Nỗi buồn gạo Việt

Tùng Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Liên tục nằm trong Top 3 các quốc gia xuất khẩu gạo nhiều nhất thế giới, nhưng giá trị xuất khẩu gạo của Việt Nam lại có chiều hướng sụt giảm do chất lượng thua kém các quốc gia có cùng thế mạnh.

Tại Hội nghị Thương mại Gạo Quốc tế tại Philippines vừa kết thúc ngày 13/11, lần đầu tiên sau 10 năm, gạo Việt có một sản phẩm giành ngôi vị quán quân tại Cuộc thi The World’s Best Rice (tạm dịch là: Gạo ngon nhất thế giới).
Sau khi đón nhận tin vui này, nhiều người có lẽ sẽ không khỏi suy ngẫm khi nhìn vào thực tế của gạo Việt. Trong suốt 10 năm qua, gạo Việt chưa một lần khẳng định được vị thế của quốc gia xuất khẩu gạo Top 3 thế giới, chưa một lần vượt qua gạo của Thái Lan, Ấn Độ, Mỹ và Campuchia trong những cuộc thi về gạo chất lượng.
 Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet.
Việt Nam có quyền tự hào khi từ đầu năm 2019 đến nay, sản lượng gạo xuất khẩu đến hầu hết các thị trường như: Philippines, Australia, Hồng Kông, Bờ Biển Ngà, Tanzania… đều tăng mạnh. Thị trường xuất khẩu cũng liên tục được mở rộng và hiện đã lên tới 150 quốc gia, vùng lãnh thổ. Trung bình mỗi năm, Việt Nam xuất khẩu từ 5 – 7 triệu tấn gạo.
Tính riêng 10 tháng năm 2019, tổng sản lượng gạo xuất khẩu tăng 6,1%. Nhưng phía sau những thống kê đầy màu hồng đó, là thực tế về việc giá trị xuất khẩu của gạo Việt giảm đến 9,1% so với cùng kỳ năm 2018. Gạo Việt cũng chưa tiếp cận được những thị trường lớn như Trung Quốc, và khó tính điển hình là châu Âu.
Trong khi giá trị của gạo Việt suy giảm, thì quốc gia láng giềng Campuchia lại đang có những bứt phá được xem là thần tốc. Campuchia đã lọt Top 5 nước được phép xuất khẩu gạo vào châu Âu (sau Mỹ, Ấn Độ, Pakistan và Thái Lan). Sản lượng gạo xuất khẩu của Campuchia chỉ bằng 1/10 so với Việt Nam, nhưng về khía cạnh chất lượng thì gạo Việt lại… “không có cửa” khi đặt cạnh gạo Campuchia.
Yếu tố quan trọng nhất để gạo Campuchia chiếm lĩnh được những thị trường khó tính như châu Âu chính là chất lượng vượt trội. Một chuyên gia trong ngành lúa gạo nước này từng tiết lộ, Campuchia đặc biệt chú trọng sản xuất gạo hữu cơ và gạo sạch theo tiêu chuẩn bền vững. Điều mà ngành nông nghiệp Việt Nam dù đang rất nỗ lực, nhưng vẫn chưa đạt kỳ vọng.
Câu chuyện của lúa gạo hiển nhiên để lại nhiều suy ngẫm. Mục tiêu cốt lõi của xuất khẩu là giá trị kinh tế. Nếu có thể xuất khẩu ít nhưng giá trị mang lại lớn, có lẽ sẽ tốt hơn là phải đổ nhiều mồ hôi công sức, sử dụng nhiều tư liệu sản xuất (đất đai), tạo ra sản lượng lớn cho xuất khẩu, nhưng giá trị thu về lại… chẳng bao nhiêu. Điều này đòi hỏi ngành nông nghiệp cần phải thay đổi.
Lãnh đạo Bộ NN&PTNT mới đây thừa nhận, không chỉ ngành lúa gạo mà nhiều nông sản trong nước cũng đang gặp khó khăn về thị trường. Về lâu dài, cạnh tranh sẽ căng thẳng hơn, và thách thức sẽ lớn hơn. Cùng với thúc đẩy xuất khẩu sang các thị trường Trung Quốc và Trung Đông, châu Phi, cần tổ chức lại sản xuất để đảm bảo các nông sản có chất lượng và khả năng cung ứng tốt.
Rõ ràng, chỉ có thay đổi mới giúp nông sản Việt đứng vững và cạnh tranh sòng phẳng với các quốc gia khác. và quan trọng hơn là góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người nông dân.