Nới trần vay ODA thêm 60.000 tỷ đồng trong 3 năm tới

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với 92,99% đại biểu tán thành, sáng nay 12/11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết Điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020.

 
Nghị quyết điều chỉnh tăng tổng mức vốn nước ngoài kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 từ 300.000 tỷ đồng lên tối đa 360.000 tỷ đồng nhưng yêu cầu giảm tương ứng nguồn vốn vay trong nước để đảm bảo an toàn nợ công… đồng thời vẫn giữ mức trần đầu tư công 2 triệu tỷ đồng.

Nghị quyết điều chỉnh tăng tổng mức vốn nước ngoài kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 từ 300.000 tỷ đồng lên tối đa 360.000 tỷ đồng, đồng thời điều chỉnh giảm tương ứng vốn vay trong nước để đáp ứng yêu cầu giải ngân đối với những dự án sử dụng vốn nước ngoài. Điều chỉnh giảm nguồn vốn cho các dự án quan trọng quốc gia 10.000 tỷ đồng (từ 80.000 tỷ đồng xuống 70.000 tỷ đồng).

Nghị quyết cũng cho phép sử dụng nguồn dự phòng chung của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 trên cơ sở bảo đảm khả năng cân đối vốn đầu tư của ngân sách nhà nước hằng năm và giữ mức trần đầu tư công 2 triệu tỷ đồng (không bao gồm nguồn tăng chi đầu tư phát triển do tăng thu ngân sách địa phương và thay đổi cơ chế đối với nguồn vốn để lại đầu tư cho Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội được đưa vào cân đối trong ngân sách nhà nước từ năm 2019), giữ tỷ lệ bội chi, chỉ tiêu an toàn nợ công đã được Quốc hội quyết định.

Thứ tự ưu tiên phân bổ vốn dự phòng chung nguồn ngân sách trung ương còn lại và vốn nước ngoài tăng thêm, theo Nghị quyết, các dự án được bố trí vốn dự phòng chung nguồn ngân sách trung ương phải bảo đảm nguyên tắc cân đối được nguồn trong dự toán ngân sách nhà nước hằng năm và bảo đảm tuân thủ các quy định về nguyên tắc, thứ tự ưu tiên theo quy định tại Nghị quyết số 26/2016/QH14 của Quốc hội.

Trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình về ý kiến của các đại biểu Quốc hội, ông Nguyễn Đức Hải - Chủ nhiệm Ủy ban Tài Chính, Ngân sách của Quốc hội, cho biết, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị sử dụng nguồn dự phòng chung của Kế hoạch đầu tư công trung hạn để có thêm nguồn lực cho đầu tư phát triển. Một số ý kiến đề nghị chưa sử dụng nguồn dự phòng chung vì thu ngân sách trung ương không đạt kế hoạch, không cân đối được nguồn vốn để phân bổ Kế hoạch đầu tư công trung hạn sẽ dẫn đến tình trạng dở dang, dàn trải, xin - cho.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, trong bối cảnh nguồn vốn dành cho đầu tư công còn hạn hẹp, thấp hơn nhiều so với nhu cầu đầu tư thực tế, việc sử dụng nguồn dự phòng chung trong phạm vi mức tối đa là 2.000.000 tỷ đồng đã được Quốc hội quyết định cho giai đoạn 2016 - 2020 là cần thiết, góp phần kịp thời bổ sung nguồn vốn để khắc phục tình trạng nhiều dự án có trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn dở dang, chậm tiến độ do thiếu vốn, sớm đưa các dự án, công trình đi vào sử dụng, phát huy hiệu quả đầu tư; đồng thời, bổ sung nguồn vốn giải quyết những vấn đề cấp bách phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện Dự thảo Nghị quyết điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020. Theo đó, việc sử dụng dự phòng chung phải đảm bảo trong phạm vi mức trần đầu tư công 2.000.000 tỷ đồng, giữ tỷ lệ bội chi, chỉ tiêu an toàn nợ công, phù hợp với khả năng cân đối vốn đầu tư của ngân sách nhà nước hằng năm; quy định nguyên tắc, thứ tự ưu tiên sử dụng nguồn vốn dự phòng chung theo hướng tập trung cho các dự án đã có trong danh mục đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 đang thực hiện dở dang, thiếu vốn nhằm đáp ứng tiến độ đầu tư, hoàn thành, đưa vào sử dụng, tránh lãng phí, dàn trải trong đầu tư.

Đối với vốn cân đối ngân sách địa phương, Nghị quyết cho phép các địa phương được giao kế hoạch đầu tư công hằng năm nguồn vốn trong cân đối ngân sách địa phương trên cơ sở khả năng thu thực tế, bảo đảm không tăng mức bội chi của ngân sách địa phương hằng năm, triển khai tổng kết vào cuối kỳ Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020.