Nỗi niềm người xa quê hương trong đại dịch Covid-19

Nguyễn An Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 11/3, trong cuộc họp báo Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros đã tuyên bố dịch bệnh COVID-19 là “đại dịch”. Hơn 110 quốc gia và vùng lãnh thổ đã xuất hiện người nhiễm Covid-19, hãy cùng Kinh tế và Đô thị chia sẻ tâm trạng của những người Việt ở nước ngoài.

Chiều 12/3, Hoa Kỳ đã có thêm 336 ca nhiễm với 2 người chết. Hiện đang có 1.650 người nhiễm COVID-19 và 40 người chết trên 46 tiểu bang của Mỹ.
Tiểu bang có số lượng tăng vọt trong 24 giờ qua là New York, với thêm 109 ca nhiễm mới.
Nỗi lo tầm thường của tôi
Từ San Francisco, tiến sĩ văn học Hoàng thị Vinh chia sẻ “nỗi lo tầm thường của tôi” với tâm trạng khá ngạc nhiên với những gì đang diễn ra xung quanh. “Các cửa hàng hết giấy vệ sinh, keo sát trùng rửa tay, tất nhiên là hết khẩu trang. Mình có khẩu trang dùng nhiều lần để dùng nhưng phải đi chợ mua giấy vệ sinh cho bọn trẻ”.
“CVS, WHole Food, Natural Groceries là ba nơi mình đi. Không có nước xịt diệt khuẩn; giấy diệt khuẩn, giấy vệ sinh còn dăm ba cuộn loại đắt, có nơi để trang trọng ở lối đi. Cồn hết sạch, vodka 75% giá trên 20$/chai, mà cũng là trên mạng chứ không có trên giá. Xà phòng giặt loại diệt khuẩn hết sạch.Rau đông lạnh sạch trơn trên giá. Mì sợi hết 2/3, bột cà chua hết 1/2, soup hộp hết 1/2. Yura (chồng chị Vinh- người viết) đi Costco hôm qua, rốt cuộc vẫn không, không rau quả đông lạnh, không thịt cá đông lạnh. Không còn cả giấy vệ sinh luôn”.
 Giấy vệ sinh cũng trở nên khan hiếm trong thời dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
“Chính sách trả lại hàng thoải mái làm cho mọi người mua nhiều? Mua trả được trong 30-60 ngày và nhà nào cũng có ô tô, bếp rộng, nhiều nhà có kho, tiền nhiều nên chỉ cần 20 người đến mua là hết kệ ? Dân tài chính, công nghệ phải làm việc ở nhà, không ăn không sinh hoạt tại công ty nữa nên phải tự mua đồ? Trẻ con nghỉ học- cũng là một lý do các gia đình tăng mua?
Các cụ già lâu nay ngồi nhà, hôm nay ra siêu thị khá đông. Người mua vội vã, có vẻ như kém lịch sự hơn? Hay tại mình tự thấy? (Nhìn thấy hộp thức ăn theo suất của Amazon tại Whole Food. Mua thử một suất. Sao Amazon đã bán thức ăn theo suất tại các cửa hàng mà không cho đơn giao thẳng tận cửa sổ?!) Ai bán hàng vào Mỹ nên nhớ: Mỹ quẫy tý là trống cả cửa hàng, tha hồ xuất khẩu vào Mỹ nhé!
Đỗ xe, khoá rồi lại kiểm tra xem giấy vệ sinh mua 4 cuộn hôm nay đã che giấu kỹ chưa kẻo có đứa đập kính lấy trộm. Nỗi lo của tôi sao tầm thường thế?!”
Đã lâu lắm rồi, người dân Mỹ mới lâm vào những hoàn cảnh như thế, có tiền mà không thể nào mua được gạo, khẩu trang, nước rửa tay và thậm chí cả giấy vệ sinh. Những lúc này thì người phụ nữ gốc Vinh hẳn sẽ thèm khoảng khắc sống ở Việt Nam hơn bao giờ hết, những nỗi lo sẽ tan biến ngay.
Làm sao thăm được nhau?
Cùng thời điểm đó, Đức công bố thêm 779 ca nhiễm mới với 3 người chết. Tổng cộng Đức hiện đang có 2.745 ca nhiễm và 6 ca tử vong. Tỉ lệ tử vong là 0,20%, thấp nhất thế giới. Nhưng có vẻ luật sư Yến Hải đang sinh sống và làm việc tại Đức thì tự tin hơn, chị chia sẻ: “Đức hiện tại có khoảng 28.000 phòng điều trị đặc biệt, nhiều hơn cả số lượng bệnh nhân bị nhiễm virus Corona đang ở trong tình trạng nặng/nguy hiểm trên toàn thế giới. Điều đó có nghĩa là Đức hoàn toàn có đủ cơ sở vật chất để điều trị cho bệnh nhân trong trường hợp dịch bùng phát mạnh hơn nữa, mà chưa cần đến các bệnh viện dã chiến. Đức hiện khoảng 4,5 bác sĩ/1.000 dân, xếp thứ 11 trên thế giới, tức cứ 222 người dân thì có một người là bác sĩ”.
 Những gian hàng trống trong siêu thị.
Định cư ở Đức khá lâu nên nữ luật sư rất tin vào khả năng của y tế Đức, chị thông tin: “Mỗi ngày Đức có khả năng xét nghiệp khoảng 12.000 trường hợp nghi nhiễm virus Corona. Hiện tại, mỗi tuần Đức chỉ mới xét nghiệm khoảng 12.000 trường hợp. Mỗi giờ các số điện thoại đường dây nóng về dịch Coronoa ở Đức nhận khoảng 12.000 cuộc gọi.
Các bác sĩ sẽ nói chuyện với bệnh nhân nghi ngờ nhiễm Corona qua điện thoại, đánh giá tình hình cụ thể trước khi quyết định có điều xe cấp cứu đến đón bệnh nhân đi viện khám, xét nghiệm hay không. Các trường hợp nghi ngờ bị nhiễm virus Corona không được tự ý đến bệnh viện để yêu cầu khám, xét nghiệm.
Đức là một trong những quốc gia có nền y học tiên tiến hàng đầu trên thế giới, với rất nhiều viện nghiên cứu, phòng thí nghiệm về virus, vaccine, thuốc… Đức hiện đã tự sản xuất bộ kit xét nghiệm virus Corona. Nên về cơ bản, nước Đức vẫn đang tự tin và làm chủ được trong cuộc chiến chống virus Corona. Người Đức đầu tiên và duy nhất tử vong vì virus Corona cho đến lúc này là một lính cứu hoả 60 tuổi ở Hamburg. Tuy nhiên, người này tử vong khi đang đi du lịch ở Ai Cập cùng vợ.”
Nhưng nỗi lo lại nằm ở chỗ khác, khi Slovakia, nơi chồng chị đang sinh sống lại đang áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt để chống sự lây lan của Covid-19. Slovakia hạn chế người đi lại, chỉ cho ai có thẻ cư trú mới được nhập cảnh Slovakia.
Chính phủ đóng cửa 3 sân bay vận tải quốc tế Bratislava, Kosice, Poprad, ngừng vận chuyển đường bộ, đường sắt quốc tế trừ vận chuyển cung ứng đồ thiết yếu, đường sắt nội địa sẽ chuyển sang chế độ vận chuyển mùa hè. Cách ly bắt buộc tất cả với người nước ngoài, trường học nhà trẻ đóng cửa từ 16/3. Slovakia yêu cầu các cơ sở văn hóa, xã hội tiếp tục đóng cửa còn các quầy bar, khu trượt tuyết, wellness, các công viên nước sẽ phải đóng cửa ngay.
Như vậy chồng kinh doanh ở Slovakia, còn vợ mở văn phòng luật ở Đức sẽ còn phải xa nhau dài dài, không biết đến bao giờ mới gặp được nhau. Virus Corona đang làm đảo lộn cuộc sống của không biết bao nhiêu người. Nghĩ lại, tại Việt Nam cuộc sống vẫn còn tốt chán!

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần