Nỗ lực vì sự hài lòng của người dân

Linh Chi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nằm khá xa trung tâm TP, công tác cải cách hành chính tại Phú Xuyên gặp khá nhiều khó khăn, nhất là về cơ sở vật chất, trang thiết bị hỗ trợ cán bộ, công chức (CBCC) và người dân trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC).

Song gần đây, việc giải quyết TTHC từ huyện đến xã đã được chú trọng rà soát, giúp ngày càng nâng cao sự hài lòng của tổ chức, công dân.
Nâng chất lượng từ bộ phận một cửa
Nhìn lại những năm trước, tại Phú Xuyên vẫn còn lãnh đạo một số phòng, ban, xã, thị trấn chưa chú trọng cải cách TTHC theo một cửa; thiếu chỉ đạo rà soát thủ tục, hồ sơ, thời gian giải quyết công việc cho người dân; thiếu kiểm tra việc phối hợp giải quyết hồ sơ giữa bộ phận một cửa (BPMC) với phòng chuyên môn; vẫn chậm trả kết quả... Đặc biệt, một số CBCC hạn chế hiểu biết về thủ tục, kỹ năng hành chính và cả cách giải thích cho công dân khi tiếp nhận hồ sơ, khiến họ đi lại nhiều lần.
 Người dân làm thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa xã Sơn Hà (huyện Phú Xuyên). Ảnh: Hữu Trường
Trong khi, kinh phí thực hiện một cửa ở huyện và xây trụ sở làm việc của BPMC chưa có sự đầu tư đồng bộ nên mỗi xã làm mỗi khác. Để khắc phục, đưa cải cách TTHC vào nền nếp, Trưởng phòng Nội vụ huyện Lê Thanh Hải cho hay: Từ huyện đến các xã, thị trấn đã bắt tay vào triển khai đồng bộ các giải pháp, bắt đầu từ BPMC. Năm qua, huyện đã đầu tư hơn 1 tỷ đồng nâng cấp BPMC đạt tiêu chuẩn hiện đại, tương đương BPMC các quận. BPMC xã, thị trấn cũng được quan tâm, trong đó 5 xã (Hồng Thái, Phúc Tiến, Phú Túc, Tri Trung, Quang Lãng) đầu tư tổng kinh phí gần 5 tỷ đồng sửa chữa, nâng cấp đảm bảo khang trang, đồng bộ. Cùng với đó, công tác tuyên truyền CCHC, nâng cao kỹ năng cho CBCC được đẩy mạnh; các cơ quan chuyên môn, xã, thị trấn đưa kết quả CCHC là một tiêu chí bình xét thi đua hàng năm...
Từ những giải pháp đồng bộ, năm qua, kết quả nổi bật là toàn huyện đã rút ngắn thời gian giải quyết cho 70% TTHC, tạo thuận lợi đáng kể cho công dân. Việc thực hiện các dịch vụ hành chính công, chất luợng giải quyết TTHC đuợc nâng lên rõ rệt. Bước đầu huyện xây dựng được hình ảnh chính quyền thân thiện qua việc trả kết quả một số TTHC tại nhà như đăng ký khai sinh, khai tử…
Xác định một TTHC dễ gây bức xúc cho người dân là cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, huyện cũng quyết liệt chỉ đạo Phòng TN&MT không nhận hồ sơ tại phòng chuyên môn mà trực tiếp tại BPMC để tránh quá hạn. Đồng thời, đã ra mắt mô hình thí điểm khu dân cư điện tử tại 3 thôn của xã Hồng Thái; một số xã tuyên truyền dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức 3 đến toàn bộ cán bộ, giáo viên, học sinh các thôn. Hoạt động nhóm “Zalo một cửa” được duy trì hiệu quả với gần 100 thành viên là CBCC BPMC huyện, 28 xã, thị trấn; công chức phụ trách CCHC 12 cơ quan huyện.
Tăng dịch vụ công trực tuyến
Để không ngừng gia tăng sự hài lòng của tổ chức, công dân, mới đây Phú Xuyên đã xây dựng bộ chỉ số CCHC của các cơ quan hành chính và UBND xã, thị trấn; khảo sát sự hài lòng của công dân về sự phục vụ của cơ quan hành chính. Huyện thuê đơn vị tư vấn độc lập có kinh nghiệm giúp khảo sát 8 nhóm DVC có phát sinh nhiều hồ sơ, giúp việc đánh giá khách quan, nhìn nhận đúng về mức độ hài lòng của người dân trên địa bàn.
Dù đạt kết quả tích cực, song theo nhiều CBCC huyện, do đặc thù huyện ngoại thành, việc sử dụng DVCTT trong giải quyết TTHC cấp huyện, xã đạt hiệu quả chưa cao, chính vì khả năng tiếp cận thông tin, trình độ và cả phương tiện máy móc ứng dụng CNTT của người dân hạn chế. Mặt khác, người dân vẫn quen giao dịch trực tiếp tại BPMC, bởi việc giải quyết TTHC đã nhanh gọn hơn, rút ngắn thời gian so với quy định. Do đó, để tăng sự đón nhận của người dân với các DVCTT, nhất là DVC mức 3 cấp xã, cùng với tăng cường các biện pháp tuyên truyền hiệu quả, huyện đề nghị TP đẩy mạnh hơn việc tuyên truyền đến người dân, đặc biệt qua zalo, facebook... Đồng thời, TP cần có cơ chế hỗ trợ đường truyền, phí dịch vụ internet, 3G khi người dân sử dụng DVC mức 3…