Nỗi đau ở lại

Nhật Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Gần chục năm trước, xã hội rúng động với vụ thảm sát tại tiệm vàng Ngọc Bích khi sát thủ Lê Văn Luyện vì cướp tài sản đã sát hại hai vợ chồng chủ tiệm vàng cùng đứa con nhỏ 18 tháng tuổi.

Tưởng rằng, đây đã là tột cùng của cái ác thì gần đây, hàng loạt vụ án mạng đặc biệt nghiêm trọng khiến người dân bàng hoàng, lo lắng. Có những chuyện tưởng như khó tin nhưng lại là sự thật, ai có thể tưởng tượng nỗi, chỉ vì 5m2 đất mà người anh ra tay sát hại cả nhà em trai mình với 4 nhân mạng. Vì mâu thuẫn tình cảm mà nam thanh niên giết chết 2 người bạn và nhảy lầu tự vẫn. Vì bất đồng quan điểm mà người chồng ra tay sát hại vợ ngay trước mặt con. Vì đòi không được nợ, người anh sẵn sàng giết em gái và cháu của mình…
 Hiện trường vụ án tranh chấp đất đai trong gia đình tại Đan Phượng. Ảnh: Internet.
Sau cảm giác bàng hoàng, phẫn nộ, xót xa, không ít người đặt câu hỏi, vì sao? Nhiều ý kiến cho rằng, những vụ trọng án trên, không chỉ là bi kịch của những gia đình cụ thể mà nó còn là nỗi đau của xã hội.
Chỉ vì những bột phát về tâm lý ức chế, bức xúc, một số người đã giải tỏa bằng hành vi dã man, coi thường mạng sống của người khác, kể cả người thân, ruột thịt. Và đó là hệ lụy của một lối sống ích kỷ, coi trọng lợi ích cá nhân, sẵn sàng giành lấy lợi ích cho mình bằng mọi giá. Có thể nói, sức ép về việc làm, về mưu sinh, tiền bạc, đời sống vật chất… đã chi phối, làm thay đổi giá trị sống của một bộ phận người dân, dẫn tới xung đột, thảm án xảy ra ngày càng nhiều.
Nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu tội phạm học và điều tra tội phạm (Học viện Cảnh sát Nhân dân) cho thấy, trong 100 vụ giết người thì có tới 93 - 95% những người bị giết là do những mâu thuẫn bộc phát trong cuộc sống chứ không phải là những đối tượng lưu manh chuyên nghiệp gây ra. Đáng tiếc là trong 72% số người phạm tội bị bắt giam đều nằm trong độ tuổi lao động. Đây là một thiệt hại rất lớn cho gia đình, xã hội.
Theo những nhà xã hội học, những vụ án xảy ra cho thấy mối quan hệ tình thân của họ đã bị mất đi, vai trò của gia đình không còn, mối liên kết lỏng lẻo, dẫn tới sự rối loạn trong gia đình. Nhiều người bị cuốn vào các mối quan hệ xã hội, tìm kiếm các giá trị khác mà quên đi giá trị gia đình.
Vậy làm thế nào để ngăn chặn được cái ác khi hết vụ thảm án này đến vụ thảm án khác, cái ác vẫn hiện hữu và càng đáng báo động hơn trước? Nhiều ý kiến cho rằng, để ngăn chặn, đẩy lùi cái ác ra khỏi cuộc sống, bên cạnh việc pháp luật xử lý nghiêm minh, đủ sức răn đe và phòng ngừa tội phạm thì việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật, các chuẩn mực xã hội, giá trị đạo đức, truyền thống gia đình, đạo lý dân tộc... là rất cần thiết. Trong đó, giáo dục trong gia đình phải được đặt lên hàng đầu, đó là giáo dục về sự yêu thương, sẻ chia, về các quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm với bản thân, gia đình, cộng đồng…