Nỗi buồn sau những… tiếng cười

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời điểm này, các nhà sản xuất đã ồ ạt tung ra thị trường những đĩa hài được cho là "đặc sắc" cho năm mới. Nhưng sau bao hứa hẹn, mong đợi, các sản phẩm cười của mùa Tết năm nay vẫn chẳng có gì hơn kiểu cách cũ là "nhảm" và nhạt", mà còn chứa đựng lời thoại dung tục, quảng cáo lấn át… khiến người xem ức chế.

“Mâm cỗ” khó thưởng thức

"Mâm cỗ" hài bày ra trước mắt công chúng năm nay thịnh soạn hơn hẳn những năm trước với cả chục "món": "Làng ế vợ", "Mèo nào cắn mỉu nào", "Sinh nghề tử nghiệp", "Đại gia chân đất 4", "Tết lo phết", "Chôn nhời", "Tết để yêu thương", "Thị Hến kén chồng"… Thế nhưng, khi thưởng thức những "món" ấy, nhiều người không thể "nuốt" được vì gia vị nhạt và quá nhiều sạn.

Mặc dù đưa vào vấn đề thời sự nạn lừa bán phụ nữ qua biên giới, nhưng "Làng ế vợ" vẫn không thoát ra được những câu chuyện cũ sau lũy tre làng. Người xem cũng không khó để đọc ra những chiêu trò cũ với mô típ chọc cười không mới trong "Sinh nghề tử nghiệp". Các "món" còn lại cũng không có "chiêu" gì hơn ngoài chế nhạc, say rượu, sợ vợ... Những "gia vị" gây cười chủ yếu vẫn là tán gái, giả gái. Đáng buồn hơn, nhiều tiểu phẩm có những lời thoại hơi phản cảm. Bà Đỗ Thị Lan (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) bức xúc: "Tôi rất "sốc" với những câu thoại trong các đĩa hài Tết năm nay, rất ức chế khi nghe những lời lẽ như: "Bố mày", "con chó", "bỏ mẹ"... Ngày trước, xem xong một tiểu phẩm hài, có khi hàng tiếng sau mới ngẫm ra và cười phá lên, thì nay hài tục tĩu như thế. Nói chung, vẫn chỉ có chương trình "Táo quân" của Đài Truyền hình Việt Nam phát đêm Giao thừa là hay". Ngay cả những tiểu phẩm có sự tham gia của các danh hài, diễn viên nổi tiếng, thì những câu thơ được dùng để "chọc cười" cũng không khỏi… thô như: "Xóm Đình có mỗi em Hồng/Trông thì khỏe mạnh, nhưng... mông không tròn"; "Con chim là phải có lông/Làm người là phải có chồng mới vui"…

 
Hình ảnh trong đĩa hài “Làng ế vợ”.
Hình ảnh trong đĩa hài “Làng ế vợ”.

“Lỗ hổng” kiểm duyệt?

Không kém phần phản cảm là sự chen ngang một cách vô lối của quảng cáo. Gây ức chế nhiều nhất là một đĩa hài ngay khi mở ra, chưa hề thấy hình ảnh phim đã thấy đoạn quảng cáo sản phẩm; lại thêm 3 - 5 phút quảng cáo riêng cho sản phẩm này trong suốt bộ phim. Nhà sản xuất cũng không quên cho quảng cáo bằng chữ chạy chậm phía dưới màn hình để… thu lời. Ngoài ra, hai bên phải, trái, phía góc màn hình cũng được tận dụng để treo logo của một vài nhãn hàng.

Vẫn biết kinh tế khó khăn, tình trạng in sao đĩa lậu nhiều, nên lợi nhuận của nhà sản xuất băng đĩa cũng bị ảnh hưởng. Như tâm sự của đạo diễn Trần Bình Trọng, "cha đẻ" của loạt phim hài "Đại gia chân đất": Những "mùa" trước không quá quan trọng việc kêu gọi tài trợ hay làm quảng cáo, nhưng năm nay khó khăn quá nên ngoài những đơn vị thường xuyên đồng hành, phải kêu gọi thêm. Tuy nhiên, đó không phải là lời giải thích xác đáng cho việc làm cẩu thả và lộ liễu như kiểu hàng loạt quảng cáo thạch rau câu, quần áo, đồ điện máy, thực phẩm chức năng, thuốc… trong "Làng ế vợ" chẳng khác gì "lừa" khán giả, vì họ mua đĩa hài chứ không phải mua đĩa để xem quảng cáo.

Nhiều nghệ sĩ cho rằng, để ngăn chặn tình trạng những đĩa hài có chất lượng không đảm bảo, chứa đựng nhiều ngôn ngữ thô tục, nhiều quảng cáo… cần phải xem xét trách nhiệm ở các cơ quan kiểm duyệt. NSƯT Thanh Ngoan - Giám đốc Nhà hát Chèo Hà Nội cho rằng, đĩa hài có tác động rất lớn đến đời sống tinh thần của người dân. Nếu hài mà chỉ dùng ngôn từ bậy bạ sẽ đặc biệt nguy hiểm khi làm ảnh hưởng đến các cháu thiếu nhi, gieo cho chúng những ngôn từ kém thẩm mỹ. Về vấn đề này, ông Nguyễn Đăng Chương - Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, phân tích: Hiện đĩa lậu được bày bán khắp nơi, phải kiểm tra xem các đĩa đó đã có tem nhãn chưa, có đúng là đĩa "xịn" không hay chỉ là đĩa lậu. Nếu là đĩa lậu thì việc kiểm soát các sản phẩm nghe nhìn này thuộc trách nhiệm của Thanh tra Bộ VHTT&DL và các Sở VHTT&DL". 

Như thế có thể thấy có một "lỗ hổng" trong khâu kiểm duyệt đĩa hài Tết, dẫn đến tình trạng nhiều sản phẩm kém chất lượng vẫn được tung ra thị trường.

 

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần