Nỗi lòng bác sĩ nữ khám nam khoa

Bảo Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phụ nữ làm ngành y vốn đã vất vả, công việc luôn bận rộn, áp lực cao, gần như không biết đến những ngày nghỉ lễ, Tết, dịp 8/3, 20/10...

Thế nhưng phụ nữ làm việc trong môi trường chuyên khoa Nam học và Hiếm muộn lại càng vất vả gấp bội. Bởi khám “chuyện ấy”, “cái ấy” của đàn ông đôi khi khiến cho nữ bác sĩ cũng gặp phải những tình huống “dở khóc dở cười”.

Bệnh nhân xấu hổ, bác sĩ trẻ ngượng ngùng

Tốt nghiệp Đại học Y Thái Nguyên, hoàn thành cao học ở Học viện Quân y, bác sĩ Lê Thị Thu Hiền - Phó Giám đốc Bệnh viện Chuyên khoa Nam học và Hiếm muộn Hà Nội đã gắn bó với chuyên ngành nam khoa từ ngày Bệnh viện Chuyên khoa Nam học và Hiếm muộn Hà Nội thành lập gần 12 năm nay. Với đặc thù công việc chuyên khám bệnh “khó nói” của nam giới, chị Hiền tâm sự: “Ban đầu vào nghề, tôi rất ngại ngùng nhưng xác định đó là công việc cả đời nên phải cố gắng và đành phải... cắt đứt dây thần kinh xấu hổ”.

Bác sĩ Hiền đang tư vấn cho bệnh nhân nam.

Nhớ lại kỷ niệm khi mới ra trường được phân ngay về khoa Nam học, nữ bác sĩ trẻ này cũng thấy “oải”. Phải yêu cầu những bệnh nhân nam bước vào phòng khám “cởi quần ra” khiến nhiều y tá, bác sĩ trẻ “ngượng chín cả mặt”. Bệnh nhân ngại ngùng, nữ y tá trẻ, chưa chồng con, khó quen với “đặc thù” của công việc, khó khăn trong khám chữa bệnh của các nữ bác sĩ càng nhân lên gấp bội.

Trông thấy “của quý” của người khác giới, nhiều nữ bác sĩ còn giật nẩy mình đỏ mặt vì xấu hổ. Công việc quen dần, ngày nào cũng tiếp xúc với cả chục bệnh nhân mà khám nam khoa ai cũng phải “đứt dây thần kinh xấu hổ”. Không chỉ khám ngoài nhìn bằng mắt thường, y tá phải phụ bác sĩ cầm “cậu nhỏ” lên để bác sĩ soi kính hiển vi hay chọc dịch. Không chỉ bác sĩ, y tá “ngại”, mà đôi khi bệnh nhân nam cũng không thoải mái trong việc đi khám nam khoa, không hợp tác với các bác sĩ nữ để chữa bệnh.

Là phòng khám nam khoa nhưng phần lớn người ngồi chờ bên ngoài lại là nữ giới. Các bác sĩ giải thích: “Đa phần các bệnh nhân nam đều có vợ, bạn gái “đi kèm”, thậm chí có nhiều thanh niên chưa vợ còn ngại đi một mình, sợ “xấu hổ” phải rủ cả mẹ, hoặc chị gái đi khám cùng. Tâm lý của phần đông bệnh nhân nam đi khám đều muốn… “né” bác sĩ nữ. Bởi có nhiều trường hợp, bệnh nhân khi đến phòng khám Nam khoa thấy đông nữ bác sĩ, y tá lại “nằng nặc” đòi bác sĩ, y tá nam đến khám”.

Thậm chí, có bệnh nhân trẻ bị đau tức, viêm tinh hoàn do mất vệ sinh nhưng đến phòng khám gặp bác sĩ nữ lại quay ra… đòi về. Đi đi lại lại phòng khám đến vài ngày, vẫn gặp các nữ bác sĩ, y tá thì chàng thanh niên này mới đành “nhắm mắt đưa chân”. Đến khi bác sĩ tiến hành khám thì cả bệnh nhân và y tá nữ mới đi làm đều cảm thấy “sốc” đến mức phải xin ra ngoài đứng một lúc mới vào khám tiếp được.

Lại còn có trường hợp một thanh niên trẻ khi đến khám rủ luôn cả mẹ đi nhưng “nhiệm vụ” đưa sổ khám, trình bày bệnh lý với bác sĩ cũng “nhường” lại cho bà mẹ, còn mình thì đội mũ kín mít, âm thầm đứng tít ngoài cổng bệnh viện đợi đến khi bác sĩ gọi mới chịu vào phòng riêng để khám. Đến khi bị gọi vào phòng khám, bệnh nhân này xấu hổ đỏ mặt tía tai, bác sĩ bảo cởi quần ra để khám mà anh chàng cứ loay hoay, mãi không dám cởi.

Bởi tâm lý đàn ông châu Á thường rất ngại khi phải trình bày “chuyện ấy” và đặc biệt là việc phải đưa “cậu nhỏ” đi khám với một người phụ nữ không quen biết, là các bác sĩ nữ. Càng khó khăn hơn khi hỏi cụ thể về tình trạng bệnh lý bởi khó có người đàn ông nào dám thẳng thắn thừa nhận mình “yếu”.

Ra… đòn tâm lý

Khi bệnh nhân kiên quyết “giấu bệnh” thì công tác điều trị của các bác sĩ cũng gặp nhiều khó khăn hơn. Đôi khi bệnh lý mà họ mắc phải còn bắt nguồn từ trạng thái tâm lý. Không ít đàn ông đi khám nam khoa cũng chất chứa nhiều nỗi buồn vì cuộc sống gia đình rạn nứt, vợ “chê bai”, bản thân họ cảm thấy thiếu tự tin vì không chứng tỏ được “bản lĩnh đàn ông”.

Có trường hợp, bệnh nhân nam dính líu đến chuyện “bóc bánh trả tiền” khiến cho “cậu nhỏ” mang bệnh, nhưng khi bác sĩ hỏi nguyên nhân, mắc bệnh từ đâu thì đành “ngậm tăm” vì ngại vợ ngồi cạnh sẽ biết. Do đó, bác sĩ nam khoa vừa làm việc chuyên môn, vừa phải tư vấn tâm lý cho bệnh nhân, và đặc biệt phải có các “chiêu” để lấy thông tin của người bệnh.

Với kinh nghiệm nhiều năm khám “chuyện ấy” của đàn ông, bác sĩ Hoàng Thị Thu Hà - Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Việt Bỉ đã có rất nhiều “bí kíp” để khai thác tình trạng sức khỏe của bệnh nhân. Chị kể, nếu bệnh nhân nam đi khám cùng vợ, hay cùng người thân thì khi bác sĩ hỏi về tình trạng bệnh lý, họ đều khẳng định mình “bình thường”. Có trường hợp bệnh nhân nam đi khám vô sinh nhưng luôn “đổ tội” cho vợ với lý do trước đó họ đã có một đứa con thì không thể nào là người đàn ông mắc bệnh vô sinh được. Thực ra đó cũng là một dạng bệnh “vô sinh thứ phát” do nhiều nguyên nhân như mắc bệnh xã hội, viêm đường tiết niệu...

“Nếu bác sĩ càng cố gắng hỏi tỉ mỉ, cụ thể thì họ càng lảng tránh. Do đó, để “khai thác” bệnh lý, cần hẹn họ đến một mình vào một ngày khác, hoặc “tách” họ ra khỏi người thân đi cùng để tiện trao đổi riêng. Điều quan trọng là bác sĩ phải tạo được tâm lý thoải mái cho bệnh nhân, biết cách “gợi” chuyện để họ giãi bày, chia sẻ về tình trạng bệnh lý”, chị Hà bật mí.

Không chỉ vất vả với công việc khám chữa bệnh hàng ngày, điện thoại của các bác sĩ nữ đều luôn trong trạng thái “rung bần bật” ngay cả lúc nửa đêm. Họ thường xuyên nhận được những cuộc gọi nhờ tư vấn tâm lý cuộc sống vợ chồng, từ những chuyện “tế nhị” cho đến việc bệnh nhân nên ăn những loại thực phẩm gì để tăng cường “sinh lực đàn ông”, “một người khỏe, hai người vui”… Nhiều bệnh nhân “hồn nhiên” gọi điện nhờ tư vấn câu chuyện chốn phòng the với những câu hỏi rất ngô nghê.

Thậm chí trong những trường hợp bệnh nhân gọi bác sĩ cấp cứu do bị xoắn tinh hoàn, gẫy dương vật, từ giám đốc, phó giám đốc đến các nữ y tá, bác sĩ phải ngay lập tức bắt tay vào việc phẫu thuật. Nhiều nữ bác sĩ khám nam khoa tâm sự, họ phải “giấu nghề” với cả gia đình và họ hàng. Vì nếu kể ra công việc thường ngày của mình là khám “cậu nhỏ” của đàn ông, chắc gia đình khó lòng chấp nhận. Các ông chồng cũng không vui vẻ gì khi biết vợ mình suốt ngày thăm khám “chuyện ấy” cho những bệnh nhân nam. May mắn nhất là gặp những ông chồng cùng nghề hoặc có suy nghĩ tân tiến, hiểu và thông cảm cho vợ.

Đây mới chỉ là những câu chuyện về những tình huống bi hài nơi phòng khám chuyên về cơ quan sinh dục nam. Thế mới biết, các bác sĩ nữ đã thật can đảm, yêu nghề và rất khéo léo mới có thể hoàn thành tốt công việc của mình trong những hoàn cảnh như thế. Cũng chính bởi công việc bận rộn, khó khăn là thế nên ngày nghỉ lễ, Tết, các chị gần như không có giây phút nghỉ ngơi, hưởng thụ “ngày của chị em”. Thế nhưng chỉ cần nghe một cú điện thoại, một tin nhắn chúc mừng kèm theo thông báo “vợ em đã có bầu”, các nữ bác sĩ cũng cảm thấy vô cùng xúc động.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần