Nỗi lo mùa lễ hội

Vũ Duy Thông
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bên cạnh những nỗi lo thường xuyên, mùa lễ hội năm nay Hà Nội có thêm nhiều nỗi lo mới. Đó là dấu hỏi tình trạng an toàn thực phẩm, khuyến khích bạo lực, tai nạn giao thông, thương mại hóa… trong các lễ hội sẽ như thế nào?

Hà Nội hội tụ tới 1/8 số lễ hội của cả nước đã đành, năm nay chùa Hương - lễ hội đình đám nhất, kéo dài nhất nước, lại được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của nhân loại, đời sống của dân cư nhiều cải thiện hơn năm ngoái, chắc chắn lễ hội năm nay sẽ khác.
 Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet
Nhưng có cái khác tốt hơn, có cái khác không bằng trước, thế nên vấn đề đặt ra là: Làm sao để cái tốt, cái đẹp lấn át cái xấu.

Thế nên cả tháng trước, từ quận, huyện đến TP tổ chức rất nhiều cuộc họp bàn, ra nhiều qui ước, chỉ thị, công văn cho mùa lễ hội. Những địa phương có nhiều lễ hội đã hạ quyết tâm, bố trí lực lượng “ăn ngủ cùng lễ hội”. Thái độ như vậy rất đáng hoan nghênh, nhưng nói rằng lễ hội năm nay không còn cảnh tung lộc giữa sân Thiên Trù, không còn cảnh cướp hoa tre ở đền Sóc, không còn cảnh thương mại hóa thịt trâu được giải ở Đồ Sơn… thì chưa ai dám chắc.

Lễ hội vốn là sân chơi công cộng của nhiều người, mà đã đông người thì có cả người xấu lẫn tốt, nên cũng khó tránh được sự thái quá, cực đoan. Trong khi phong trào khôi phục thuần phong, mỹ tục phát triển, thì không ít hủ tục, thói quen “ăn theo” lễ hội cũng trỗi dậy, làm xấu hình ảnh lễ hội, nhất là với du khách nước ngoài vì ngưỡng mộ Việt Nam mà đến. Trong khi chúng ta đang đấu tranh quyết liệt với thực phẩm bẩn, kiên quyết chống nhưng vụ ngộ độc tập thể, thì ai dám cam đoan thực phẩm trong các lễ hội là sạch, thức ăn là an toàn? Trong khi chúng ta kiên quyết với các DN trong việc bảo vệ môi trường, thì ai dám bảo đảm không có người vứt lá bánh, chai nhựa xuống đường vào lễ hội? Trong khi chúng ta kiên quyết chống bạo lực, thái độ vô cảm giữa con người với con người, thì ai dám chắc những thói xấu đó sẽ “biến mất” khỏi lễ hội?

Không thể như một số người và một số báo chí ra sức ngăn trở hoạt động của ngày Tết âm lịch và lễ hội, chúng ta không thể cấm đoán lễ hội vì đó là văn hóa của cộng đồng, của dân tộc. Nhưng cũng không thể khoán trắng cho dân vì văn hóa lễ hội là văn hóa của dân, tự dân sẽ điều chỉnh. Nhờ sự tăng cường quản lý của chính quyền, lễ hội ngày càng tốt lên, đó là một thực tế. Nếu không có chính quyền và báo chí góp tiếng nói, những lề hội chọi trâu, chém lợn, cướp phết, cướp ấn chắc sẽ bùng nổ, chứ không còn như hôm nay. Lo cho mùa lễ hội là đúng, để những hủ tục bớt đi, vui chơi lành mạnh phát triển và đời sống tinh thần của người dân ngày càng cao.