Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nỗi niềm “công bộc” xã, phường - Bài 2: Quay như chong chóng!

Linh Chi - Thủy Tiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - So với ở phường, những cán bộ, công chức (CBCC) tại xã, thị trấn tuy không phải ngày nào cũng “ngốn” hàng trăm hồ sơ, nhưng lại có nhiều vất vả riêng, mà có lẽ cũng phần nhiều xuất phát từ đặc thù về địa bàn.

Công chức “một cửa”, thêm vô số việc
Chiều cuối tháng 10 tại Bộ phận Một cửa (BPMC) xã Hải Bối (Đông Anh), 3 hàng ghế cho công dân ngồi chờ đã gần kín. Chúng tôi rất khó trò chuyện được với 2 công chức, bởi họ hầu như không ngơi nghỉ, khi không nhận hồ sơ thì lại hướng dẫn người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến (DVCTT)… “Hàng ngày, 7 giờ 15 phút tôi có mặt để 7 giờ 30 phút bắt đầu nhận hồ sơ. Xã có nhiều công nhân, thường ra rất sớm hoặc tận cuối giờ giải quyết TTHC, nên CBCC “đi sớm về muộn” là chuyện thường. Bà con trong thôn lại đều biết nhau, họ đến muộn nhưng mình không giải quyết hồ sơ ngay thì cũng mang tiếng lắm, nên tôi luôn cố gắng xử lý đúng quy định, nhanh nhất có thể” - công chức BPMC Lê Xuân Phương chia sẻ.

Công chức BPMC xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì trả kết quả giải quyết TTHC cho công dân. Ảnh: Thùy Linh

Thị trấn Trâu Quỳ (Gia Lâm) hơn 2,3 vạn dân, 2 công chức Tư pháp - hộ tịch phải tiếp nhận giải quyết trên 100 hồ sơ/ngày, trong đó hơn nửa là chứng thực, còn lại là mọi loại khai sinh, khai tử, địa chính xây dựng… Tại đây còn có Học viện Nông nghiệp rất đông sinh viên, hoặc có trường hợp làm khoa học chứng thực mấy chục bộ hồ sơ, công chức muốn “soi” cho chuẩn thì phải tinh mắt, lại nhanh tay. Hay tại xã Song Phượng (Đan Phượng), 80% công dân đến làm TTHC về tư pháp, nên công chức Tư pháp - hộ tịch Nguyễn Xuân Sơn cũng được bố trí tại BPMC để giải quyết nhanh nhất có thể. Một mình anh vừa làm tư pháp, vừa làm hộ tịch mà vẫn phải chính xác, đúng tiến độ, đúng là “quay như chong chóng”!

Đặc biệt, từ tháng 8/2016 đồng loạt triển khai DVCTT mức độ 3 cấp xã, CBCC phải kiêm thêm rất nhiều việc, bởi số CBCC giữ nguyên. Trong đó, nhiều nơi như thị trấn Trâu Quỳ, hơn 75% dân số làm nghề nông, nhận thức, trình độ dân trí, CNTT thấp hơn dân nội thành; người cao tuổi ra làm TTHC thì gần như không biết gì về internet. Nên, công việc hàng ngày của công chức BPMC là vừa ngồi tiếp nhận, “soi” hồ sơ, hướng dẫn tờ khai…; chốc chốc lại vòng ra máy tính phía ngoài để hỗ trợ scan, nhập thông tin… cho những công dân chưa biết làm DVCTT. Họ như con thoi chạy đi chạy lại, làm vô số việc, từ “có tên” đến “không tên”. “Với người biết tự nộp hồ sơ từ thiết bị cá nhân, chúng tôi không mất công hướng dẫn, chỉ phải kiểm tra trên mạng; song, những trường hợp này chỉ đếm trên đầu ngón tay. Số công dân “8x, 9x” chỉ cần được hướng dẫn một chút là biết làm cũng chỉ chiếm hơn nửa, còn với các bác cao tuổi, chúng tôi phải hướng dẫn cặn kẽ, hoặc làm hộ luôn” - một công chức BPMC nói.

Để đáp ứng cường độ công việc và đòi hỏi ngày càng cao của người dân, đúng như công chức Tư pháp - hộ tịch thị trấn Trâu Quỳ Vũ Văn Mười chia sẻ: “Từ khi có DVCTT mức độ 3, tôi luôn rời khỏi cơ quan sau 18 giờ hoặc muộn hơn, trong khi trước kia chỉ 17 giờ xong việc, được tranh thủ chơi thể thao trước khi về nhà. Hơn thế, giờ còn bị giám sát không chỉ từ camera mà từ cả người dân, sơ sểnh là phải giải trình ngay”.

Công chức chuyên môn cũng nhiều vất vả

Qua tìm hiểu, dù nhiều xã, thị trấn có dân số không đông hay phức tạp như phường, song do quỹ ao, vườn còn khá nhiều, nên CBCC, nhất là bộ phận chuyên môn dường như vất vả hơn vì vô số việc liên quan đến thủ tục đất đai cho người dân. Đa số vướng mắc do lịch sử, sai số giữa trước đây đo bằng tay và giờ bằng máy, hoặc tranh chấp mốc giới, khiến CBCC phải xác minh với các hộ liền kề để thống nhất. Đặc biệt, nhiều nơi còn hàng trăm trường hợp chưa cấp “sổ đỏ” lần đầu, như Hải Bối đang có 300 hộ làm TTHC này, Trâu Quỳ còn trên 500 hộ… Để làm mỗi “sổ” phải qua 10 - 12 TTHC, công chức phải trực tiếp gửi thông báo mời các hộ ra làm xác nhận đăng ký đất đai, có nhu cầu thì sẽ cấp sổ.

“Rất nhiều người phản ứng về chênh lệch đất giữa trước và nay, mà theo quy định chỉ được hạn mức 120m2, còn lại tính là đất ao vườn, khi chuyển đổi phải nộp thuế sử dụng đất. Nhiều hộ thấy phải đóng quá nhiều tiền nên dừng lại không làm “sổ” nữa. Trâu Quỳ còn 30 hộ như vậy, lại không ăn ở tại đây, nên việc cấp giấy xác nhận, “sổ đỏ”, thu thuế... rất khó khăn, công chức càng vất vả” - lãnh đạo thị trấn cho biết. Hơn nữa, tại đây đang có 3 dự án cần GPMB khoảng 800 hộ, mỗi hồ sơ phải kê khai kiểm đếm tài sản, xác nhận nguồn gốc đất, rồi họp rất nhiều buổi, mà không phải đều đồng thuận ngay.

“Khối lượng công việc rất lớn, nhưng thị trấn chỉ có 2 công chức và 1 lao động hợp đồng Địa chính - xây dựng, riêng cấp biển số nhà, biển ngõ đã rất mất thời gian, vì phải đến đo, vẽ tại từng hộ, họp tổ, niêm yết công khai... Trong khi, họ còn phải làm rất nhiều việc khác, mỗi công chức phụ trách 6 tổ... Trong giờ, họ phải xử lý rất nhiều giấy tờ, tiếp công dân, nên để tập trung cấp “sổ” thì thường phải làm ngoài giờ, thậm chí còn nhiều hơn giờ hành chính” - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Nguyễn Văn Khánh chia sẻ.
(còn nữa)