Nón lá Cao Dương tìm thương hiệu

Bài, ảnh: Nguyễn Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với một xã thuần nông như Cao Dương, Thanh Oai, nghề làm nón đã góp phần quan trọng trong việc giải quyết công ăn việc làm cho người dân vào lúc nông nhàn, tăng thêm thu nhập và lưu giữ nét văn hóa Việt.

Tăng thêm thu nhập
Làm nón lá là một trong những nghề thủ công truyền thống lâu đời ở nước ta. Chiếc nón lá là vật dụng gần gũi, thân quen của mỗi người, nhất là với chị em phụ nữ. Nón không chỉ dùng  đội đầu để che nắng che mưa, còn góp phần tạo nên nét duyên dáng cho người con gái Việt. Cho dù trong xã hội hiện đại, nhiều người không còn dùng nón lá, nhưng cùng với tà áo dài, chiếc nón đã trở thành trang phục truyền thống của phụ nữ Việt Nam, là vật rất đỗi thân thiết của người nông dân.
Theo người làm nghề, để hoàn thiện một chiếc nón, người thợ phải trải qua nhiều công đoạn. Trước hết là chuẩn bị lá nón, vót khung vành, xếp lá vào khung, thắt nón và  cuối cùng là làm cạp, tra nhôi làm quai. Trước khi dùng nón, có thể quang thêm một lớp dầu bóng để tăng độ bền. Nón Cao Dương không thanh cảnh như nón bài thơ ở Huế, nhưng vẻ đẹp toát lên tinh tế, sắc sảo từ đường kim mũi chỉ. Hơn nữa, nón Cao Dương nhìn khỏe khoắn, bền chắc và có tuổi thọ cao gấp đôi nón ở những nơi khác.    

Người dân thôn Cao Xá đan nón tại gia đình.

Ở Cao Dương, nghề làm nón thu hút được nhiều lao động từ các cụ già đến trẻ nhỏ đều có thể tham gia làm nghề. Trong gia đình, tuy không có sự phân công lao động rõ ràng nhưng cũng có sự phân công theo sức lao động của từng người. Đàn ông thì pha tre và vót thành vành nón. Còn người mẹ, người bà, và con cái thì xây vành, xây lá và thắt nón. Mỗi ngày làng nghề sản xuất ra hàng ngàn chiếc nón lá để xuất đi các nơi. Bà Nguyễn Thị Sinh, thôn Cao Xá, năm nay đã ngoài 60 tuổi nhưng hàng ngày vẫn thắt nón, vui vẻ cho biết: “Trung bình một ngày, tôi có thể làm được 1 – 2  chiếc nón, với mức giá bán ra thị trường từ 50 – 120 ngàn đồng, trừ  chi phí cũng được 50 – 70 ngàn đồng/ngày. Với những người trẻ, nhanh tay nhanh mắt, thu nhập còn cao hơn”.  
Phó Chủ tịch UBND xã Cao Dương, Trần Thế Anh cho biết, xã có 7 thôn thì 4 thôn làm nghề nón lá và có tới 80% số hộ trong các thôn đó tham gia làm nghề. Hàng năm, ngành tiểu thủ công nghiệp đóng góp 40% vào tổng thu ngân sách địa phương. Nhờ có làng nghề mà đời sống Nhân dân được nâng cao, góp phần cải thiện mức sống của người dân nơi đây. Hiện mức thu nhập bình quân của toàn xã là 34 triệu đồng/người/năm. Nhiều hộ gia đình làm nghề nón lá đã xây dựng được nhà cao tầng, đường làng, ngõ xóm sạch sẽ, các công trình phúc lợi công cộng được xây dựng khang trang và hiện đại. Để phát triển nghề truyền thống, chính quyền địa phương đã tạo điều kiện cho người dân tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, đưa sản phẩm đi quảng bá ở các hội chợ, mở các lớp đào tạo nâng cao tay nghề. Nón Cao Dương không chỉ giúp người dân địa phương vững vàng về kinh tế mà còn giúp bảo tồn, gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần.
Còn đó những trăn trở
Băn khoăn lớn nhất của người Cao Dương hiện nay sản phẩm của làng nghề chưa có thương hiệu. Vì vậy, nón lá Cao Dương thường bị đánh đồng với sản phẩm của các vùng khác. Một số nơi còn nhập hàng của Cao Dương rồi gắn nhãn mác của họ vào, hoặc mượn danh làng nghề làm hàng kém chất lượng, gây mất uy tín. Để bảo vệ danh tiếng cho làng nghề phát triển bền vững, sản phẩm có cơ hội tiếp cận những thị trường tiềm năng mới, yêu cầu cần thiết hiện nay là nón Cao Dương cần có một thương hiệu. Để làm được điều đó, Cao Dương rất cần được các cấp chính quyền TP quan tâm xây dựng thương hiệu cho làng nghề, giúp người dân dựa vào đó để làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
            

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần