Nỗi lo từ ý thức chấp hành văn hóa giao thông

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Ra đường tuổi trẻ phải không quên - Chấp hành luật pháp làm nên an bình” – đó là khẩu hiệu rất quen thuộc trên các tuyến đường và cả trong trường học.

Ấy vậy mà hiện nay, ý thức chấp hành “văn hóa giao thông” lại đang có chiều hướng giảm sút. Nhất là ở lứa tuổi thanh niên – lứa tuổi được coi là niềm hy vọng, những chủ nhân tương lai của đất nước.
Sinh viên đi qua đường bất chấp Luật An toàn giao thông đường bộ trên đường Trần Duy Hưng. 	Ảnh: Thanh Hải
Sinh viên đi qua đường bất chấp Luật An toàn giao thông đường bộ trên đường Trần Duy Hưng. Ảnh: Thanh Hải
Tôi thật sự sợ hãi mỗi khi bắt gặp các vụ tai nạn giao thông (TNGT) xảy ra trên các tuyến đường. Người nằm sõng xoài trên vũng máu, người gào thét trong nước mắt, kẻ hiếu kỳ chen lấn xô đẩy tạo nên một cảnh tượng hỗn loạn, ám ảnh. Căn nguyên bắt nguồn do ai? Vì đâu các vụ va chạm giao thông ngày càng gia tăng? Dù trong nhà trường đã được học về luật ATGT và được thầy cô nhắc nhở, song đến khi ra khỏi cổng trường, nhiều bạn học sinh vẫn cố tình đi hàng hai, hàng ba; bên trái lề đường.

Vào những dịp nghỉ hè hay những buổi không phải đến lớp nhiều bạn trai còn rủ nhau đá bóng trên vỉa hè. Nhưng điều cần nói ở đây là không chỉ ở giới trẻ – lứa tuổi thường hay nông nổi, thích làm theo ý mình mà ngay cả một bộ phận người lớn cũng không tuân thủ đúng các quy định khi lưu thông trên đường. Vẫn còn những người khi tham gia giao thông bỏ qua quy định tưởng chừng nhỏ nhưng thực tế lại rất quan trọng dẫn đến các vụ va quệt như không đội mũ bảo hiểm, nghe điện thoại trong lúc đang điều khiển xe; cố ý vượt qua rào ngăn cách. Đó là chưa kể đến các lỗi như: không mang theo giấy tờ xe, uống rượu, bia khi tham gia giao thông, đỗ xe không đúng nơi quy định… cũng có thể gây tai nạn nhưng chẳng mấy ai quan tâm.

Tôi không thể hiểu nổi tại sao một gia đình, gồm vợ chồng và hai người con có thể thoải mái ngồi trên một chiếc xe máy! Tôi không thể hiểu sao người ta lại có thể chở nguyên cả một cái tủ lạnh cùng hàng trăm thứ lặt vặt khác chỉ bằng xe máy! Tôi cũng không thể lý giải tại sao người lớn lại có thể vừa hút thuốc lá, vừa gọi điện thoại di động, vừa giữ một em bé trong lòng khi đang đi xe máy? Dĩ nhiên ai cũng sợ chết nhưng lại vẫn cứ dửng dưng, vô cảm khi hàng ngày tự đánh đố tính mạng của chính mình và gây tang tóc cho đồng loại! Một điều cốt lõi mà người tham gia giao thông cần nhớ rằng: “Cùng đồng hành với mình còn có bao nhiêu người khác và họ cũng cần được đảm bảo an toàn khi đi đường”.

Xét cho cùng, ý thức của người tham gia giao thông vẫn được xem là yếu tố quyết định để cải thiện TNGT. Tôi tin rằng dưới sự quản lý, giáo dục của nhà trường, học sinh sẽ dần thay đổi được ý thức chấp hành luật lệ giao thông. Nhà trường cần tăng thêm các giờ học ngoại khoá hoặc tổ chức các trò chơi tuyên truyền về ATGT. Chẳng hạn, trong các cuộc thi hãy để học sinh trong vai người tham gia giao thông trên đường và Ban giám khảo là các thầy cô giáo sẽ đặt ra các tình huống khác nhau buộc thí sinh phải trả lời câu hỏi ứng xử: “Làm thế nào?” sẽ giúp học sinh nhớ lâu và có ý thức chấp hành tốt hơn về ATGT. Đối tượng đáng ngại nhất vẫn là những thanh niên mới lớn đã thôi học, không còn sự quản lý của nhà trường, không chịu tham gia sinh hoạt trong các đoàn thể nơi xóm phố. Tôi mạnh dạn đề nghị các gia đình và các lực lượng chức năng cần “để mắt” nhiều tới các đối tượng này để không có những vụ đua xe, những tai nạn đáng tiếc xảy ra. Đặc biệt, người lớn cần có ý thức hơn trong việc chấp hành ATGT để không ai bị thương tích, chấn thương thậm chí mất tính mạng do TNGT gây ra. Các cơ quan chức năng cần giám sát chặt chẽ, kiểm tra thường xuyên những tuyến đường hay xảy ra tai nạn. Nếu có điều kiện hãy lắp đặt các trạm camera theo dõi.

Thông điệp tôi muốn gửi tới tất cả các em học sinh đó là: Tuổi trẻ hôm nay là của chính các em. Hãy cùng nhau hành động chấp hành nghiêm chỉnh và tham gia tuyên truyền về văn hóa giao thông. Hãy để đường phố Thủ đô rộn tiếng cười và an toàn bình yên. Đừng bao giờ để những giọt nước mắt phải rơi xuống vì TNGT!

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần