Nỗ lực xóa “vùng trắng” nước sạch nông thôn

Vũ Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù nhu cầu dùng nước sinh hoạt tại Hà Nội ngày càng gia tăng nhưng việc cung cấp nước sạch vẫn đang còn nhiều vấn đề đặt ra, đặc biệt với khu vực nông thôn.

Còn nhiều khó khăn
Đại diện Ban Duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị (Sở Xây dựng Hà Nội) cho biết, đến hết tháng 5/2018, tỷ lệ người dân nông thôn được tiếp cận với nguồn nước sạch tại Hà Nội đã được nâng lên gần 52%. Tuy nhiên, chất lượng nước sạch nông thôn không đồng đều, nước sau xử lý của nhiều nhà máy còn chưa đạt theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế.

Lý giải về vấn đề này, các chuyên gia môi trường cho rằng, nguyên nhân do nhiều trạm cấp nước nông thôn được xây dựng từ lâu, thiết kế trạm đầu mối của các trạm cấp nước lạc hậu; công tác duy tu, duy trì trạm xử lý và đường ống không được quan tâm thực hiện thường xuyên dẫn đến công trình nhanh xuống cấp… Bên cạnh đó, ở nhiều nơi, trạm cấp nước sạch phải sử dụng nguồn nước mặt bị ô nhiễm. Ví như 3 công trình cấp nước tại các xã Lê Thanh, Vạn Kim và Hùng Tiến của huyện Mỹ Đức, lấy từ nguồn nước mặt sông Đáy nhưng hiện chưa đảm bảo chất lượng. Trạm cấp nước thị trấn Đại Nghĩa được xây dựng với tổng kinh phí 40 tỷ đồng, song nhiều hộ dân chưa dám dùng nước vì còn lo ngại do lấy từ nguồn nước mặt sông Đáy.
 Xây dựng đường ống nước sạch tại huyện Hoài Đức. Ảnh: Vũ Lê
Hiện một số xã, thị trấn thuộc huyện Thanh Trì, Đông Anh, Gia Lâm, Sóc Sơn… được cung cấp nước từ hệ thống cấp nước tập trung của TP, nhưng phạm vi, lưu lượng còn hạn chế. Một số huyện như Phúc Thọ, Sóc Sơn, Thạch Thất, Hoài Đức, Quốc Oai, Gia Lâm… tỷ lệ người dân dùng nước tự nhiên để phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày còn khá phổ biến. Bà Nguyễn Thị Hải - Trưởng thôn 7, xã Đông Dư, huyện Gia Lâm cho biết: “Mấy chục năm qua, 520 hộ dân, với gần 1.600 nhân khẩu của thôn vẫn sử dụng nguồn nước giếng khoan cho sinh hoạt, từ ăn uống đến tắm giặt. Biết là không bảo đảm vệ sinh nhưng người dân vẫn phải sử dụng vì không có nguồn nước nào khác do đường ống cấp nước sạch chưa vươn tới được thôn 7”.

Ngày 11/6/2018, UBND TP Hà Nội ban hành Kế hoạch 131/KH-UBND, về triển khai các nhiệm vụ cụ thể trong phát triển hệ thống nước sạch trên địa bàn TP đến năm 2020, với mục tiêu 100% người dân khu vực đô thị và nông thôn đều được tiếp cận sử dụng nước sạch cùng tiêu chuẩn. Trong đó, tập trung đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án đang triển khai thực hiện, hoàn thành trong năm 2018 (4 dự án), tăng công suất thêm: 335.000m3/ngày, đêm; Các dự án hoàn thành giai đoạn 2019 - 2020 (7 dự án), tăng công suất thêm: 1.015.000m3/ngày, đêm.

Quy hoạch lại hệ thống cấp nước

Trước thực trạng trên, việc phải tính toán lại nhu cầu dùng và điều chỉnh các phương án cấp nước sạch, nhanh chóng đổi mới công tác quản lý, đầu tư vào lĩnh vực này để đến năm 2020, đạt mục tiêu 95 - 100% người dân khu vực nông thôn được tiếp cận sử dụng nước sạch đang là trọng tâm được các cấp, ngành, chính quyền TP Hà Nội tập trung thực hiện.

Thời gian qua, TP đã thực hiện nhiều chính sách ưu đãi nhằm chủ trương xã hội hóa cấp nước nông thôn, hỗ trợ đối với các dự án đầu tư xây dựng mới, nâng cấp các công trình cấp nước sạch tập trung. Đến nay, TP đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho 23 nhà đầu tư thực hiện 34 dự án với phạm vi cấp nước cho 267 xã, 614.347 hộ với 2.483.389 người. Các dự án tiêu biểu như Dự án phát triển mạng lưới phân phối nước sạch cho các xã thuộc huyện Sóc Sơn (18 xã), Đông Anh (9 xã), Gia Lâm (5 xã); Dự án đầu tư phát triển mạng lưới phân phối nước sạch cho các xã thuộc huyện Thường Tín (26 xã), Mỹ Đức (20 xã), Ứng Hòa (27 xã), Thanh Oai (17 xã); Dự án Nối mạng, cấp nước 15 xã, thị trấn huyện Hoài Đức; Dự án cấp nước cho 28 đơn vị hành chính huyện Phú Xuyên...

Hiện nay, TP tiếp tục hoàn thành việc đấu nối, cấp nước sạch cho thêm 61.000 hộ với khoảng 244.000 người, phấn đấu nâng tỷ lệ cấp nước sạch khu vực nông thôn vào cuối năm 2018 lên 55%. Tuy nhiên, theo đánh giá của Công ty CP Nước và Môi trường Việt Nam, các tuyến ống được đầu tư tuân thủ theo Quy hoạch cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn TP Hà Nội của Bộ Xây dựng, một số tuyến chưa tuân thủ quy hoạch. Do đó, để đạt mục tiêu xóa “vùng trắng” nước sạch nông thôn, TP Hà Nội cần nghiên cứu quy hoạch phát triển hệ thống cấp nước nông thôn nối mạng từ nguồn cấp nước tập trung của đô thị, nghiên cứu chuyển đổi mô hình quản lý các trạm cấp nước để các công trình cấp nước sạch nông thôn phát huy hiệu quả.