Nới giờ kinh doanh về đêm: Phát sinh nhiều bất cập

Lại Tấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước những bất cập từ việc thí điểm các cơ sở kinh doanh dịch vụ hoạt động đến 2 giờ sáng, mới đây, Chủ tịch UBND phường Lý Thái Tổ Nguyễn Trung Thủy đã có văn bản đề nghị quận Hoàn Kiếm không để kinh doanh dịch vụ đến 2 giờ sáng, vừa đảm bảo an ninh trật tự (ANTT), vừa phù hợp với nguyện vọng của Nhân dân.

Tự nới giờ kinh doanh đến sáng
Từ 1/9/2016, để thu hút du khách, đặc biệt là khách nước ngoài, TP Hà Nội cho phép quận Hoàn Kiếm tổ chức thí điểm các cơ sở kinh doanh quán bar, nhà hàng kinh doanh đến 2 giờ sáng vào 3 ngày cuối tuần. Đến nay, trên địa bàn TP Hà Nội có 58 cơ sở được cấp phép kinh doanh đến khung giờ này, trong đó 28 nhà hàng sử dụng âm nhạc, 17 cơ sở kinh doanh karaoke, 13 cơ sở kinh doanh ăn uống.
 Khách nước ngoài ăn đêm trên phố cổ Hà Nội. Ảnh: Thanh Hải
Theo UBND quận Hoàn Kiếm, hoạt động kinh doanh đến 2 giờ sáng đã đạt được những thành công nhất định, gắn kết với không gian đi bộ khu vực Hồ Gươm. Sau 2 năm thí điểm, lượng khách du lịch quốc tế lưu trú đến quận Hoàn Kiếm tăng nhanh, số lượng cửa hàng kinh doanh chuyển sang phục vụ cho dịch vụ du lịch tăng 594 cơ sở (khu phố cổ, phố cũ: 568 cơ sở; khu vực ngoài đê: 26 cơ sở). Doanh thu khoán bình quân một tháng trong năm 2017 của các cơ sở tham gia thí điểm tăng 55% so với năm 2016 và năm 2018 tăng 30% so với năm 2017.

Bên cạnh những kết quả đạt được, sau 2 năm thí điểm cho phép các cơ sở kinh doanh đến 2 giờ đã phát sinh một số hạn chế. Đơn cử tại địa điểm kinh doanh số 150 Hàng Tre, 2 cửa hàng kinh doanh là “H20 pub Soho” và “Chất’s Coffee” thường xuyên kinh doanh quá 2 giờ sáng, sử dụng âm thanh lớn nhưng không có hệ thống cách âm theo quy định, gây ảnh hưởng đến sinh hoạt người dân.

Theo bà Vũ Thị Huệ (phường Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm): “2 cửa hàng trên sử dụng âm thanh quá lớn, mỗi lần khách ra vào mở cửa, tiếng nhạc vang ra ngoài rất đau đầu. Đặc biệt, sau 21 giờ, nhạc được mở ngày càng lớn hơn. Trẻ con không thể học bài, người lớn muốn nghỉ tối cũng không xong, thường xuyên bị giật mình. Sáng chúng tôi muốn đi bộ tập thể dục cũng khó vì các cơ sở kinh doanh đến tận 4 - 5 giờ, xe cộ tràn ra vỉa hè, lấn chiếm không gian”. Chị Đỗ Trà My – người dân sinh sống gần cơ sở trên cũng cho biết: “Nhiều bạn trẻ sử dụng bia rượu, sau khi ra khỏi quán bar thường hò hét, mở động cơ xe máy vào ban đêm rất ồn ào. Đó là chưa kể, nhiều nhóm thanh niên còn cãi vã, xô xát, trêu ghẹo người dân, đặc biệt là phụ nữ”.

Đề xuất dừng kinh doanh 2 cơ sở

Trước thông tin trên, trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, Chủ tịch UBND phường Lý Thái Tổ Nguyễn Trung Thủy cho biết: “Vừa qua, chúng tôi đã đi kiểm tra và phát hiện cơ sở có kinh doanh bóng cười, mở nhạc to gây mất ANTT, kinh doanh quá giờ quy định. Dù nhiều lần vi phạm, bị xử lý vì mở nhạc lớn, kinh doanh bóng cười, shisha nhưng các cơ sở vẫn tái diễn. Thời gian tới, UBND phường sẽ thu hồi giấy phép kinh doanh của cơ sở trên”. Bên cạnh đó, qua làm việc với 46/58 cơ sở được cấp phép (nhà hàng và quán karaoke), quận Hoàn Kiếm đã đề xuất dừng tổ chức kinh doanh đến 2 giờ sáng của 2 cơ sở tại 57 Cửa Nam và 41 Hai Bà Trưng vì chưa đáp ứng điều kiện về PCCC; 2 cơ sở tại 405 Bạch Đằng và 28 Yết Kiêu vì chưa đáp ứng về PCCC và ANTT.

Ngoài việc gây mất ANTT, theo đánh giá của UBND quận Hoàn Kiếm, các cơ sở kinh doanh muộn ảnh hưởng đến việc thu dọn vệ sinh môi trường của Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị - chi nhánh Hoàn Kiếm. Đồng thời, một số cơ sở lợi dụng việc tổ chức thí điểm hoạt động kinh doanh dịch vụ đến 2 giờ sáng tiếp tục thực hiện kinh doanh quá giờ quy định vào những ngày khác trong tuần (từ thứ Hai đến thứ Năm).

Thực trạng trên cho thấy, mặc dù mô hình kinh doanh sau 24 giờ đã đem lại nhiều lợi ích kinh tế, thu hút khách du lịch nhưng cần sự phối hợp chặt chẽ, tuyên truyền sâu rộng và đôn đốc các cơ sở kinh doanh dịch vụ cam kết đảm bảo yêu cầu về điều kiện kinh doanh. Đồng thời, chính quyền địa phường và cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, có biện pháp xử lý nghiêm để các vi phạm không tái diễn.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần