Nỗi niềm của các cổ động viên xứ Nghệ

Đông Hùng
Chia sẻ Zalo

Kinhthedothi-“Phải chi, lâu nay đội 1 SLNA cũng được quản lý như các đội trẻ thì có phải cổ động viên xứ Nghệ bớt đi lo âu”, Trung View-một cổ động viên trung thành chia sẻ sau cuộc họp báo giữa lãnh đạo CLB với báo chí, hội cổ động viên mới đây.

 Bóng đá xứ Nghệ đang có 2 mảng màu sáng-tối khác biệt. Nếu như bằng nguồn ngân sách địa phương cấp từ 20-27 tỷ đồng/năm cho 6 đội tuyển trẻ, SLNA giành hầu hết tất cả giải thưởng quốc gia thì tiêu tốn 50-60 tỷ đồng, đội 1 lại đang ngày càng bi bét. Với áp lực thành tích của hợp đồng đào tạo trẻ, dù chế độ và lương, thưởng thấp hơn nhưng các HLV, cầu thủ trẻ lại đang để lại nhiều ấn tượng trong lòng khán giả xứ Nghệ.

 Một thời để nhớ. Ảnh SLFC.

Nước ngập đến cổ
Với vị trí thứ 14, chót BXH, sau Thanh Hóa, Hải Phòng nay đến lượt cổ động viên SLNA đang dấy lên dư luận đòi làm một cuộc cách mạng để “cứu nguy” cho SLNA khỏi bị rớt hạng. Đến nay, ngoài công văn của Bắc Á thông báo sẽ ngừng tài trợ cho đội SLNA từ mùa bóng tới, HLV Quang Trường rời vị trí, lời xin lỗi từ Tổng giám đốc Công ty CP SLNA Nguyễn Hồng Thanh cùng thông báo có 3 nhà tài trợ đang quan tâm đế đội bóng thì câu hỏi giải pháp nào để cứu SLNA khỏi xuống hạng còn bỏ ngõ.
Công bằng mà nói, nếu như không có sự thay đổi lớn của Thanh Hóa, Hải Phòng (có phần cả Hồng Lĩnh Hà Tĩnh) và thể thức thi đấu 6+8 của thời Covid-19 thì dù cách quản lý CLB có phần lỗi thời nhưng SLNA cũng khó tụt dốc đến vậy. 10 năm nay, ngoài chức vô địch V.League 2011 họ có 3 lần đứng thứ 4 còn lại là lặn ngụp nhóm đua trụ hạng nhưng chưa bao giờ cầm đèn đỏ như hiện nay. Khi có dịch Covid-19, lượt đi chỉ có 13 trận, không chuẩn bị ngoại binh kịp thời, không tập huấn, chuẩn bị thể lực, mảng miếng tấn công của ông thầy kém là đội lao dốc ngay từ đầu.
Điều kiện tài chính tối thiểu để tham dự V.League của VFF là 35 tỷ đồng/mùa, nhưng thực tế các đội phải tiêu tốn ít nhất 50-60 tỷ đồng. Về sổ sách, để chuẩn bị cho mùa bóng SLNA vẫn có 60 tỷ đồng trong đó 20 tỷ đồng là của Bắc Á, phần còn lại là của các nhà tài trợ phụ. Nhưng đến giờ mọi thứ còn đang nằm trên giấy tờ, bao giờ mới về tài khoản của CLB lại là câu chuyện dài kỳ. Điều đó càng làm dấy nên nỗi lo tại cuộc đua trụ hạng, bao giờ cũng tiêu hao rất nhiều tiền bạc để thưởng cho cầu thủ, động viên khích lệ tinh thần.
 Niềm tự hào của xứ Nghệ. Ảnh SLFC

Là một CLB như giới thiệu có đầy đủ các phòng ban bóng đá chuyên nghiệp như mô hình VFF yêu cầu, cán bộ thì bằng cấp đầu đủ, tiền bạc lại sẵn sàng “vì Bắc Á là ngân hàng” (lời TGĐ Nguyễn Hồng Thanh) nhưng cách tuyển ngoại binh vài mùa giải nay thật lạ lùng. Phải sát đến ngày khai mạc, trung vệ Igor Jelic mới có mặt ở sân Vinh, ngoại binh Felipe Martins lại được tuyển dụng theo kiểu từng trận hệt bóng đá “phủi” tuyển tây ba lô.
Tuyển được ngoại binh chất lượng là điều khó, nhưng Peter Samuel, Bruno Henrique thuộc dạng ngoại binh “chân gỗ”, đỡ bóng bước 1 còn không xong là điều cổ động viên xứ Nghệ ai cũng thấy, trừ BHL SLNA. Việc chả ai phải đứng ra chịu trách nhiệm trong việc tuyển chọn ngoại binh khiến cho đây không phải là mùa giải đầu tiên điều này xẩy ra.
Nhưng chưa thấy đường thoát
Cổ động viên xứ Nghệ phần nào đã thấy thiện chí của CLB SLNA, trong thời điểm toàn bộ đội 1 phải cách ly, bận khá nhiều công việc vẫn tổ chức một cuộc họp báo để chia sẻ thông tin. Nhưng khác với Thanh Hóa, Hải Phòng có sự xuất hiện của những người có trách nhiệm, có những quyết định mang tính cấp bách để thay đổi căn cơ CLB thì lần này SLNA không có được may mắn đó.
Dường như không có nguồn kinh phí để tăng cường cầu thủ, thay thế ngoại binh thì sự xuất hiện của Huy Hoàng trên vị trí HLV trưởng cũng chỉ là “bình cũ, rượu mới”. Trong khi đó, đông đảo người hâm mộ lại chờ đợi một quyết định “sốc” để giúp đội bóng có thể có sớm thoát ra khỏi vị trí đèn đỏ vì người ta tin lực lượng cầu thủ nội SLNA hiện nay đủ sức làm điều đó. “Người hâm mộ cần nhìn thấy một thế hệ 4.0, hướng tới sự cầu thị học hỏi, thay đổi phù hợp với xu thế bóng đá hiện đại” nhà báo Phan Quang Huy và cũng là một CĐV SLNA khẳng định.
 'Ai sẽ chịu trách nhiệm chính trong chặng đường gian khổ trong vài tháng tới đây của đội bóng xứ Nghệ' cổ động viên Thanh Tùng  đầy boăn khoăn. Ảnh FBNV

Vẫn biết sau 12 năm “chung tay” Bắc Á rút lui là để SLNA có một sự thay đổi toàn diện là điều tích cực. Nhưng ai sẽ chịu trách nhiệm chính trong chặng đường “gian khổ” vài tháng tới đây của đội bóng xứ Nghệ. Bắc Á hay TGĐ Nguyễn Hồng Thanh, người đã 72 tuổi là điều chưa có câu trả lời” từ TP HCM cổ động viên Trương Thanh Tùng boăn khoăn.
Làm thế nào để cho các cầu thủ SLNA có đủ động lực, gồng mình đá nhằm thoát khỏi vị trí thứ 14 trong bối cảnh quá nửa đội hình chính chưa biết tương lai của mình như thế nào? Liệu SLNA có đủ sức trụ được ở V.Leage để chờ nhà tài trợ mới xuất hiện?
Ngổn ngang trăm mối tơ vò.