Nơm nớp lo hàng giả, hàng gian

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2019 do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì diễn ra ngày 1/8, dù có nhiều thông tin tích cực về triển vọng kinh tế Việt Nam nhưng Thủ tướng cũng nêu hàng loạt khó khăn đối với nền kinh tế. Đó là một số công trình quan trọng của đất nước đang chậm tiến độ làm giảm hiệu quả tăng trưởng, khó khăn diễn ra với nhiều nền kinh tế lớn, dẫn đến thương mại cũng giảm theo, đáng nói là tình trạng gian lận thương mại ngày càng diễn biến phức tạp.

 Kiểm tra hàng giả, hàng nhái tại xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Ảnh: Bộ Công Thương
Cùng ngày, cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ cũng nóng lên bởi các vấn đề buôn lậu, gian lận thương mại. Hàng loạt câu hỏi liên quan đến việc công bố kết luận về vụ Asanzo, về việc mới đây Hải quan Hải Phòng bắt giữ container hàng nghìn linh kiện điện thoại được khai tờ khai là sản xuất, xuất xứ từ Trung Quốc nhưng trên các thiết bị đều ghi xuất xứ Việt Nam, nhãn tiếng Việt. Hàng do một công ty tại Hà Nội ủy thác nhập khẩu cho một công ty tại Lạng Sơn làm thủ tục nhập khẩu.

Trong tình hình phức tạp nhiễu thông tin như hiện nay, yêu cầu đặt ra là cơ quan chức năng phải làm rõ tiêu chí xác định hàng "Made in Vietnam" nhằm bảo vệ các DN làm ăn chân chính. Gian lận, giả mạo nhãn mác “Made in Vietnam” không chỉ gây thất thu ngân sách, làm thiệt hại cho người tiêu dùng mà còn ảnh hưởng rất lớn đến uy tín DN Việt Nam, tới sức cạnh tranh của nền kinh tế và ảnh hưởng trực tiếp tới hiệu quả của công tác hội nhập.

Theo Cục Điều tra Chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan, hiện có tình trạng DN Việt, thương nhân Việt và Trung Quốc móc nối với nhau làm giả từ bút bi, băng keo "Made in Viet Nam" tuồn vào Việt Nam; nhiều DN nhập khẩu gỗ thành phẩm, bán thành phẩm từ Trung Quốc.

Trong bối cảnh vừa ký các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với quốc tế, nguồn vốn đầu tư ngày càng đa dạng, yêu cầu đặt ra đối với lực lượng chức năng là tăng cường quản lý Nhà nước, chủ động xây dựng các kế hoạch đấu tranh sát thực tiễn, tăng cường giám sát hoạt động thương mại điện tử, chủ động tuyên truyền cho DN và người dân về hàng gian, hàng giả… đồng thời phải có chế tài xử phạt nghiêm, đưa vào luật cụ thể.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã phê duyệt Đề án "Tăng cường quản lý Nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ". Để tăng cường quản lý Nhà nước đối với hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, đầu tư nước ngoài, Đề án đẩy mạnh việc theo dõi tình hình xuất nhập khẩu với các đối tác thương mại lớn nhằm cảnh báo nguy cơ xảy ra các vụ kiện phòng vệ thương mại, lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, giúp DN, đặc biệt DN nhỏ và vừa chủ động phòng ngừa và ứng phó với các vụ kiện phòng vệ thương mại, hướng tới xuất khẩu bền vững. Tinh thần chống gian lận thương mại, nhưng không được ảnh hưởng đến đầu tư kinh doanh, quyền lợi chính đáng của DN, có vướng mắc phải sớm kết luận đúng sai. Bộ Công Thương mới đây đã hoàn tất dự thảo văn bản quy định tiêu chí xác định thế nào là hàng "Made in Vietnam" tiêu thụ nội địa và đang lấy ý kiến của đông đảo người dân, DN và các chuyên gia.

Từ nay tới cuối năm, để thúc đẩy tăng trưởng bền vững, bên cạnh việc thực hiện nhiều giải pháp tổng thể Chính phủ đề ra thì việc làm cần thiết là phải sớm ban hành kế hoạch hành động nhằm thực hiện đề án của Chính phủ, trong đó chú trọng đến việc phối hợp với các bộ, ngành khác như Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Công an, KH&CN, Hải quan, Thuế… trong việc đấu tranh với hành vi gian lận thương mại…