thống ở Việt Hải; Du lịch leo núi mạo hiểm tại trung tâm Vịnh Lan Hạ.

Vài năm trở lại đây, TP Hải Phòng và các DN đã quan tâm đầu tư một số dự án, công trình trọng điểm cho hạ tầng cơ sở kỹ thuật tạo đà vững chắc cho ngành du lịch của Cát Bà phát triển bền vững cả về quy mô và chất lượng như: Dự án đường Cát Cò 3 - Gia Luận; dự án mở rộng mặt bằng khu Trung tâm du lịch; các dự án cung cấp nước ngọt về thị trấn Cát Bà, dự án tuyến phà Gia Luận - Tuần Châu, Dự án điện lưới quốc gia 110 kv ra đảo Cát Hải; Dự án tuyến cáp treo 3 dây Cát Hải - Phù Long, tuyến cáp treo 1 dây Phù Long - thị trấn Cát Bà, cùng với hệ thống đô thị du lịch Phù Long, Xuân Đám, Cát Đồng, Vịnh Trung Tâm và Bến Bèo…

Các dự án đầu tư đem đến cho diện mạo Cát Bà ngày càng văn minh, hiện đại, bước đầu tạo lên vóc dáng của một đô thị du lịch hiện đại, một trung tâm du lịch sinh thái của cả nước và quốc tế, khai thác có hiệu quả tiềm năng kinh tế biển.

Trong thời gian tới, Thành phố tiếp tục đẩy mạnh giới thiệu và phát huy giá trị di sản theo hướng: Xây dựng và xuất bản các ấn phẩm nghiên cứu, tài liệu quảng bá, giới thiệu giá trị Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà; Tổ chức các sự kiện văn hóa để quảng bá, giới thiệu về di sản tới người dân địa phương và khách tham quan…

 Con đường xuyên đảo được mệnh danh là một trong những cung đường đẹp nhất Việt Nam. Ảnh Xuân Thủy

Việc bảo vệ các giá trị, tính toàn vẹn của Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của các cơ quan quản lý nhà nước liên quan, cùng các tổ chức, cộng đồng người dân địa phương, nhằm tìm mọi biện pháp hữu hiệu để bảo tồn và phát huy giá trị di sản một cách bền vững.

Theo PGS.TS. Đỗ Công Thung - chủ trì hồ sơ đề cử di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà, 4 tiêu chí đưa ra trong hồ sơ đều có minh chứng khoa học rất chuẩn, thông qua các kết quả nghiên cứu cấp quốc gia và các nghiên cứu của các chuyên gia tư vấn nước ngoài.

"Khi chuẩn bị hồ sơ, chúng tôi rất quan tâm đến tính toàn vẹn của di sản. Chúng tôi cố gắng chứng minh rằng, nếu như Hạ Long - Cát Bà được công nhận các giá trị di sản mà chúng ta đề xuất thì toàn bộ giá trị di sản ấy sẽ dược bảo vệ một cách toàn vẹn trong ranh giới của di sản mà chúng ta đề xuất", PGS.TS. Đỗ Công Thung thông tin tại cuộc làm việc với IUCN.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần