Nợ thuế khó đòi tăng 10,6%

Đinh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dù thực hiện nhiều giải pháp mạnh như tăng cường đôn đốc, cưỡng chế thu hồi nợ thuế nhưng tổng số tiền thuế nợ của 63 cục thuế tính đến thời điểm 30/9/2018 vẫn tăng gần 10.000 tỷ đồng. Nợ không có khả năng thu hồi cũng tăng “khủng” với mức tăng gần 35.000 tỷ đồng.

 Ảnh minh họa
Thông tin từ Tổng cục Thuế, trong 9 tháng năm 2018, cơ quan này đã tổ chức rà soát, phân loại nợ, tuổi nợ; áp dụng các biện pháp cưỡng chế và công khai thông tin nợ thuế; tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương trong công tác đôn đốc thu hồi nợ thuế. Theo đó, đến thời điểm 30/9, cơ quan thuế đã thực hiện các biện pháp đôn đốc thu nợ và đã thu được 25.382 tỷ đồng tiền thuế nợ, bằng 60,9% nợ đến 90 ngày và trên 90 ngày tại thời điểm 31/12/2017. Trong số này, cơ quan thuế đã thu bằng biện pháp quản lý nợ là 17.079 tỷ đồng, bằng biện pháp cưỡng chế nợ thuế là 8.303 tỷ đồng.
Đáng chú ý, số tiền nợ thuế, đặc biệt là nợ khó đòi tăng mạnh. Tổng số tiền thuế nợ của 63 cục thuế ước tính đến thời điểm 30/9 là 82.961 tỷ đồng, tăng 9.817 tỷ đồng (tăng 13,4%) so với thời điểm 31/12/2017. Trong đó, nợ tiền thuế đến 90 ngày và trên 90 ngày là 48.019 tỷ đồng (tăng 15,1% so với 31/12/2017; nợ không có khả năng thu hồi là 34.942 tỷ đồng (tăng 10,6%).

Trước đó, đại diện Tổng cục Thuế cho biết, để bảo đảm thu số tiền nợ thuế mới phát sinh và giảm số thuế nợ đọng, hoàn thành chỉ tiêu thu hồi nợ thuế được cấp có thẩm quyền đã giao, Tổng cục Thuế đã có công văn chỉ đạo các cục thuế địa phương tăng cường đôn đốc, cưỡng chế thu hồi nợ thuế. Để đạt được mục tiêu trên, Tổng cục Thuế yêu cầu các cục thuế chủ động tham mưu với UBND cùng cấp, chỉ đạo các ngành trên địa bàn phối hợp với cơ quan thuế duy trì các tổ liên ngành thu hồi nợ đọng; tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về nợ thuế để nâng cao tính tuân thủ, khuyến khích tính tự nguyện, tự giác của người nộp thuế trong việc thực hiện nghĩa vụ nộp thuế, qua đó làm giảm nợ cũ và không để nợ thuế mới phát sinh thêm.