Nông dân tất bật sau Tết

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngay sau những ngày nghỉ Tết, trong khi người trồng lúa hối hả bắt tay vào gieo cấy vụ Xuân thì tại các vùng rau, vùng hoa trên địa bàn TP, bà con nông dân cũng tất bật vào vụ mới.

Vùng rau, vùng hoa nhộn nhịp sau Tết

Mới 7 giờ sáng mùng 4 Tết Nguyên đán, cánh đồng rau thôn Vân Trì, xã Vân Nội, huyện Đông Anh đã có rất đông bà con xuống đồng chăm sóc, thu hái rau xanh, vận chuyển hàng hóa ra chợ bán buôn. Vừa nhanh tay giũ, rửa từng thớ đất bám vào rễ rau, chị Bùi Thị San, thôn Vân Trì vừa cho biết, rau không giống vật nuôi, đến ngày là phải thu hoạch ngay, để lâu rất dễ bị thối, hỏng. Cũng bởi vậy mà ngay sau khi kết thúc 3 ngày Tết cổ truyền, gia đình chị San đã ra đồng thu hái rau xanh mang đi bán.
Nông dân huyện Phú Xuyên gieo cấy vụ Xuân.  	Ảnh: Thanh Hải
Nông dân huyện Phú Xuyên gieo cấy vụ Xuân. Ảnh: Thanh Hải
Tất bật không kém, dọc con đường chạy qua vùng rau xã Long Xuyên, huyện Phúc Thọ rất đông nông dân xuống đồng. Chị Hoàng Thị Thu, cụm 3, xã Long Xuyên cho biết, ngay từ mùng 3 Tết, những chuyến xe chở đầy rau xanh đã rục rịch rời cánh đồng tới các khu chợ lân cận như chợ Săn, chợ Gạch… phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân.  Nhu cầu về rau xanh trong dịp Tết tương đối lớn, cộng với giá rau cao đã giúp cho gia đình chị Thu và nhiều hộ trồng rau ở Long Xuyên có nguồn thu nhập tốt.

Giống như các hộ trồng rau, từ tối mùng 2 Tết, nhiều người trồng hoa ở Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm đã chở những chuyến hoa đầu tiên ra chợ Quảng Bá phục vụ nhu cầu tiêu dùng hoa tươi liên tục của người dân. Bà Chu Thị Chúc, cụm dân cư số 3, phường Tây Tựu chia sẻ, hoa đến lứa nở là phải cắt bán. Do đó, không ít hộ trồng hoa phải tranh thủ đi chúc Tết ban ngày, chiều tối về cắt hoa, đêm chở ra chợ bán. Guồng quay công việc hối hả, tất bật từ những ngày Tết. Bù lại, hoa tươi trong dịp Tết Bính Thân được giá nên nhiều nông dân rất phấn khởi. Đơn cử, hoa ly có giá 300.000 – 400.000 đồng/chục, hoa cúc 150.000/mớ 50 bông, hồng son 1 triệu đồng/mớ 50 bông…

Ngày hôm qua (14/2) là Ngày Lễ tình nhân (Valentine) nên trên cánh đồng hoa của phường Tây Tựu, không khí làm việc dường như đông vui, tấp nập hơn. Các hộ dân tất bật cắt hoa bán, trong đó chạy hàng nhất là hoa hồng, ly… Theo các hộ trồng hoa, mùa Valentine năm nay, hoa bán chạy hàng hơn do sản lượng ít nhưng giá chỉ ở mức vừa phải, không quá cao. Cụ thể, giá bán buôn hoa hồng cành dài trong ngày 14/2 chỉ khoảng 60.000 – 70.000 đồng/mớ 50 bông, cành ngắn là 30.000 – 40.000 đồng/mớ, hoa cúc đại cũng chỉ có giá khoảng 1.000 đồng/bông… Cùng với công việc thu hoạch, các hộ trồng hoa còn bắt tay vào cắt tỉa, sửa cây hay trồng lứa hoa mới. “Trồng hoa hầu như không có ngày nghỉ” – một nông dân Tây Tựu tâm sự.

Xuống đồng gieo cấy lúa Xuân

Tranh thủ thời tiết nắng ấm, ngay từ ngày mồng 4 tháng Giêng (tức ngày 11/2), nông dân tại nhiều địa phương trên địa bàn TP đã xuống đồng cấy lúa vụ Xuân. Là một trong những hộ gia đình xuống đồng sớm nhất của xã Đội Bình, huyện Ứng Hòa, chị Nguyễn Thị Khởi cho biết: "Nhận thấy thời tiết ấm, mạ lại dài nên từ sáng mồng 4 Tết, tôi đã huy động cả 4 lao động trong gia đình ra đồng nhổ mạ, cấy lúa, đến nay gia đình đã cấy được 5 sào ruộng". Không chỉ có Đội Bình mà trên các xứ đồng thuộc các xã Trầm Lộng, Minh Đức, Hoa Sơn (huyện Ứng Hòa) cũng đang phủ lên mình màu mạ non xanh. Đến hết ngày 14/2, Ứng Hòa đã cấy được 180ha lúa Xuân. Cùng với đó, huyện tiếp tục đôn đốc các địa phương chủ động lấy nước và làm đất phục vụ nông dân gieo cấy thuận lợi với 100% diện tích đã đủ nước và trên 70% diện tích hoàn thành làm đất đợt 2.

Tại xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức do đặc thù thời điểm cấy lúa vụ Xuân trùng với lễ hội chùa Hương nên nhiều hộ phải tranh thủ thuê nhân công để sớm hoàn thành diện tích lúa của gia đình. Vừa thoăn thoắt cấy những hàng mạ non thẳng tắp, chị Đồng Thị Tuấn, ở thôn Đục Khê, xã Hương Sơn cho hay: "Gia đình tôi mượn thêm nhân công để cấy xong 2 sào ruộng trong ngày hôm nay vì ngày mai còn tiếp tục chèo đò phục vụ khách về trẩy hội".

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó trưởng phòng Kinh tế huyện Mỹ Đức cho biết, tính đến hết ngày 14/2, toàn huyện đã cấy được 15% tổng diện tích lúa Xuân, trong đó tập trung tại các xã Hương Sơn, An Phú, An Tiến... Do ảnh hưởng của đợt rét đậm, rét hại dịp trước Tết Nguyên đán nên một số xã đã phải lùi thời gian gieo mạ, song nhờ được che phủ nilon và chăm sóc cẩn thận nên toàn bộ diện tích mạ vẫn đảm bảo sinh trưởng tốt. "Trong ngày hôm nay (15/2), các xã, thị trấn trên địa bàn huyện sẽ đồng loạt xuống đồng cấy lúa Xuân, dự kiến đến hết ngày 25/2, huyện sẽ hoàn thành gieo cấy 100% diện tích" – ông Tuấn khẳng định.

Cùng với việc vận động nông dân khẩn trương gieo cấy để đảm bảo thời vụ cấy xong trong tháng 2, Sở NN&PTNT đã yêu cầu các huyện chủ động cung ứng đủ nước và phân bón cho nông dân với phương châm "không để mạ non mới cấy thiếu phân, thiếu nước". Bà Nguyễn Thị Thoa – Trưởng phòng Trồng trọt cho biết, mặc dù hôm nay (15/2) là ngày đầu tiên của đợt rét mới, nhiệt độ ở ngưỡng trên 150C nên các địa phương trên địa bàn TP vẫn ra quân cấy lúa Xuân bình thường. Đối với những diện tích lúa đã được cấy, nông dân cần tiếp tục giữ nước để mạ nhanh bén rễ, ra lá non.
Theo số liệu tổng hợp của Sở NN&PTNT, tính đến hết ngày 14/2, tổng diện tích có nước trên địa bàn TP đã đạt trên 70%; 100% địa phương hoàn thành gieo mạ; trên 80% diện tích đã làm đất và làm đất lần 2 đạt trên 90%, diện tích đã cấy đạt khoảng 8% kế hoạch. Một số huyện có tiến độ gieo cấy nhanh hơn so với kế hoạch như: Ba Vì, Sơn Tây, Quốc Oai, Phúc Thọ. Theo chỉ đạo chung, toàn TP phấn đấu gieo cấy lúa Xuân xong trong tháng 2/2016.