Nông dân tất bật xuống đồng đầu Xuân

Bài, ảnh: Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mùng 4 tháng Giêng âm lịch, không khí Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017 vẫn còn lan tỏa khắp những nẻo đường quê. Tuy nhiên, để kịp thời vụ sản xuất theo kế hoạch, bà con nông dân nhiều địa phương trên địa bàn Hà Nội đã tích cực xuống đồng.

Sáng nay, cánh đồng thôn Xuân Bách (xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn) đã có rất đông bà côn nông dân xuống đồng. Là địa phương có tập quán canh tác lúa Xuân muộn hơn so với các huyện, thị xã khác nên thời điểm này, người nông dân huyện Sóc Sơn mới bắt đầu làm mạ. Như mọi năm, vụ Xuân 2017, gia đình cô Nguyễn Thị Quý (thôn Xuân Bách) gieo cấy khoảng 2 sào lúa. Cô Quý cho biết: Kết thúc rằm tháng Giêng sẽ bắt đầu gieo cấy nên phải chuẩn bị mạ luôn để kịp thời vụ. Cùng với những hộ canh tác lúa, nhiều bà con nơi đây cũng rục rịch xuống đồng làm đất chuẩn bị cho vụ dưa lê mới. Bên cạnh xã Đông Xuân, xã Quang Tiến được xem là vùng đất của giống dưa lê có chất lượng tốt và được thị trường Hà Nội rất ưa chuộng. Những năm gần đây, sản xuất của bà con nông dân huyện Sóc Sơn cũng dần trở lên thuận tiện. Trên những cánh đồng, máy làm đất đang dần thay thế sức kéo của gia súc, giúp giảm bớt nhọc nhằn cho người nông dân...

 Bà con nông dân xã Quang Tiến (huyện Sóc Sơn) chuẩn bị mạ. Sóc Sơn là một trong những địa phương có tập quán cấy muộn của Hà Nội.

Những ngày đầu Xuân, đi qua vùng hoa huyện Mê Linh, dễ dàng bắt gặp hình ảnh vàng ươm của hoa cúc trải dài rộng khắp. Anh Nguyễn Văn Hợp (thôn hạ Lôi, xã Mê Linh) cho biết: Gia đình trồng khoảng 8 sào hoa các loại. Vụ hoa Tết 2017, do thời tiết thay đổi thất thường nên lợi nhuận từ cây hoa không thực sự cao. Nhiều hộ thậm chí còn lỗ nặng. Tranh thủ thời điểm ra Tết, vợ chồng anh thu hoạch nốt số hoa còn lại trong Tết để chuẩn bị đất trồng lúa Xuân. Ở huyện Mê Linh nhiều năm qua, những vùng đất cao hầu hết được người dân chuyển đổi sang trồng hoa. Trong khi tại một số vùng thấp hơn vẫn duy trì trồng hai vụ lúa Xuân và lúa Chiêm (vụ Hè Thu) một năm, thời gian còn lại trồng hoa và rau màu. Tại một số vùng hoa lớn của Hà Nội như quận Bắc Từ Liêm hay huyện Đan Phượng, nhiều bà con cũng tập trung thu hoạch số hoa còn sót lại từ vụ hoa Tết và chuẩn bị đất cho vụ hoa mới.

Là một trong những vựa rau của Hà Nội, từ ngày mùng 3 Tết, người dân huyện Đông Anh đã rục rịch xuống đồng thu hoạch rau cưủ quả phục vụ nhu cầu tiêu thụ những ngày đầu Xuân. Theo nhiều bà con chia sẻ, dịp cận Tết, giá rau xanh tăng cao, việc tiêu thụ cũng tương đối tốt. Ra Tết, giá rau xanh vẫn khá, tuy nhiên, việc tiêu thụ có phần chậm hơn do một lượng lớn người lao động các tỉnh, TP về quê ăn Tết chưa trở lại Hà Nội.

Không chỉ ở các huyện Sóc Sơn, Đông Anh, Mê Linh, bà con nhiều địa phương khác cũng tích cực xuống đồng làm đất, gieo mạ, cấy lúa sớm, canh tác các loại cây trồng khác. Tiết trời ấm áp, không mưa là điều kiện thuận lợi cho sản xuất những ngày đầu Xuân năm mới. Nhiều bà con nông dân khi được hỏi đều bày tỏ hy vọng, năm 2017, thời tiết sẽ bớt thất thường hơn, để việc sản xuất của bà con được thuận lợi, để những vụ mùa thêm phần bội thu.

Dưới đây là một số hình ảnh bà con xuống đồng sản xuất vụ Xuân trong ngày 31/1 (tức ngày mùng 4 Tết nguyên đán Đinh Dậu 2017):

 Máy móc đang dần thay thế sức người trong việc làm đất. Ảnh: Người dân huyện Sóc Sơn làm đất chuẩn bị gieo trồng vụ Xuân. 
 Bà con nông dân huyện Mê Linh tranh thủ xuống đồng thu hoạch số hoa còn sót lại trong vụ hoa Tết. 
 
 Bà con nông dân huyện Mê Linh gieo trồng hoa loa kèn vụ mới. 
Rau xanh có giá đắt hơn nhưng nhu cầu thị trường đang khá chậm do người dân về quê nghỉ lễ chưa trở lại Hà Nội. Ảnh: Người nông dân huyện Đông Anh chăm sóc rau xanh. 
 Anh Nguyễn Duy Bảo (xã Mê Linh, huyện Mê Linh) chuẩn bị máy móc lấy nước gieo trồng vụ Xuân 2017.   

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần