Nối động mạch cánh tay cứu bé 5 tuổi bị tai nạn giao thông

Mai Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một chiếc xe máy chở 4 người trong gia đình bé gái Trần H. A. (5 tuổi, Phú Thọ) không may đâm vào xe cẩu.

Cú va chạm mạnh khiến một phần cánh tay phải của bé bị cán và dập nát nghiêm trọng. Rất may mắn, cháu A. đã được các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương cấp cứu kịp thời, cứu được tính mạng và bảo tồn thành công phần cánh tay bị tổn thương.
Theo người nhà bệnh nhi, khoảng 11 giờ trưa ngày 22/6, cả nhà cháu A. đang chở nhau trên xe máy thì không may tông mạnh trúng vào chiếc xe cẩu. Bố mẹ và em gái cháu A. được chuyển đến Bệnh viện Việt Đức. Bố cháu bị dập gan, gãy xương sườn, mẹ và em gái 2 tuổi bị chấn thương phần mềm hiện vẫn đang phải theo dõi thêm.
 Phẫu thuật nối chi cánh tay cho bệnh nhi A. tại Bệnh viện Nhi Trung ương
Riêng đối với trường hợp cháu A., bác sĩ Đặng Ánh Dương – Phó trưởng khoa Hồi sức ngoại, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, ngày 22/6, trẻ được chuyển từ tuyến dưới lên trong tình trạng rất nguy kịch: xương gãy hở cấp độ 3, đứt động mạch cánh tay, thần kinh và phần mềm dập nát không đủ che phủ xương cộng thêm tình trạng sốc nặng do mất máu, mạch nhanh, huyết áp tụt. Tại đây, các bác sĩ đã cho bệnh nhân dùng thuốc giảm đau, bù dịch nhanh, truyền máu để điều trị sốc chấn thương đồng thời chụp X-quang xác định các vị trí tổn thương. Ngay sau đó, trẻ được các bác sĩ chỉ định mổ cấp cứu nối động mạch cánh tay kết hợp xương để cứu phần cánh tay phải đã bị dập nát sau tai nạn.
Theo bác sĩ Lê Tuấn Anh – Phó trưởng khoa Chỉnh hình nhi (người trực tiếp phẫu thuật cho bệnh nhi), các bác sĩ đã tiến hành cắt lọc vết thương, kết hợp xương cánh tay phải bằng đinh Kirschrer, nối động mạch cánh tay phải, khâu che phủ mạch máu và xương. “Nối động mạch là một kỹ thuật rất phức tạp. Do các động mạch ở cánh tay trẻ rất nhỏ nên việc nối lại cần vô cùng tỉ mỉ và chuẩn xác, đòi hỏi phẫu thuật viên phải có nhiều kinh nghiệm. Nhờ phối hợp hiệu quả giữa các ê-kíp, ca phẫu thuật đã diễn ra thành công sau hơn 3 giờ đồng hồ. Sau mổ, bàn tay của bệnh nhi đã hồng, dấu hiệu lưu thông máu tốt”, bác sĩ Tuấn Anh cho hay.
3 ngày sau khi phẫu thuật và được chăm sóc tích cực tại khoa Hồi sức ngoại, sức khỏe của cháu A. đã dần bình phục, bé tỉnh táo, không sốt, tưới máu cánh cẳng bàn tay phải dưới chỗ nối mạch máu tốt (chi ấm, hồng, mạch rõ, không có dấu hiệu hoại tử). Sáng 26/6, cháu A đã được chuyển sang khoa Chỉnh hình nhi để tiếp tục điều trị.
“Các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận rất nhiều trường hợp các cháu nhỏ phải gánh chịu hậu quả nặng nề về thể chất và tinh thần do chấn thương nghiêm trọng sau tai nạn giao thông. Với các bé gái, việc bảo toàn và phục hồi các tổn thương sau tai nạn có ý nghĩa càng quan trọng vì nó còn liên quan đến vấn đề thẩm mĩ.” – Bác sĩ Tuấn Anh chia sẻ.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần