Nỗ lực vực dậy kinh tế Mỹ, FED cam kết kéo dài chính sách siêu nới lỏng tiền tệ

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giới lãnh đạo FED nhất trí kéo dài việc duy trì lãi suất thấp kỷ lục và đã gạt bỏ thông lệ nâng lãi suất trước để phòng rủi ro vốn được duy trì trong 3 thập kỷ qua nhằm hỗ trợ thị trường lao động và nền kinh tế.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cam kết sử dụng toàn bộ các công cụ chính sách cần thiết để hỗ trợ cho quá trình phục hồi của kinh tế Mỹ, đồng thời khẳng định sẽ vẫn tiếp tục mua trái phiếu Mỹ và chứng khoán đảm bảo bằng tài sản ít nhất ở tốc độ hiện tại nhằm duy trì sự hoạt động ổn định của thị trường. 
Kết thúc cuộc họp chính sách kéo dài 2 ngày (ngày 15 - 16/9/2020), Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) - cơ quan lập chính sách của FED cho biết giữ nguyên lãi suất ở mức 0 - 0,25% và đưa ra một lời hứa táo bạo giữ mức lãi suất đó ít nhất là đến năm 2023.
Mức lãi suất này sẽ được duy trì cho đến khi lạm phát tăng liên tục, trên đà “vượt mức trung bình” mục tiêu 2%. Đây là tuyên bố mới nhất được FED đưa ra trong một nỗ lực nhằm thúc đẩy nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ trở lại sau cuộc suy thoái do đại dịch Covid-19 gây ra.
 Chủ tịch FED Jerome Powell phát biểu tại cuộc họp báo hôm 16/9.
Hướng dẫn mới nhất cũng là lần cập nhật chính sách tiền tệ đầu tiên của FED sau khi thông báo thay đổi chiến lược hồi tháng 8. Theo đó, FED sẽ tối ưu hóa thị trường lao động và kiểm soát lạm phát theo mục tiêu trung bình 2% (tức là thời kỳ lạm phát quá thấp sẽ được bù đắp bằng giai đoạn lạm phát lên trên 2%).
Phát biểu với báo chí sau khi kết thúc cuộc họp chính sách tháng 9, Chủ tịch FED Jerome Powell cho biết, chính sách và dự báo kinh tế mới nhất của ngân hàng trung ương sẽ tiếp tục duy trì mức độ phù hợp cao cho đến khi nền kinh tế phục hồi. Ông Powell lưu ý rằng sự phục hồi kinh tế đang diễn ra, nhưng tốc độ dự kiến ​​sẽ chậm lại, cần sự hỗ trợ tiếp tục từ FED và từ chi tiêu chính phủ hơn nữa.
Không những thế, cũng trong phiên họp FED cam kết hỗ trợ thêm cho nền kinh tế Mỹ đang đối mặt với sự hồi phục không đồng đều từ dịch Covid-19. FED nhấn mạnh sẽ tiếp tục mua trái phiếu Chính phủ Mỹ (khoảng 80 tỷ USD/tháng) và chứng khoán đảm bảo bằng khoản thế chấp “ít nhất là ở nhịp độ hiện tại để duy trì sự vận hành suôn sẻ của thị trường” (40 tỷ USD/tháng).
Các động thái mới nhất của FED nhằm đối phó với 2 thách thức lớn. Đại dịch Covid-19 tiếp tục đe dọa nền kinh tế trong ngắn hạn, khiến hàng triệu người mất việc làm. Vì vậy, chính sách của FED được kỳ vọng sẽ là “chìa khóa” để khôi phục tăng trưởng và thị trường lao động vững mạnh. Một vấn đề dài hạn là tập trung vào lạm phát và lãi suất, vốn đã giảm xuống thấp hơn, đe dọa kinh tế trì trệ. Các quan chức FED đang hy vọng rằng thời gian kéo dài của lãi suất thấp sẽ thúc đẩy nhu cầu và nâng giá.
Nhà kinh tế học Roberto Perli tại Cornerstone Macro nhận xét rằng thông báo này đã hệ thống hóa một sự thay đổi có ý nghĩa đối với cách tiếp cận của FED. “Điều làm tôi ngạc nhiên là mức lạm phát họ đặt ra để tăng lãi suất. Thông điệp rất rõ ràng: FED muốn tối đa hóa việc làm và lạm phát tăng tốt hơn hoặc không tăng lãi suất trong thời gian dài” - nhà kinh tế Perli cho biết.
Theo đánh giá của giới chuyên gia tài chính, chính sách mới của FED là thông tin tích cực đối với thị trường Phố Wall. Chính sách siêu nới lỏng cùng tham vọng vực dậy vững chắc nền kinh tế lớn nhất thế giới khiến giá cổ phiếu Mỹ được dự báo còn tăng tiếp và có thể lập các mức tăng kỷ lục mới.