Nơi an toàn nhất với trẻ lại là nơi dễ xảy ra xâm hại, cần đánh giá hiệu quả thực chất đề án về trẻ em

Như Hương-Công Thọ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tham gia thảo luận tại phiên làm việc sáng nay (27/5) về giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em, đại biểu Trần Thị Hiền (Đoàn Hà Nam) nêu: “Những nơi thật sự an toàn nhất đối với trẻ em như gia đình, trường học, cơ sở bảo trợ xã hội… lại là những nơi có nguy cơ xâm hại trẻ em xảy ra, sự suy bại về đạo đức xã hội đến cùng cực khi bố đẻ xâm hại con ruột, bố dượng xâm hại con riêng của vợ…”

Đại biểu Trần Thị Hiền đánh giá cao Báo cáo kết quả giám sát chi tiết và các phụ lục kèm theo mà Đoàn giám sát của Quốc hội đã gửi đến các đại biểu Quốc hội. 
Khẳng định các kết quả này là công sức, trách nhiệm và tâm huyết của Đoàn giám sát trong việc phúc đáp sự quan tâm của cử tri cả nước, đại biểu Trần Thị Hiền cũng chia sẻ nhiều cảm xúc khi đọc những thông tin, số liệu mang tính cảnh báo nghiêm trọng như: năm 2019, số trẻ em bị xâm hại tăng đột biến, xâm hại tình dục chiếm 75,38% tổng số vụ xâm hại trẻ em, một số địa phương tỷ lệ này chiếm trên 90%; TP Hồ Chí Minh và Hà Nội là 2 trong nhiều địa phương có số trẻ em bị xâm hại nhiều nhất trên cả nước. Và rất đau xót khi Hà Nội là địa phương có số trẻ em xâm hại dẫn đến tử vong cao nhất 12 em, TP Hồ Chí Minh dẫn đầu về số trẻ em mang thai do xâm hại tình dục là 86 em.
 Quốc hội Thảo luận trực tuyến về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em.
“Những nơi thật sự an toàn nhất đối với trẻ em như gia đình, trường học, cơ sở bảo trợ xã hội… lại là những nơi có nguy cơ xâm hại trẻ em xảy ra, sự suy bại về đạo đức xã hội đến cùng cực khi bố đẻ xâm hại con ruột, bố dượng xâm hại con riêng của vợ…”, đại biểu Trần Thị Hiền nói.
Đây là lần đầu tiên Quốc hội giám sát về chủ đề có tính chuyên môn sâu và hoàn toàn không dễ dàng để thu thập thông tin, số liệu. Song đại biểu Trần Thị Hiền cũng cho rằng, trong đợt giám sát này, có những lý do khách quan còn những vấn đề nói ra nhưng chưa có điều kiện để làm rõ. Đại biểu Trần Thị Hiền cũng đề cập 3 nội dung lớn liên quan đến chuyên đề giám sát của Quốc hội:

Một là, số liệu thống kê, đại biểu Trần Thị Hiền bày tỏ đồng tình và day dứt với kết luận của Đoàn giám sát nêu tại cuối trang 3. Qua giám sát cho thấy còn nhiều trường hợp trẻ em bị xâm hại nhưng chưa phát hiện kịp thời, đầy đủ để xử lý, nhất là những hành vi gây tổn hại về thể chất, tinh thần cho trẻ em.

Mặt khác công tác theo dõi, thống kê số trẻ em bị xâm hại chưa được quan tâm đúng mức điều này dẫn đến số vụ xâm hại trẻ em bị phát hiện xử lý nghiêm như trong báo cáo chưa phản ánh đầy đủ tình hình trẻ em bị xâm hại trên thực tế. Như vậy chúng ta hiểu rằng, còn tồn tại trong số liệu thống kê về xâm hại trẻ em và thực tế trong nội dung giám sát không có kiểu thống kê nào phản ánh tình hình xâm hại trẻ em trên toàn bộ 63 tỉnh, thành phố.

Nguyên nhân trực tiếp, theo đại biểu Trần Thị Hiền là công tác đấu tranh, quản lý số liệu về vấn đề này chưa được quan tâm, mà không xa là các cơ quan có thẩm quyền chưa ban hành đồng bộ chỉ tiêu thống kê về xâm hại trẻ em mặc dù nhiệm vụ này đã được xác định trong chương trình bảo vệ trẻ em giai đoạn 2011 – 2020.

“Tôi ủng hộ đưa vào dự thảo Nghị quyết của Quốc hội nội dung yêu cầu Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phải hoàn thành chỉ tiêu thống kê về xâm hại trẻ em trong năm 2020 làm nền tảng xây dựng văn hóa quản lý dựa trên số liệu”, đại biểu Trần Thị Hiền nhấn mạnh.

Hai là, kinh phí và hiệu quả sử dụng kinh phí trong công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, theo đại biểu Trần Thị Hiền, có thể khẳng định, Nhà nước quan tâm bố trí ngân sách, bên cạnh đó là sự ủng hộ của Nhân dân, các viện trợ quốc tế không nhỏ, với khoảng gần 600 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương, 4.300 tỷ đồng từ ngân sách địa phương và hàng trăm tỷ đồng viện trợ bằng nguồn vốn hỗ trợ khác. Tuy nhiên, điều đáng quan tâm là số liệu này Bộ Tài chính cũng chỉ tổng hợp được từ báo cáo của 39/63 tỉnh, thành phố. 24 địa phương còn lại không biết có báo cáo hay không, có bố trí ngân sách cho hoạt động chăm sóc, bảo vệ trẻ em hay không?

Đại biểu Trần Thị Hiền chỉ ra vấn đề đáng quan tâm trong chấp hành ngân sách là việc sử dụng kinh phí lồng ghép theo các chương trình, đề án thuộc thẩm quyền phân bổ của địa phương. “Nếu không xác định được đây là nhiệm vụ được ưu tiên thì địa phương sẽ không phân bổ hoặc sử dụng nguồn kinh phí này cho những nhiệm vụ ưu tiên khác. Ví dụ chương trình bảo vệ trẻ em giai đoạn 2016 – 2020 thì đến giữa kỳ mới được bố trí kinh phí. Do vậy, có thể hiểu số lượng 24 tỉnh, thành phố không có báo cáo về sử dụng kinh phí cũng có nghĩa công tác này chưa được quan tâm ở đây”, đại biểu Trần Thị Hiền nói.

Vấn đề thứ ba, theo đại biểu Trần Thị Hiền, chưa được đề cập trong các báo cáo là trong giai đoạn 2016 – 2020 đã có nhiều chương trình hành động liên quan đến bảo vệ trẻ em với nhiều chỉ tiêu cụ thể. Ví dụ chương trình hành động quốc gia về trẻ em giai đoạn 2012 – 2020 theo Quyết định 155 đề ra chỉ tiêu số trẻ em bị bạo lực giảm 20% vào năm 2015, giảm 40% vào năm 2020; chương trình quốc gia về bảo vệ trẻ em 2016 – 2020 theo Quyết định 2361 đề ra mục tiêu tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt chiếm 5% trong tổng số trẻ em, giảm tỷ lệ gia tăng số trẻ em bị xâm hại, 90% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp, chăm sóc để phục hồi, hòa nhập cộng đồng và có cơ hội phát triển…

“Cần đánh giá việc thực hiện các chỉ tiêu, mục tiêu của những chương trình, đề án đạt đến đâu, từ đó đặt ra vấn đề xa hơn là xem chỉ tiêu, mục tiêu nào có ý nghĩa, có nên triển khai nhiều chương trình, đề án trong một giai đoạn khi nguồn lực tài chính còn hạn chế hay không?”, đại biểu Trần Thị Hiền đặt câu hỏi.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần