Nông dân Hoài Đức khó tiếp cận vốn vay

Bài, ảnh: Ngọc Ánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thực tế hiện nay, nhiều nông hộ trên địa bàn huyện Hoài Đức có nhu cầu vay vốn Quỹ Khuyến nông (QKN) Hà Nội để phát triển sản xuất, song khó tiếp cận do nhiều vướng mắc chưa được tháo gỡ.

Trong khi các huyện, thị khác có nhiều trường hợp được xem xét phương án vay vốn QKN TP thì năm 2020, Hoài Đức chỉ có một trường hợp duy nhất. Đó là hộ ông Nguyễn Đình Thả, ở thôn Cát Ngòi, xã Cát Quế đang nuôi 3.000 gà đẻ giống Ai Cập. Trước đây ông Thả từng đề xuất vay QKN nhưng không được chấp thuận vì mảnh đất chưa chính chủ, sổ đỏ chưa mang tên mình.
 Ông Nguyễn Đình Thả đang kiểm tra đàn gà Ai Cập.
“Lúc đó tôi phải vay Quỹ tín dụng của địa phương 150 triệu đồng với lãi suất hơn 1%/tháng, còn cao hơn cả lãi ngân hàng nhưng đành chấp nhận. Giờ đất đã sang tên, thế chấp được nên tôi đăng ký vay QKN 200 triệu đồng để phát triển sản xuất vì mức phí chỉ có 0,5%/tháng”.

Trạm trưởng Trạm Khuyến nông Hoài Đức Nguyễn Quang Tuyến cho biết, một năm 2 lần vào đầu năm và giữa năm, trạm thông báo cho từng xã về các điều kiện vay QKN, nhưng do nhiều lý do khiến cho người dân khó tiếp cận. Đơn cử, tài sản thế chấp là đất thổ cư, song ở đây mỗi hộ thường có diện tích nhỏ từ 100 - 150m2, lại áp giá theo quy định Nhà nước chỉ bằng 1/5 - 1/10 giá thị trường nên không thể đủ. Vướng mắc về tài sản thế chấp là khó khăn chung của nhiều hộ dân ở huyện Hoài Đức khiến họ e ngại tiếp cận nguồn QKN. Mặt khác, thủ tục vay vốn QKN rất chặt chẽ, từ lúc đăng ký đến khi giải ngân thường phải chờ 1 - 2 tháng mới được giải ngân vì qua 3 vòng thẩm định mới duyệt làm thủ tục ra công chứng thế chấp tài sản.
Đáng nói, nếu như trước đây, trung bình mỗi năm Hoài Đức có hơn 10 hộ được vay vốn QKN để phát triển sản xuất thì nay rất khiêm tốn. Bởi ngay từ khâu làm phương án vay, nhiều hộ không được UBND xã xác nhận do trại chăn nuôi không nằm trong vùng quy hoạch xa khu dân cư, trong khi thực tế cả huyện chưa có khu chăn nuôi tập trung nào.
“Năm nay có mấy phương án vay vốn bị hủy bỏ là vì những lý do trên, chỉ còn một phương án của ông Thả là khả thi vì có diện tích thổ cư rộng đến hơn 1.000m2. Vì vậy, theo tôi Hội đồng thẩm định cấp TP cần xem xét áp giá đất sát với thực tế hơn, thủ tục ủy quyền thế chấp tài sản cũng như thủ tục hành chính cần đơn giản, nhanh gọn hơn mới tháo gỡ được những khó khăn này” – ông Nguyễn Quang Tuyến kiến nghị.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần