Nơi lưu dấu chân Bác

Thiên Tú-Ảnh: Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiếc chậu đồng, vại đựng nước bằng gốm là hai trong số rất nhiều kỷ vật tiêu biểu gắn bó với sinh hoạt hằng ngày của Chủ tịch Hồ Chí Minh đầu năm 1947 còn được lưu giữ tại Nhà lưu niệm Bác Hồ tại xóm Lài Cài, thôn Phú Đa, xã Cần Kiệm, huyện Thạch Thất.

Từ nhiều năm nay, Nhà lưu niệm Bác Hồ đã trở thành “địa chỉ đỏ” trong sinh hoạt chính trị của địa phương.

Địa chỉ đỏ cách mạng

Con đường dốc dẫn lên Nhà lưu niệm Bác Hồ tại xóm Lài Cài, thôn Phú Đa dù đã được lát gạch khang trang vẫn giữ được nét cổ kính với những mảng tường đá ong cũ kỹ giữa không gian yên bình của làng quê. Đi qua chiếc cổng nhỏ, nếp nhà lợp bằng lá cọ, bên ngoài cửa được che chắn bằng những liếp tre đan hiện ra bình dị, mộc mạc nhưng lại thu hút ánh nhìn với tấm biển sơn màu đỏ mang dòng chữ “Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sống và làm việc trong ngôi nhà này từ 13/1 – 2/2/1947”.
Khách đến tham quan Nhà lưu niệm Bác Hồ tại xã Cần Kiệm.
Mở cánh cửa đơn sơ đan bằng tre, bước vào ngôi nhà lá là cả một không gian huyền thoại rất nhiều những di vật gắn bó với Bác 70 năm trước còn được lưu giữ lại rất cẩn thận. Ấy là chiếc giường tre giản dị mà Bác đã nằm nghỉ, chiếc bàn mộc nơi Bác làm việc hay đèn bão, vại sành, chậu đồng… cùng rất nhiều bút tích của Bác viết trong quãng thời gian hoạt động cách mạng tại Cần Kiệm. Trong không gian nhiều cảm xúc ấy, chị Nguyễn Thị Lũy, cán bộ quản lý di tích chăm chú kiểm tra lại từng bức ảnh treo trên tường, chỉ hơi xô nghiêng một chút là chỉnh lại cho ngay ngắn. Chị tâm sự, hơn 10 năm gắn bó với di tích, chị cảm thấy mình may mắn và tự hào khi được giao nhiệm vụ quản lý, thuyết trình về những hiện vật một thời gắn bó với Bác Hồ.

Chị Lũy là cháu nội đời thứ tư của cụ Nguyễn Đình Khuê, tức cụ Quỹ, chủ nhân của ngôi nhà lá mà Bác đã sống và làm việc trong 19 ngày đêm tại xã Cần Kiệm và nay chính là di tích Nhà lưu niệm Bác Hồ. Trong số rất nhiều những câu chuyện kể về Bác, chị Lũy nhớ mãi chi tiết về vị lãnh tụ với chiếc ghế con. Ấy là khi xuống hầm trú ẩn, Bác Hồ được cụ Quỹ bà mang cho chiếc ghế con để ngồi, sau đó Bác tự tay xách ghế lên cất vì sợ để ghế gỗ dưới hầm ẩm thấp sẽ bị hỏng. Rồi nhiều đêm khuya, người ngoài thấy bóng đèn bão hắt sáng lọt ra ngoài là biết rằng Bác vẫn còn miệt mài làm việc, lo nghĩ cho nước, cho dân. Cũng tại ngôi nhà này, Bác đã viết bài thơ chúc Tết năm Đinh Hợi (1947) với những lời quả quyết: “Trường kỳ kháng chiến, nhất định thắng lợi. Thống nhất độc lập, nhất định thành công”…
Chiếc chậu đồng Bác dùng để rửa mặt còn được lưu giữ lại.
Mong được mở rộng

Với nhiều giá trị lịch sử lớn lao, Nhà lưu niệm Bác Hồ được Nhân dân và Đảng bộ xã Cần Kiệm quan tâm tu bổ, bảo quản những hiện vật, đặc biệt là sưu tầm được một số trang viết của Bác để lưu lại cho con cháu đời sau. Từ nhiều năm nay, nơi đây được đón tiếp rất nhiều các đoàn khách tham quan trong và ngoài nước. Theo thống kê của cán bộ quản lý di tích, mỗi năm khu di tích đón trên 10.000 lượt khách đến thăm quan, dâng hương, trong đó phần đông là học sinh trên địa bàn.
 Chiếc đèn bão trên bàn làm việc của Bác.
Chủ tịch UBND xã Cần Kiệm Đặng Văn Võ cho biết, phát huy giá trị của di tích, hàng năm Đoàn Thanh niên xã và trường học thuộc hai cấp gồm tiểu học, THCS đều tổ chức dâng hương cũng như các hoạt động ngoại khóa tại đây. Qua đó, đẩy mạnh công tác giáo dục tư tưởng đạo đức và truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Không riêng gì xã Cần Kiệm, rất nhiều trường học, cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện Thạch Thất cũng tổ chức đến báo công dâng Bác tại Nhà lưu niệm Bác Hồ, nhất là trong các dịp kỷ niệm ngày lễ lớn như Ngày thành lập Đảng (3/2), ngày sinh nhật Bác (19/5)…

Nhà lưu niệm Bác Hồ tại thôn Phú Đa, xã Cần Kiệm đã được xếp hạng di tích cấp quốc gia với quy mô khoảng 400m2. Trong những năm qua, di tích đã nhận được sự quan tâm của huyện, TP trong việc tu bổ, nâng cấp một số hạng mục. Tuy nhiên, theo lãnh đạo xã Cần Kiệm, quy mô của di tích hiện còn nhỏ, chưa đáp ứng nhu cầu thăm quan mỗi khi có khách đến đông. Chính vì vậy, UBND xã Cần Kiệm đã đề xuất hai phương án mở rộng di tích. Phương án một là mở rộng di tích thêm khoảng 400m2 để giải quyết vấn đề cấp bách trước mắt. Phương án hai, mở rộng thêm 4.000m2, trong đó có 2.000m2 làm bãi gửi xe nhằm phục vụ phát triển trục du lịch tâm linh: Nhà lưu niệm Bác Hồ - tượng đài Núi Nứa – chùa Tây Phương – chùa Cực Lạc.