Nông dân Quảng Nam buồn rầu vì rau được mùa mất giá

Công Huy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những ngày này, tại các vùng rau chuyên canh ở tỉnh Quảng Nam, nông dân buồn rầu bởi rau quả được mùa nhưng mất giá.

Được mùa mất giá
Theo ghi nhận tại huyện Đại Lộc, Duy Xuyên, Điện Bàn..., các vựa rau quả như đậu tây, dưa leo, khổ qua, xà lách... tươi xanh, cho quả xum xuê. Tuy nhiên, người nông dân lại buồn rầu, lo lắng khi giá cả xuống quá thấp. Bán không có lãi nên nhiều nông dân chán nản không muốn thu hoạch, bỏ ruộng hoang.
Tại thôn Vân Quật (xã Duy Thành, huyện Duy Xuyên), những giàn khổ qua, đậu cô ve đã vào kỳ thu hoạch. Đang hái đậu cô ve, bà Trần Thị Tư (66 tuổi) than thở: “Mỗi năm gia đình tôi sử dụng 3 sào ruộng để trồng đậu cô ve và trái khổ qua. Năm nay thời tiết thuận lợi, vườn rau quả cũng cho năng suất cao nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và thị trường tiêu thụ bị hạn chế nên giá cả tụt thấp so với mọi năm”.
Giàn trái khổ qua xanh mơn mởn đến kỳ thu hoạch nhưng người dân không hái.
Mỗi năm với 3 sào ruộng trồng rau quả, bà Tư thu lại hàng chục triệu đồng/1 vụ. Năm nay giá 1kg đậu cô ve chỉ có 2.000 đồng, trái khổ qua 5.000 đồng/kg nên bà Tư chỉ mong thu lại công chăm bón.
“Hiện tại nông dân ở đây đang cố gắng hái những trái tươi ngon nhất để mang ra chợ bán với mong muốn có thể cứu vãn được ít vốn đã bỏ ra để mua cây giống và phân bón”, bà Tư chia sẻ.
Cùng cảnh ngộ, ông Lê Tấn Hồng (71 tuổi, thôn Vân Quật) cho biết, năm nay gia đình ông đầu tư hơn 7 triệu đồng để mua giống cây khổ qua và bí đao để trồng. “Trồng được 5 sào khổ qua và bí đao, thấy trái xum xuê tưởng rằng năm nay trúng mùa lớn, ai ngờ giá chỉ có mấy nghìn bạc. Chán không muốn thu hoạch”, ông Hồng tâm sự.
Tại cánh đồng rau xã Duy Phước, huyện Duy Xuyên, nông dân đang thu hoạch vụ rau Đông Xuân để chuyển sang vụ Hè Thu. Nhiều luống rau cải, xà lách, ngò… xanh mơn mởn vẫn nằm chờ ngoài đồng, vì giá bán quá thấp nên nông dân không muốn thu hoạch.

Bà Trần Thị Tư cho biết rau rẻ mà bán không ai mua.

Bán không ai mua, nông dân gặp khó
Ở huyện Đại Lộc, các vườn rau sạch giờ đã ngả vàng, già úa chẳng ai quan tâm đến. Từ sau Tết đến nay, gia đình ông Phan Văn Thái (60 tuổi, thôn Phú Phước, xã Đại An) vẫn chưa bán ra thị trường một ký rau nào vì giá quá rẻ. Ông Thái cho biết: “Giá rau từ trước Tết đến nay vẫn rất rẻ, những luống rau sắp già không biết bán cho ai nên tôi chưa thu hái”.
Không ít nông dân ở xã Đại An than vãn, năm nay giá rớt thê thảm, rau quả các loại bán không đủ chi phí bỏ ra. Mấy năm trước, thương lái đến tận ruộng mua rau quả giá cao. Năm nay, bí đao, đậu cô ve, trái khổ qua... được mùa nhưng rớt giá thê thảm, nông dân điêu đứng.
Chị Nguyễn Thị Tuyết, tiểu thương bán rau tại chợ Quảng Quế, xã Đại An cho biết, nhìn chung các loại rau củ quả năm nay đều rớt giá, chỉ bằng một phần so với Tết năm trước. Không chỉ nông dân không bán được rau mà tiểu thương cũng gặp khó khăn, buôn bán ế ẩm. Số lượng rau chị Tuyết mua, bán mỗi ngày chưa bằng một nửa Tết năm trước. Một phần do rau củ quả được mùa khiến hàng dồi dào và lượng cung rất lớn.

Ông Đỗ Văn Hòa - Chủ tịch UBND xã Đại An cho biết, từ khi có dịch Covid-19, người dân bắt đầu thói quen tự sản xuất rau sạch tại nhà, giảm thiểu chi tiêu. Dẫn đến rau xanh rớt giá nhưng vẫn không bán được, hoặc người nông dân chỉ bán được số lượng rất ít.

Những luống rau xanh tươi nhưng bán rất chậm, không ai mua. 
“UBND xã đã giao cho HTX nông nghiệp Đại An tìm phương án hỗ trợ người dân, liên kết với các đối tác để giúp đỡ cho bà con nông dân tiêu thụ nông sản ra thị trường”, ông Hòa nói.
Để có những loại rau quả tươi xanh, đảm bảo chất lượng, người nông dân phải bỏ nhiều công sức chăm sóc, nhọc nhằn, vất vả là vậy nhưng năm nay học phải chịu cảnh thua lỗ vì rau quả rớt giá. Tuy nhiên, người nông dân vẫn cố gắng sản xuất để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống và mong ước một vụ mùa mới sẽ thuận lợi hơn.