Nỗ lực tiếp cận, cứu trợ các xã đang bị cô lập bởi nước lũ

Trương Huyền (tổng hợp)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đến thời điểm hiện tại, áp thấp nhiệt đới đang di chuyển ra xa đất liền. Tại nhiều địa phương mưa đã ngớt và các cấp chính quyền đã bắt tay ngay vào cứu trợ, khắc phục hậu quả mưa lũ, ổn định cuộc sống người dân.

Vị trí của áp thấp nhiệt đới
Vẫn còn mưa kéo dài
Theo bản tin mới nhất của Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, vào hồi 16h hôm nay (ngày 22/7), vị trí tâm áp thấp nhiệt đới cách bờ biển các tỉnh từ Nam Định đến Thanh Hóa khoảng 240km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50 - 60km/giờ), giật cấp 9. 

Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Đông Đông Bắc, sau đó đổi hướng di chuyển Đông Bắc mỗi giờ đi được 5 - 10km và có khả năng mạnh thêm. Đến 16h ngày 23/7, vị trí tâm áp thấp ở trên khu vực phía Tây bán đảo Lôi Châu. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50 - 60km/giờ), giật cấp 9.

Do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới hoạt động mạnh nối với áp thấp nhiệt đới trên Vịnh Bắc Bộ nên ngày 22/7, ở các tỉnh Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế đã có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 10 - 30mm; có nơi trên 30mm như Vinh (Nghệ An) 32mm, Kỳ Anh (Hà Tĩnh) 37mm, Tuyên Hóa (Quảng Bình) 54mm, Đông Hà (Quảng Trị) 82mm, Khe Sanh (Quảng Trị) 116mm...

Trong đêm 22/7, ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế còn có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to. Từ ngày 23/7, mưa lớn ở các tỉnh Trung Bộ giảm dần. Cũng trong khoảng thời gian trên, phía Tây Bắc Bộ có mưa rào và dông vài nơi. Phía Đông Bắc Bộ có mưa rào và dông vài nơi, riêng các tỉnh ven biển nhiều mây, có mưa, mưa rào rải rác và có nơi có dông. Hình thái thời tiết tương tự cũng sẽ xảy ra tại Thủ đô Hà Nội, khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ.

Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia đã đưa ra cảnh báo nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất tại nhiều nơi thuộc tỉnh Hòa Bình, Yên Bái, Phú Thọ, Quảng Ninh. Còn trên các sông ở Quảng Bình, Quảng Trị đang xuất hiện một đợt lũ, biên độ lũ lên vùng thượng lưu các sông từ 3 - 5m, hạ lưu từ 1 - 2m. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị. Bên cạnh đó, tình trạng ngập lụt, ngập úng tại các vùng trũng thấp vẫn tiếp tục diễn ra ở Thanh Hóa, Nghệ An, đặc biệt tại huyện Thạch Thành (Thanh Hóa).
Cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 316 giúp dân tìm kiếm người mất tích tại Yên Bái. Ảnh: Báo Yên Bái.
Yên Bái: Nỗ lực tiếp cận 3 xã đang bị nước lũ cô lập

Về tình hình khắc phục hậu quả trong đợt mưa lũ vừa qua tại các địa phương, tại Yên Bái các cơ quan chức năng trong tỉnh đã hỗ trợ các gia đình có người bị chết, bị thương, nhà bị sập, đổ hoàn toàn với tổng số tiền 2,4 tỷ đồng và 12.450kg gạo.

Tính đến 16h chiều nay (22/7), toàn tỉnh Yên Bái có 35 người bị thương, chết và mất tích. Trong đó, 11 người chết, số bị thương tăng lên 18 người (tăng thêm 7 người tại huyện Văn Chấn), còn 6 người mất tích. 1.523 nhà bị thiệt hại (154 nhà bị sập, trôi hoàn toàn tăng 38 nhà; số nhà bị ngập giảm còn 2.647 nhà do nước rút).

Diện tích lúa, hoa màu bị thiệt hại tăng thêm 406ha, nâng tổng số diện tích thiệt hại 2.532ha. Trong đó một số huyện bị thiệt hại nặng như: Trấn Yên 987ha, Văn Yên 623ha, TP Yên Bái 500ha, Văn Chấn 345ha…

Thiệt hại về gia súc, gia cầm là 2.483 con (tăng 1.585 con), trên gần 353ha thủy sản bị thiệt hại (tăng 154,5ha) và 422 tuyến đường, cầu, cống bị hư hỏng, sập, trôi. Ước tính tổng thiệt hại trên 270 tỷ đồng.

Tại huyện Văn Chấn, địa phương được đánh giá là chịu ảnh hưởng nặng nề nhất đợt mưa lũ lần này, hiện vẫn còn còn 3/5 xã bị cô lập do hư hỏng đường giao thông, hệ thống điện lưới thông tin liên lạc bị gián đoạn, gồm các xã: An Lương, Sùng Đô và Nậm Mười.

Đến thời điểm hiện tại (chiều 22/7), trên địa bàn huyện Văn Chấn đã không còn mưa và có nắng, nước ở suối bản Mười, xã Sơn Lương cũng đã rút. Đây là điều kiện thuận lợi để các lực lượng chức năng huy động nhân lực và phương tiện máy móc làm việc hết công suất để có thể thông tuyến đường vào trung tâm các xã.

Hiện đang có 2 máy xúc hỗ trợ việc tu sửa, san gạt những điểm sạt lở vào trung tâm xã và các lực lượng chức năng cũng đã có thể vận chuyển máy phát điện phục vụ thông tin liên lạc đồng thời cấp phát 3 tấn gạo cùng hàng trăm thùng mì tôm cứu đói cho bà con vùng đang bị cô lập.

Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Đỗ Đức Duy có mặt tại hiện trường đang chỉ đạo bằng mọi giá hết ngày hôm nay, các tổ công tác đặc biệt của huyện Văn Chấn quyết tâm tiếp cận địa bàn tất cả các xã đang bị cô lập nhằm kịp thời kết nối thông tin liên lạc phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành tìm kiếm cứu nạn và khắc phục hậu quả thiên tai, nhanh chóng hỗ trợ người dân nhu yếu phẩm và trang bị thiết yếu để đảm bảo đời sống.
Đoạn đường quốc lộ 6 thuộc địa phận bản Co Tang, xã Lóng Luông (Vân Hồ) bị ngập nước.
Sơn La: Nhiều bản, làng vẫn bị ngập sâu
Từ đêm qua (21/7), theo ghi nhận các xã vùng tâm lũ của tỉnh Sơn La đã tạnh mưa. Ngay sáng sớm nay, các lực lượng địa phương đã nhanh chóng tiếp tục bắt tay vào công tác khắc phục hậu quả trận mưa lũ để lại, đặc biệt là tìm mọi phương án thông đường và vận chuyển tăng bo tiếp cận với các xã còn cô lập.

Tại huyện Phù Yên hiện vẫn còn 3 xã chưa thể tiếp cận được là Sập Sa, Mường Lang và Mường Bang do giao thông bị sụt sạt lớn, mất điện và mất thông tin liên lạc. Đây cũng là 3 xã xa nhất và khó khăn nhất của huyện. Chính quyền địa phương huyện và các xã đã tiếp tục huy động lực lượng tại chỗ tập trung tìm kiếm 1 người còn mất tích và khôi phục lại diện tích lúa mới cấy bị ngập úng và vùi lấp.

Trong khi đó tại xã Lóng Luông huyện Vân Hồ, từ hôm qua đến nay vẫn còn 4 bản bị ngập sâu là bản Co Tràm, Co Tang, Pa Kha và Lóng Luông khiến sinh hoạt của bà con hết sức khó khăn.

Về giao thông, đến khoảng 15h ngày 22/7, đoạn đường quốc lộ qua khu vực bản Co Tang (huyện Vân Hồ) nước đã rút, nơi ngập sau nhất chỉ còn khoảng 50 đến 60cm, các phương tiện như xe tải, khách và xe con từ 7 chỗ trở lên đã có thể di chuyển qua đoạn đường này. Các lực lượng chức năng túc trực 24/24h để hướng dẫn, phân làn cho các phương tiện di chuyển và sẵn sàng ứng phó với các tình huống xảy ra. 
Phú Thọ: Nhanh chóng ổn định đời sống người dân
Do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 3, trên địa bàn huyện Cẩm Khê, Tam Nông, Yên Lập đã có mưa to kéo dài từ ngày 18 đến 21/7 gây thiệt hại về người, nhà ở, hoa màu cũng như các công trình giao thông công cộng. Ngay sau mưa lũ, chính quyền các địa phương cùng nhân dân đang tập trung khắc phục hậu quả, ổn định đời sống.

Theo thống kê, toàn huyện có 158ha lúa, hơn 105ha ngô, rau màu bị ngập, 174ha ao, hồ nuôi trồng thuỷ sản, 47ha cây trồng ven sông bị nhấn chìm; 60 nhà bị ngập, 21 nhà bị cô lập về giao thông. Tính đến thời điểm 13h ngày 22/7, nước lũ đã rút khoảng 2m, hầu hết nhà dân không còn tình trạng ngập nước. 
Ảnh: Báo Phú Thọ
Tại huyện Tam Nông, mưa lũ cũng đã khiến 830 hộ dân tại các xã Tề Lễ, Quang Húc, Xuân Quang… phải di chuyển khẩn cấp, nhiều nhà bị ngập nước từ 1 - 3m; trên 150ha hoa màu bị thiệt hại. Đến sáng nay 22/7, nước lũ bắt đầu rút nhưng vẫn chậm, xã Quang Húc có 237 hộ bị ngập nước và vẫn có khoảng 30% số hộ nhà vẫn bị ngập do cống tiêu thoát chậm; xã Tề Lễ có 370 hộ vẫn đang bị ngập do nước rút chậm.

Tại các trụ sở UBND xã, trường học, trạm y tế, bưu điện… nước đã rút, các lực lượng công an, quân đội, dân quân tự vệ, công an xã, cán bộ xã… tập trung dọn dẹp, khắc phục. Hiện các địa phương đang tập trung tuyên truyền người dân khi lũ rút sớm dọn dẹp vệ sinh đồng thời huy động lực lượng để trợ giúp.

Tại huyện Yên Lập, mưa lũ đã khiến 80 hộ dân tại 3 thôn thuộc khu 12 của xã Ngọc Đồng bị cô lập. Sau khi nước rút, UBND huyện đã tổ chức thăm hỏi những gia đình bị thiệt hại do mưa lũ; chỉ đạo huy động các lực lượng hỗ trợ người dân dọn dẹp vệ sinh, chuyển đồ đạc về nơi ở cũ đảm bảo giúp người dân sớm ổn định cuộc sống; lực lượng y tế huyện triển khai các biện pháp tiêu độc khử trùng, đảm bảo vệ sinh môi trường sau mưa lũ. Đối với các tuyến đường giao thông bị sạt lở, triển khai các phương án, san gạt đất đá, đảm bảo giao thông thông suốt.

Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện Thanh Sơn, đến 13h ngày 22/7, toàn huyện bị thiệt hại: Ngập 3.509 hộ; 6 doanh nghiệp (ván bóc, xây dựng, chế biến và kinh doanh thịt chua) bị thiệt hại; về cơ sở hạ tầng, 10 điểm giao thông tại các xã Sơn Hùng, Địch Quả, Hương Cần, Yên Sơn, Tân Minh, Thượng Cửu; 5 trường học bị ngập úng hỏng hoàn toàn sách, tài liệu và trang thiết bị dạy học; đổ 150m tường rào Trạm Y tế xã Sơn Hùng… Ước tổng thiệt hại trên địa bàn huyện là 326,32 tỷ đồng.

Theo nhiều người dân thị trấn Thanh Sơn cho biết, khoảng 40 năm nay mới xảy ra tình trạng nước lên nhanh và mạnh như vậy, hầu như người dân không kịp sơ tán tài sản, nhiều diện tích của thị trấn Thanh Sơn ngập sâu khoảng 2m trong nước lũ.

Tại nhiều huyện thị khác trên địa bàn tỉnh, công tác khắc phục hậu quả mưa lũ vẫn đang được chính quyền địa phương phối hợp tích cực với các đoàn thể, tổ chức nhằm nhanh chóng ổn định đời sống người dân.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần