Nói chúng tôi đồng thuận lấp hồ là “đánh tráo khái niệm”

Vân Hằng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đó là lời khẳng định của ông Nguyễn Văn Chiến - Tổ trưởng tổ dân phố 33, khu tập thể Thành Công, quận Ba Đình trước việc Công ty CP Đầu tư và Phát triển Đô thị Việt Hưng (Vihajico) công bố có khoảng 91% người dân đồng ý lấp 1ha hồ Thành Công.

Nói chúng tôi đồng thuận lấp hồ là “đánh tráo khái niệm” - Ảnh 1
Hồ Thành Công với diện tích mặt nước khoảng 6ha.

Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, đại đa số người dân khu tập thể Thành Công đều thể hiện quan điểm không đồng tình trước đề xuất “lấp 1ha, trả 1ha hồ Thành Công” của Vihajico. Theo ông Nguyễn Văn Chiến - Tổ trưởng tổ dân phố 33, khu tập thể Thành Công, quận Ba Đình, để dân tin vào ý đồ lấp hồ, đào hồ của Việt Hưng là không có cơ sở.

Đặc biệt, người dân đã bị mất lòng tin với dự án nhà hàng Lộc Việt (hướng ra đường Huỳnh Thúc Kháng). Trước đây, diện tích này được hứa hẹn xây dựng khu trung tâm dịch vụ cho bà con sinh hoạt nhưng cuối cùng lại hóa thành… nhà hàng. Bây giờ lại tiếp tục có dư luận lấp hồ và hoàn trả đầy đủ diện tích mặt nước ở địa điểm khác thì dân khó tin. Lấp hồ thì dễ nhưng đào lại hồ vô cùng khó khăn. Hồ lấp đi làm nhà rất tiện, lúc này chỉ cần hút nước là xây được. Tuy nhiên, đào lại 1ha hồ thì đào ở đâu và đào ra sao? Đào lem nhem rồi để đó, tập trung xây nhà cao tầng (ít nhất 24 tầng) thì lúc này “sự đã rồi”, dân biết kêu ai?

"Thực tế, chúng tôi chỉ đồng thuận làm phiếu điều tra xã hội học phục vụ lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 khu vực Thành Công để thực hiện cải tạo, xây dựng lại các khu chung cư cũ trên địa bàn TP Hà Nội do Việt Hưng tổ chức. Trong phiếu không có một câu chữ nào bàn về việc lấp hồ", bà Nguyễn Trà Vinh, tầng 1 nhà A1 tập thể Thành Công cung cấp thông tin.

Hồ Thành Công vốn dĩ rất đẹp, không chỉ của người dân Thành Công mà là của toàn bộ khu vực Ba Đình, Đống Đa. Bây giờ, Hà Nội đang khuyến khích phát triển mặt nước, cây xanh mà lại đi lấp hồ thì trái ngược hoàn toàn với tinh thần tốt đẹp.

Nói chúng tôi đồng thuận lấp hồ là “đánh tráo khái niệm” - Ảnh 2
Phiếu điều tra xã hội học phục vụ lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 khu vực Thành Công để thực hiện cải tạo, xây dựng lại các khu chung cư cũ trên địa bàn Hà Nội không hề bàn đến chuyện “lấp hồ”.
Người dân khu tập thể Thành Công đồng ý đến 80% về việc trong quá trình cải tạo sẽ nhận tiền đi thuê chỗ khác sinh sống. "Sau khi xây xong, họ mới trở về tái định cư ngay tại mảnh đất này. Vậy, xây khu tái định cư tại chỗ ở gần hồ để làm gì nữa? Phải chăng làm nhà tái định cư là cách làm để chủ đầu tư chiếm đất xây công trình cao tầng? Người dân tạm cư xong trở về nhà mới thì đương nhiên tòa nhà 24 tầng đó thuộc về chủ đầu tư là không bàn cãi, lợi ích kinh tế là quá rõ ràng. Không thể chối cãi nhà đầu tư có toan tính khu đất ở view hồ, việc lấp hồ làm tái định cư chỉ là cái cớ “tốt đẹp” mà thôi...", người dân phường Thành Công đặt ra nghi vấn.
Cũng bày tỏ sự thiếu tin tưởng vào lời hứa trả đủ 1ha diện tích mặt hồ từ phía DN, bà Nguyễn Thị Minh Tâm (Tổ trưởng Tổ dân phố số 32, phường Thành Công) cho biết: “Trong khảo sát thực tế chủ đầu tư chỉ tham khảo nhu cầu của người dân có đồng ý với phương án cải tạo lại hay không, nhu cầu về nhà ở như thế nào, diện tích ra sao? Tuy nhiên, thông tin về việc lấp hồ tôi mới nghe qua các phương tiện thông tin truyền thông, vì vậy cũng rất ngạc nhiên”.
“Băn khoăn chung của chúng tôi là DN lấp hồ để xây nhà thì bao giờ mới bù lại được diện tích hồ đó. Hay họ làm xong rồi thôi, vì thực tế rất nhiều dự án hứa nhưng không làm. Người dân cũng chỉ nêu ý kiến như vậy, còn vấn đề chính vẫn là ở phía chính quyền thành phố và những người có trách nhiệm”, bà Tâm nêu ý kiến.
Trao đổi nhanh với phóng viên, ông Nguyễn Huy Toản - Chủ tịch UBND phường Thành Công (quận Ba Đình) cho biết, UBND phường chưa nhận được thông tin gì từ TP Hà Nội hay UBND quận Ba Đình, cũng chưa được nghe chủ đầu tư báo cáo gì. “Về quan điểm cá nhân, tôi không ủng hộ chuyện lấp hồ. Tuy nhiên, dưới góc độ của cấp phường, việc lấp hồ làm khu tái định cư là việc lớn, vượt quá thẩm quyền của phường, quận. Tôi khẳng định, đây chỉ là ý kiến đơn phương của DN và chưa hề có sự bàn bạc trước với địa phương. Đây mới chỉ là một ý kiến đề xuất, chưa nói lên điều gì. Nếu đề xuất xong, các chuyên gia có ý kiến mới trình lên các cấp có thẩm quyền. Sau đó, mới ra kết luận cuối cùng”, ông Toản nhấn mạnh.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần