Nỗi niềm người chăn nuôi

Ngọc Ánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) xảy ra, hơn ai hết người chăn nuôi là đối tượng dễ bị tổn thương nhất. Gánh nặng càng dồn lên vai người chăn nuôi khi vừa phải chống dịch vừa phải gồng mình trước cơn “bão” giá.

Nông dân chăm sóc đàn lợn tại huyện Thạch Thất. Ảnh: Trọng Tùng
Hộ anh Nguyễn Hữu Sáng, ở thôn Xuân Lai, xã Xuân Thu, huyện Sóc Sơn cho biết, ngày 12/3, anh vừa nhận được số tiền hỗ trợ dịch tả lợn châu Phi hơn 80 triệu đồng. Trước đó, gia đình anh Sáng là hộ đầu tiên trên địa bàn huyện Sóc Sơn xuất hiện ổ dịch tả, buộc phải tiêu hủy 24 con với tổng trọng lượng 2,2 tấn. “Mặc dù đã cầm chắc số tiền hỗ trợ trong tay, song tôi vẫn thấp thỏm bởi nếu dịch bệnh kéo dài và tiếp tục lan rộng, không biết tiến độ tái đàn sẽ phải lùi đến khi nào” – anh Sáng bộc bạch.

Hộ anh Phùng Đăng Thanh, ở xã Phú Sơn, huyện Ba Vì đang nuôi 1.000 con lợn cũng không khỏi lo lắng khi giá lợn hơi ở Ba Vì đang ở mức 36.000 – 37.000 đồng/kg, mức giá này đã giảm khoảng 11.000 đồng/kg so với thời điểm sau Tết Nguyên đán. “Hiện nay, mỗi tháng tôi xuất bán 15 – 17 tấn lợn, đồng nghĩa với việc bị lỗ 200 triệu đồng do giá lợn liên tục giảm. Đó là chưa kể, việc không tiêu thụ được lợn giống nên trung bình mỗi ngày, tôi phải bỏ ra 15 triệu đồng tiền thức ăn cho đàn lợn thịt 900 con” – anh Thanh chia sẻ.

Mong muốn của anh Thanh và nhiều hộ chăn nuôi là Nhà nước có chính sách hỗ trợ cho các trang trại lớn, hộ chăn nuôi bởi thiệt hại do DTLCP là quá lớn, nhất là giá lợn đang có dấu hiệu tiếp tục giảm. Đáng buồn hơn, theo phản ánh của nhiều hộ chăn nuôi, chủ trang trại, tại các huyện ngoại thành, sức tiêu thụ thịt lợn cũng giảm hẳn do tâm lý người dân vẫn cảnh giác và dè chừng với thịt lợn. Do đó, truyền thông có vai trò rất quan trọng trong việc tuyên truyền để người dân hiểu rõ, hiểu đúng về DTLCP. Làm sao để người dân không quay lưng với thịt lợn, không tẩy chay thịt lợn.

Đại diện Công ty CP Chăn nuôi CP Việt Nam cho hay, thực tế hiện nay, do một bộ phận người dân chưa hiểu đúng về DTLCP nên một số quầy bán thịt lợn và các sản phẩm từ thịt không tiêu thụ được hàng. Nếu sản phẩm thịt không tiêu thụ được đã ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất của hộ chăn nuôi, đặc biệt là tác động tiêu cực đến vòng quay của lợn nái. Do lợn là tài sản của Công ty nên nếu DTLCP xảy ra, Công ty cam kết vẫn trả tiền công cho các hộ nuôi gia công để bà con hoàn toàn yên tâm. Đại diện Công ty CP cũng cho biết: “Mặc dù thời gian qua, Công ty CP cùng các hộ chăn nuôi thực hiện rất tốt các biện pháp phòng chống dịch bệnh, song Công ty CP cũng không thể đơn lẻ bảo vệ được đàn lợn miễn nhiễm khỏi dịch bệnh nếu không có sự chung tay của cả cộng đồng”.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần