Nói dối và hành vi lệch chuẩn

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Một thực trạng đáng lo ngại về tình trạng học sinh ngày càng hư đã trở thành sự báo động lớn đối với gia đình và nhà trường. Đây không chỉ là những nhận xét cảm tính, mà được thể hiện qua các con số thống kê về hành vi lệch chuẩn của trẻ tăng cả về số lượng lẫn mức độ.

Đối  phó vì… sợ

Kết quả điều tra về hành vi lệch chuẩn ở 532 học sinh của một số trường THCS trên địa bàn Hà Nội cũng cho thấy, các lỗi về hành vi lệch chuẩn mà học sinh mắc phải rất đa dạng, nhưng nói dối vẫn đứng ở vị trí đầu tiên và đã trở thành thông lệ đáng lo ngại

Nguyên nhân của việc trẻ nói dối, có đến trên 50% cho rằng đó là cách đối phó với các hình phạt mà các em biết chắc chắn cha mẹ sẽ đưa ra như bị đánh, bị mắng mà cuộc khảo sát thu được thì lý do sợ cha mẹ chiếm tới 53,3%. Còn trên 50% các em học sinh biện minh cho hành vi nói dối của mình là hoàn cảnh bắt buộc không còn cách nào khác. Ngược lại, tỷ lệ học sinh nhận mình có lỗi khi nói dối chỉ chiếm một con số rất khiêm tốn là 4,8%. Phần lớn cho rằng, phải nói dối là để "đối phó" với việc "bị cha mẹ đánh, mắng, trách phạt" và nói thật thì cha mẹ không tin.

Nhiều trẻ cũng thừa nhận rằng, khi lần đầu tiên nói dối, các em đều cảm thấy rất sợ và ân hận vì hành vi của mình. Tuy nhiên, khi lời nói dối được chấp nhận và bỏ qua dễ dàng, cảm giác lo sợ và áy náy cứ giảm dần, song hành với đó là việc nói dối ngày càng tăng và trở nên điêu luyện hơn, nhiều em nói dối dễ dàng với thái độ vô cảm.

Khi người lớn trở thành  “gương xấu”

Một chuyên gia tâm lý cho biết, yếu tố gia đình đóng vai trò rất quan trọng đối với hành vi nói dối của học sinh. Nếu nhìn kỹ lại, các nguyên nhân khiến học sinh nói dối trên đều bắt nguồn từ gia đình trước tiên. Trước hết, đối với những học sinh được đặt quá nhiều kỳ vọng hay thành tích học tập luôn tốt, cha mẹ thường dễ thất vọng, giận dữ và nổi nóng khi các em vấp ngã, phạm sai lầm. Sau nhiều lần bị trách mắng, khiến các em sợ và để tránh thì buộc phải nói dối. Hay đối với một em học sinh khi mắc sai lầm, nói dối trở thành chiếc phao cứu hộ giúp trẻ tránh những trận đòn roi khiến các em nhớ mãi. Ban đầu trẻ chỉ nói dối không vụ lợi (vô thức), sau đó chuyển sang vụ lợi (có ý thức). Khi đó, nếu cha mẹ không uốn nắn thì nói dối sớm trở thành căn bệnh nan y ảnh hưởng tiêu cực vào quá trình định hình nhân cách của trẻ.

Một thực trạng nữa cũng cần lưu tâm là nhiều người lớn từng nói dối, giờ lại rất lúng túng khi con cái trong nhà "sao y bản chính" của mình. Nhiều bậc cha mẹ tự nhận vẫn thường vô tình "dạy" trẻ nói dối hằng ngày. Không ít ông bố, bà mẹ còn ngang nhiên nói dối người khác trước mặt con, có người còn "nhờ" con nói dối hộ. Trong khi đó, ngay từ lúc lên hai, trẻ sẽ ghi nhớ và bắt chước theo mọi câu nói, hành vi, cử chỉ của bố mẹ. Nhiều người nghĩ, có những lời nói dối vô hại, nên hồn nhiên "phổ biến" cho con. Khi đi mẫu giáo, đến trường, có thêm những mối quan hệ ngoài gia đình, qua giao tiếp với bạn bè, người lớn... trẻ còn có nhiều cơ hội học bài học "trung thực hay không". Vì thế, cha mẹ cần phải giám sát con để kịp thời chỉnh sửa những biểu hiện thiếu trung thực nơi trẻ.

Dạy con không phải chỉ là những lời giáo huấn, quan trọng hơn là tấm gương của chính những người xung quanh và môi trường giáo dục nền nếp, quy củ. Nói dối trở thành nếp nghĩ ngay từ thuở ấu thơ ắt sẽ dẫn đến gian dối trong công việc, trong các quan hệ xã hội khi trẻ trường thành. Chính vì thế, giáo dục bước đầu của các bậc cha mẹ là rất cần thiết để xây dựng nên tâm hồn trong sáng, trung thực cho trẻ.

 

Một kết quả điều tra mới đây trong lứa tuổi THCS cho thấy, hành vi nói dối là lỗi mà nhiều học sinh mắc phải nhất, có tới 82,3% số trẻ em được hỏi thừa nhận, trong khi đó, con số này của cuộc điều tra trước đó là 79,5%.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần