Nông dân xứ Nghệ thu nhập hàng trăm triệu từ quả sở

Hồ Văn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từng được biết đến là xứ sở của dứa, cây hương trầm nhưng những năm gần đây, nhiều hộ dân trên địa bàn xã Tân Thắng (huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) lại có nguồn thu nhập cao từ cây sở, một loại cây lấy quả xuất khẩu.

Xã Tân Thắng (huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) là địa phương có diện tích trồng sở lớn nhất của huyện Quỳnh Lưu. Toàn xã có 61,3ha, trong đó có 35,2 ha đã cho thu hoạch. Hiện tại, nhiều diện tích cây sở có tuổi đời hàng chục năm nhưng vẫn cho sản lượng, giá trị kinh tế, mang lại nguồn thu nhập cao cho bà con nhân dân ở các địa phương.
 
Những ngày cuối năm 2018, gia đình chị Phan Thị Hạnh ở xóm 26/3, xã Tân Thắng có 1,5 ha trồng sở đang cho thu hoạch. Theo chị Hạnh, sở là loại cây sống lâu năm, có tuổi thọ lên đến 70 tuổi, rất dễ trồng, phù hợp với mọi điều kiện thời tiết. Mỗi năm, cây sở chỉ cần bón một lần phân NPK và phát một đợt cỏ. Nếu chăm sóc tốt, một héc-ta cây sở đến kỳ thu hoạch sẽ cho sản lượng đạt 7 tấn quả tươi (tương đương 3 tấn/ha hạt khô). Trước đây, giá bán dao động chỉ từ 10 – 12 nghìn đồng/kg nhưng trong mấy năm nay hạt sở được thương lái thu mua, vận chuyển đi buôn bán ở nước ngoài nên có giá từ 25 - 35 nghìn đồng/kg. Nhờ đó mà sau khi trừ tất cả các khoản chi phí, cho gia đình chị thu lãi từ 70 – 100 triệu đồng/năm.

Cách đó không xa, hộ anh Nguyễn Đình Lạc cũng đang tất bật sấy khô hạt sở. Anh cho biết, gia đình anh có khoảng 2 héc-ta trồng sở, trong đó có hơn một nửa đã cho thu hoạch. Năm nay, sở được mùa, được giá nên gia đình hứa hẹn sẽ có một cái Tết no ấm. “Nếu chăm sóc tốt, bỏ phân đều đặn thì sản lượng rất cao. Hiện tại, một ngày gia đình tôi phải thuê hàng chục người thu nhặt và sấy quả”, anh Thắng chia sẻ.

Hàng năm vào tháng 11, 12 dương lịch quả sở chín, rụng xuống đất và tự nứt hạt ra thì các gia đình thuê nhân công lao động đi nhặt hạt. Theo nhân dân địa phương thì quả sở chưa bao giờ tồn đọng, thu hoạch đến đâu được thương lái mua ngay tại chỗ về để ép dầu ăn và làm phụ gia cho công nghiệp như: sơn tường, mỹ phẩm, còn bã thì dùng làm xà phòng. Đặc biệt, nhiều năm qua, quả sở được thương lái thu mua để xuất khẩu sang thị trường Đài Loan, Trung Quốc đã khiến giá quả sở tăng cao nên người trồng phấn khởi. Hiện nay, hạt sở được thương lái thu mua trên địa bàn xã Tân Thắng là 31 – 32.000 đồng/kg hạt khô.
 Đến mùa, nhiều gia đình phải thuê người nhặt hạt sở rụng.
Hướng đi thoát nghèo

Được biết, tính từ khi sở ra hoa đến khi quả chín là từ 7 - 8 tháng và thu hoạch trong vòng 2 tháng. Trong quá trình quả chín rụng thì cây lại ra hoa đan xen nhau nhưng tỷ lệ đậu quả vẫn đạt rất cao. Từ giá trị kinh tế mang lại lớn, trong khi đó tốn rất ít chi phí và công chăm sóc nên một số bà con xã Tân Thắng, Quỳnh Thắng, Quỳnh Châu đã chủ động ươm hạt giống và phát triển mới hàng chục ha sở trong 3 năm nay. Ưu điểm của loại cây này là chỉ cần một lần trồng nhưng thu hoạch quả đều đặn trong hàng chục năm. Bên cạnh đó, cây sở còn có tác dụng giữ ẩm cho đất, bảo vệ môi trường, nguồn nước và còn phòng hộ rất tốt.
Thêm nữa, cây sở được đánh giá hiệu quả nhất trên cả 3 tiêu chí đó là dễ trồng, dễ chăm sóc, thu hái đơn giản. Thứ 2 về bảo quản tốt, tránh được tư thương ép giá, thứ 3 sản phẩm ra đến đâu tiêu thụ đến đó. Dự báo cây sở có hiệu quả lâu dài nên Tân Thắng đẩy mạnh diện tích trồng sở.

Hiện cây sở đang được các hộ gia đình trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu chú trọng đến công tác chăm sóc, bảo vệ bởi không những giúp người dân xóa đói giảm nghèo, mà theo họ rễ và vỏ cây còn có tác dụng trị một số bệnh như đau dạ dày, bong gân… nên rất tiện dụng khi cần thiết.

Ông Phan Tiến Dũng - Chủ tịch UBND xã Tân Thắng chia sẻ: Cây sở là giống cây lâu năm, cho thu nhập khá đối với những hộ gia đình trồng cây này trên địa bàn xã. Hiện nay, hạt sở Tân Thắng vươn ra thị trường nước ngoài nên giá cả rất cao, đỉnh điểm lên đến 35 nghìn đồng/kg. Mỗi năm, địa phương xuất bán hơn 60 tấn hạt sở, trị giá gần 2 tỷ đồng.

Hiện nay, chính quyền xã đang động viên bà con nông dân tăng cường công tác chăm sóc, bổ sung chất dinh dưỡng cho cây. Đồng thời tìm hiểu và đưa giống sở cho hạt to, quả nhiều, sản lượng và chất lượng cao về địa bàn để mở rộng thêm diện tích, Chủ tịch UBND xã Tân Thắng cho hay.

Ông Đậu Đức Năm - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Quỳnh Lưu cho biết: “Hiện nay, trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu có khoảng vài chục héc-ta trồng cây sở, tập trung chủ yếu ở xã Tân Thắng và một phần xã Quỳnh Thắng. Cây sở là loại cây trồng lâu năm, chu kỳ sinh trưởng rất là dài cho nên vừa đảm bảo được cả về mặt phòng hộ vừa có thu nhập nên huyện đang khuyến khích bà con nhân rộng diện tích trồng giống cây này. Năm nay, cây sở cho quả nhiều, lại được giá nên bà con nông dân rất phấn khởi”.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần